Vận động bệnh nhân khỏi Covid-19 hiến huyết tương điều trị các ca bệnh nặng
(Dân trí) - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết đang liên lạc với các trường hợp điều trị Covid-19 đã khỏi bệnh, vận động hiến huyết tương để điều trị cho các bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2.
Trước đó, liên quan đến phác đồ điều trị Covid-19, Bộ Y tế đã nhiều lần họp để cập nhật phác đồ mới nhất.
Vì Covid-19 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phác đồ điều trị cập nhật hôm 4/8 Bộ Y tế đã bổ sung nhiều thuốc kháng virus vào phác đồ.
Điều đặc biệt nhất, là cho phép sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã khỏi bệnh Covid-19 để điều trị.
Theo các chuyên gia trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc sử dụng huyết tương người điều trị khỏi bệnh cần được xem xét, đánh giá như một liệu pháp mới có tiềm năng nhằm tăng thêm công cụ cho thầy thuốc điều trị người bệnh, đặc biệt là những trường hợp tiến triển nặng và bệnh nặng. Điều quan trọng nhất trong Hướng dẫn này là lựa chọn người hiến huyết tương như thế nào và vấn đề sử dụng huyết tương.
Bên cạnh đó, việc bảo đảm an toàn việc hiến huyết tương của người điều trị khỏi bệnh Covid-19 cũng được đặt lên hàng đầu để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm SAR-COV-2 và các tác nhân gây bệnh khác cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.
Hiện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang liên hệ với những bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh giai đoạn trước để vận động hiến huyết tương. Nếu bệnh nhân đồng ý sẽ mời đến bệnh viện, khu vực được bố trí riêng để thực hiện quy trình này.
Theo chuyên gia Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, quá trình lấy huyết tương không gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe người hiến, bởi sẽ có hệ thống máy lọc để tác riêng huyết tương của người bệnh.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, cho biết chủng virus SARS-CoV-2 lan truyền trong đợt dịch tại Đà Nẵng này là chủng đã biến đổi gen, nằm trong nhóm D614G, xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam.
Đây là chủng virus SARS-CoV-2 thứ 6 được phát hiện tại Việt Nam. Với chủng biến đổi này, khả năng lây lan nhanh hơn nhưng chưa có bằng chứng biến đổi độc lực.
Đa phần các ca mắc Covid-19 không có triệu chứng. Những trường hợp sốt nhẹ, rát họng, ho ít, X-quang có hình ảnh viêm phổi kẽ được xếp vào thể nhẹ. Thể điển hình gồm sốt, ho, hắt hơi, chảy mũi, đau họng, khó thở nhanh, X-quang có hình ảnh viêm phổi. Thể nặng gồm hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, phù phổi cấp, suy đa tạng, tử vong...
Với tính chất lây truyền nhanh, trong phác đồ hướng dẫn cũng đề nghị với người nghi ngờ mắc Covid-19 sẽ được xét nghiệm ngay vì “thà làm sai, nhầm một trường hợp còn hơn là bỏ sót thành nguồn lây nhiễm”.
Bộ Y tế cho biết, hiện Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đang ráo riết thực hiện test nhanh trong cộng đồng nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn nguồn lây Covid-19.
Trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế lưu ý ngoài xâm nhập vào đường hô hấp, virus này có thể tấn công vào tất cả cơ quan nội tạng trong cơ thể, trong đó nổi bật là đường hô hấp, nhiều lúc gặp bệnh cảnh như nhiễm trùng huyết nhưng bệnh cảnh nặng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, cơn bão cytokine cũng làm bệnh nặng lên.
Đến nay, 8 bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại Việt Nam có 7/8 người trên 60 tuổi. Cả 8 bệnh nhân đều có bệnh lý nền điều trị nhiều năm nay.