6% ca Covid-19 mới ở Việt Nam là nhân viên y tế, chuyên gia nói gì?
(Dân trí) - Mặc dù có phần thấp hơn so với mức trung bình trên thế giới, nhưng theo chuyên giam thực trạng lây nhiễm chéo trong hệ thống y tế tại Việt Nam hiện là vấn đề cần hết sức lưu tâm.
Tỉ lệ nhân viên y tế bị lây nhiễm ở nước ta tương đương thế giới
Kể từ 25/7 đến nay, nước ta đã liên tục ghi nhận những ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Đặc biệt, có đến 224 trường hợp được xác định có quan đến ổ dịch Đà Nẵng.
Một vấn đề rất đáng quan ngại khác là dịch bùng phát trong các bệnh viện, nên chính đội ngũ y tế đã trở thành nạn nhân của dịch bệnh.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm trực tuyến: "Bảo vệ chiến sĩ áo trắng trước làn sóng thứ 2 dịch Covid-19", do Công đoàn Y tế Việt Nam (Bộ Y tế) phối hợp cùng Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức, Thạc sĩ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam cho hay, trong hơn 200 ca bệnh Covid-19 được ghi nhận trong giai đoạn mới của dịch, đã có 14 nhân viên y tế bị lây nhiễm (2 sinh viên y khoa, 2 bác sĩ và 10 điều dưỡng), chiếm 6%.
“Tỉ lệ nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19 trong chùm ca bệnh mới tương đương với thống kê của Hội Điều dưỡng Thế giới ở 77 nước là khoảng 7%” – ThS Mục phân tích.
Hệ lụy khi lực lượng y tế thành nạn nhân của Covid-19
Mặc dù có phần thấp hơn so với mức trung bình trên thế giới, nhưng theo chuyên gia này lây nhiễm chéo trong hệ thống y tế tại Việt Nam hiện là vấn đề cần hết sức lưu tâm.
“Khi 1 nhân viên y tế mắc bệnh thì những đồng nghiệp của họ cũng rơi vào trạng thái cách ly, dẫn tới tình trạng không có nhân lực phục vụ bệnh nhân. Bên cạnh đó, nếu nhân viên y tế mang mầm bệnh thì sẽ rất nguy hiểm nếu tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân” – ThS Mục nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam nhận định rằng, hiện chúng ta chỉ có hơn 200 bệnh nhân Covid-19 mắc mới, nhưng đã có những biểu hiện về sự thiếu hụt nguồn lực y tế. “Cụ thể là Bộ Y tế đã phải cấp tốc chi viện cho thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, mới đây UBND thành phố Đà Nẵng cũng phải ra văn bản kêu gọi các tỉnh thành hỗ trợ để chống dịch” – Ông phân tích.
Mặc dù hiện tại chúng ta vẫn cơ bản đáp ứng tốt công tác điều trị. Tuy nhiên, theo ThS Phạm Đức Mục, trong kịch bản số lượng bệnh nhân tăng vọt thì chúng ta sẽ thiếu nhân lực, bởi nguồn nhân lực y tế của Việt Nam vốn vẫn ở mức rất thấp so với khu vực.
Chuyên gia này nêu dẫn chứng: “Xét về tỉ lệ điều dưỡng bình quân trên 10.000 dân, thì chúng ta phải tăng gấp đôi con số hiện tại để có thể bằng được Thái Lan, tăng gấp 3 để bằng Malaysia và tăng 10 lần để bằng Nhật Bản”.
Do đó, theo ông, ngay cả các tỉnh chưa có dịch, chúng ta cũng cần phải chuẩn bị thật tốt nguồn nhân lực, đặc biệt là các y, bác sĩ có năng lực về hồi sức, cấp cứu để phục vụ các bệnh nhân nặng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho lực lượng y tế, chuyên gia này nhấn mạnh việc quản lý nghiêm chất lượng của trang thiết bị y tế, đặc biệt là phương tiện phòng hộ cá nhân như: khẩu trang, găng tay y tế.
"Thiết bị phòng hộ chính là lá chắn bảo vệ các nhân viên y tế. Do đó, phải đảm bảo rằng, các vật tư kém chất lượng không được lọt vào bệnh viện, cơ sở y tế" - ThS Mục cho hay.