5 người trong cùng gia đình bị ngộ độc cá nóc

Quốc Triều

(Dân trí) - Một gia đình ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, ăn tối với món cá nóc. Vài giờ sau, có 5 người ngộ độc, phải chuyển vào đất liền điều trị.

Sau một ngày được điều trị tích cực, sức khỏe của anh T.V.T. (40 tuổi, huyện Lý Sơn) dần hồi phục. Anh T. cho biết, tối 2/5, gia đình anh gồm 12 người cùng ăn tối với món cá nóc. Vài giờ sau, có 5 người đau bụng, nôn ói, đi ngoài.

Đến sáng 3/5, 5 người được đưa đến cơ sở y tế trên đảo cấp cứu nhưng sức khỏe vẫn diễn biến xấu. Anh T. và 4 người thân được đưa vào bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu.

5 người trong cùng gia đình bị ngộ độc cá nóc - 1

Bác sĩ bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi thăm khám cho các bệnh nhân ngộ độc (Ảnh: Quốc Triều).

Sáng 4/5, bác sĩ Phạm Trung Hiếu, bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, cho biết cả 5 bệnh nhân đều bị ngộ độc cá nóc ở mức độ nặng. Một ngày sau khi được điều trị, các triệu chứng ngộ độc vẫn còn, nên cần tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại bệnh viện.

Theo bác sĩ Hiếu, cá nóc có chất độc gọi là Tetrodotoxin. Đây là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.000 lần so với chất độc xyanua.

Người ăn phải cá nóc có độc tố sẽ xuất hiện cảm giác ngứa ở miệng; tê môi, lưỡi tê. Tiếp theo, người bị ngộ độc cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, vã mồ hôi, sùi bọt mép, nôn, cứng cơ…

Trường hợp nặng sẽ xuất hiện liệt toàn thân, người mềm, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, thân nhiệt và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, trụy tim mạch và tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao nếu cấp cứu chậm.

"Ngộ độc cá nóc hiện chưa có thuốc đặc trị. Người bị ngộ độc bị ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng. Để phòng tránh, biện pháp hữu hiệu nhất là không ăn bất cứ thực phẩm nào được chế biến từ cá nóc", bác sĩ Phạm Trung Hiếu khuyến cáo.