80% mẫu bún có chất huỳnh quang: Kiểm nghiệm sơ sài, công bố cẩu thả
Chiều 22/7, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng thuộc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã công bố thông tin gây sốc: 80% số lượng mẫu bánh canh, bánh phở, bánh cuốn... được khảo sát tại TPHCM có sự hiện diện chất làm trắng quang học (tinopal).
Mức độ tin cậy của thông tin trên như thế nào? Cơ quan chuyên môn nào đã xét nghiệm và kết quả vẫn là... ẩn số.
Mua bán bún và bánh phở tại chợ Ngô Sĩ Liên (Hà Nội). Ảnh: Kỳ Anh
Công bố ẩu...
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng gửi cho các cơ quan truyền thông chiều 22/7 do Phó GĐ trung tâm Đỗ Ngọc Chính ký: Từ 15-25/6, trung tâm đã lấy ngẫu nhiên 30 mẫu thực phẩm bán tại 4 siêu thị, 4 chợ ở trung tâm TP và một cửa hàng, gồm 6 loại bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn, bánh ướt. Kết quả, 24/30 mẫu có sự hiện diện của chất làm trắng quang học, chiếm tỉ lệ 80%. Cụ thể, bún có 5/9 mẫu (chiếm tỉ lệ 56%); bánh cuốn 0/1 (0%); bánh ướt 4/4 (100%); bánh hỏi 5/5 (100%), bánh phở 3/4 (75%), bánh canh 7/7 (100%) chứa chất làm trắng huỳnh quang.
Thiết bị được dùng để xác định sự hiện diện của tinopal trong bún là đèn cực tím ở khoảng bước sóng 366nm. Ông Chính cho rằng: “Các hợp chất tinopal có khả năng phát huỳnh quang (fluorescence) nên hấp thu các ánh sáng vàng của chất liệu mà chất này bám vào và phát ra ánh sáng màu xanh, làm mắt con người nhận thấy sản phẩm sáng trắng hơn. Thực tế, các chất làm sáng quang học này không làm cho bún trắng hơn, mà chỉ tạo cảm giác của mắt thấy sáng và trắng hơn, tạo sự hấp dẫn hơn cho người mua”.
Ông Chính còn khẳng định, việc làm trắng các sản phẩm bún bằng chất làm trắng huỳnh quang là một hành động gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày; đặc biệt, có thể làm tổn thương những mao mạch khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng.
Nếu ăn bún chứa chất huỳnh quang lâu dài sẽ gây suy gan, thận, cơ thể mệt mỏi và cả bệnh ung thư. Tùy theo lượng độc tố vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính. Hơn nữa, đây là một chất dùng trong công nghiệp nên khó tránh khỏi trong đó có chứa các tạp chất gây hại cho sức khỏe.
Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) thì các chất làm trắng quang học có khả năng gây độc cho con người là các hợp chất dẫn xuất từ aminotriazine và stilbene, các chất này ảnh hưởng đến sự phát triển và khả năng sinh sản của con người...
Người tiêu dùng cần thông tin chính xác từ cơ quan chức năng.
Không đáng tin cậy
Trước thông tin trên, phóng viên đã tiến hành xác minh lại mức độ tin cậy của những con số “nhạy cảm” trên với nhiều cơ quan chuyên môn. Điều đáng ngạc nhiên, nhiều cơ quan phủ nhận kết quả trên và khẳng định: Số liệu không tin cậy, vì trung tâm đã sai từ quy trình lấy mẫu, cách kiểm nghiệm để phát hiện chất tinopal, thậm chí cả tư cách phát ngôn. Nhận thấy việc ảnh hưởng của vấn đề trên rất lớn, sáng 24/7, UBND TP đã họp khẩn với các cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc.
Theo các chuyên gia tham dự, để định danh hoạt chất tinopal trong thực phẩm hiện nay ở VN rất khó, vì VN chưa có quy chuẩn xét nghiệm về tinopal trong thực phẩm. Để tìm ra hoạt chất này, các trung tâm hiện đại mới làm được. Cụ thể, để xác định tinopal có trong bún hay không cần phải sử dụng các sắc ký lỏng cao áp ghép phổ. Lâu nay, một số mẫu bún khi xét nghiệm ghi nhận có sự hiện diện của tinopal, nhưng chỉ từ 1-4 ppm (hàm lượng không đáng kể). Nếu một người ăn mỗi ngày 1kg bún có tinopal và ăn liên tục cả tháng thì mới gây bệnh.
Riêng đèn cực tím ở khoảng bước sóng 366nm khi soi không thể phát hiện chính xác có tinopal hay không, vì có nhiều chất cũng có thể phát sáng dưới loại đèn này. Vì thế, soi đèn để tìm ra chất tinopal sau đó đưa ra kết luận khoa học là điều... không tưởng.
Điều đáng nói, chúng tôi đã trao đổi với đại diện nhiều labo phân tích uy tín tại TPHCM và khu vực phía nam như Trung tâm 3, Viện Y tế công cộng, Trung tâm sắc ký... thì đều được khẳng định: Không nhận được bất kỳ mẫu bún, miếng phở, bánh ướt, bánh cuốn của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng yêu cầu kiểm nghiệm và định danh tinopal.
Câu hỏi được đặt ra, trung tâm đưa ra những con số “cảm tính” trên với mục đích gì và liệu trung tâm có được phát ngôn cho cơ quan báo chí hay không. Kết quả kiểm nghiệm mẫu được cơ quan nào chứng nhận? Tại sao khi có thông tin trên, trung tâm không phối hợp với cơ quan quản lý và cùng tiến hành lấy mẫu tại các siêu thị, chợ theo đúng quy định lấy mẫu (để các cơ sở không chối cãi), bảo quản mẫu, quy trình vận chuyển đến các cơ sở phân tích uy tín? Chỉ bằng công nghệ thô sơ là đèn cực tím và sau đó vội vàng kết luận, công bố trước dư luận liệu có hợp lý.
Để khẳng định hơn nữa, lãnh đạo trung tâm này còn đưa ra hàng loạt các tác hại của tinopal gây hoang mang cho người tiêu dùng mà không biết cả định tính, định lượng của hoạt chất này khi vào cơ thể người mức bao nhiêu là độc hại, gây rối loạn tiêu hoá hay bệnh mạn tính. Cảnh báo chất độc có trong thực phẩm là vấn đề đáng trân trọng, nhưng phải thận trọng, chính xác và khoa học. Chính vì thông tin chung chung khiến cho người tiêu dùng quay lưng lại với các thực phẩm chế biến từ gạo sát sườn với cuộc sống hằng ngày và nguy hại nhất là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh mặt hàng này.
SĐồng tình với quan điểm trên, GS Chu Phạm Ngọc Sơn - Giám đốc Trung tâm Sắc ký TPHCM, khi trả lời phóng viên Báo Lao Động - đã khẳng định: Muốn công bố một số liệu khoa học thì phải phân tích kỹ đảm bảo tính chính xác cao: Quy trình lấy mẫu, bảo quản, cơ quan nào kiểm nghiệm, kết quả kiểm nghiệm như thế nào? Đánh giá mức độ tác hại...
Trong ngày 24/7, phóng viên đã cố gắng liên lạc với ông Đỗ Ngọc Chính - người ký bản báo cáo gửi cơ quan truyền thông công bố số liệu trên…Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều không thể gặp được. Gọi điện thoại, ông Chính không bắt máy. Và Sở Công Thương TPHCM sẽ có cuộc làm việc với trung tâm… xung quanh thông tin mà đơn vị này công bố.
Theo Võ Tuấn
Lao động