1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

50% ca nhiễm mới HIV tại Việt Nam dưới 29 tuổi

Minh Nhật

(Dân trí) - Hình thái lây nhiễm HIV tại Việt Nam có sự thay đổi, 2 năm trở lại đây số ca nhiễm mới đang tăng, mỗi năm có tới hơn 13.000 ca.

Theo số liệu ước tính và dự báo dịch HIV/AIDS của Việt Nam năm 2022, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là khoảng 242.000 người. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay; tỷ lệ hiện nhiễm HIV tăng rõ rệt; tỷ lệ nhiễm mới HIV cao, tăng lên từng năm.

MSM và nhóm chuyển giới (TG) được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm HIV mới được ước tính hàng năm trong thời gian tới.

Dịch tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Chiếm gần 80% số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc (TPHCM chiếm hơn 1/4 số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc) và chủ yếu ở đối tượng nam giới (trên 80%).

50% ca nhiễm mới HIV tại Việt Nam dưới 29 tuổi - 1

Bác sĩ tại TPHCM tư vấn các kiến thức về HIV cho người trẻ (Ảnh: HCDC).

Năm 2022, Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS là "Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng".

Theo lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), việc Việt Nam chọn chủ đề này xuất phát từ 3 nguyên nhân:

Thứ nhất, hình thái lây nhiễm HIV tại Việt Nam có sự thay đổi, 2 năm trở lại đây số ca nhiễm mới đang tăng, mỗi năm có tới hơn 13.000 ca. Đáng lưu ý, dịch tăng chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ. 50% số ca nhiễm HIV phát hiện mới là những người dưới 29 tuổi. Con đường lây truyền chính là qua đường quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 74,6% chủ yếu tập trung ở nhóm thanh niên trẻ. Do vậy không thể kết thúc được đại dịch AIDS nếu không có sự tham gia của Thanh niên. 

Thứ hai, về kiến thức và thái độ phòng, chống HIV/AIDS của thanh niên: Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi chỉ dưới 50%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi là gần 40%. Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15-49 tuổi.

Thứ ba, cùng với kiến thức về HIV/AIDS hạn chế, ở nam nhóm tuổi 15-24 có nhiều hơn một bạn tình (trong 12 tháng trước ngày phỏng vấn) là 14%. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai...

Như vậy, có thể thấy việc lựa chọn chủ đề này thích hợp với bối cảnh tình hình dịch HIV ở Việt Nam hiện nay. Đây cũng là đối tượng cần được quan tâm trong thời gian tới khi chúng ta muốn đạt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc chấm dứt dịch AIDS chỉ có thể thành công nếu chúng ta huy động được thanh niên chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.

50% ca nhiễm mới HIV tại Việt Nam dưới 29 tuổi - 2

Các sinh viên tham gia cuộc thi (Ảnh: Minh Nhật).

Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày thế giới phòng, chống AIDS (1/12), tại Trường Đại học Y tế công cộng đã diễn ra cuộc thi Rung Chuông Vàng với chủ đề: "Phòng chống HIV/AIDS và STIs".

Đây là sự kiện giúp nâng cao kiến thức về HIV/AIDS và STIs cho các bạn Đoàn viên, sinh viên của trường.

Chia sẻ tại cuộc thi, ThS Cao Kim Thoa - Phó trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh rằng, nhiễm HIV không phải là dấu chấm hết.

50% ca nhiễm mới HIV tại Việt Nam dưới 29 tuổi - 3

ThS Cao Kim Thoa - Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Ảnh: Minh Nhật).

"Nếu chúng ta có hành vi nguy cơ, cần đi làm xét nghiệm vì chỉ xét nghiệm mới giúp chúng ta xác định được tình trạng của mình. Nếu không may kết quả xét nghiệm cho thấy chúng ta nhiễm HIV thì đã có rất nhiều phương án để điều trị giúp chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp và sức khỏe tốt", bà Thoa thông tin.