5 lý do người Mỹ không muốn tiêm vắc xin cúm A/H1N1
(Dân trí) - Tại sao một nửa người Mỹ sợ tiêm vắc-xin phòng cúm A/H1N1 hơn cả chính đại dịch? Dưới đây là giải thích của các chuyên gia về những nỗi sợ hãi và dẫn tới từ chối tiêm vắc-xin cúm A/H1N1 trong năm nay của nhiều người dân Mỹ.
1. Nhiễm cúm A/H1N1 từ vắc-xin
ThS. Ted Epperly, chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ gia đình Hoa Kỳ cho biết: “Cộng đồng lo ngại rằng vắc-xin phòng cúm sẽ truyền bệnh cúm cho con người theo một cách nào đó. Họ sợ rằng họ sẽ mắt bệnh do tiêm vắc-xin”.
Thực tế là đã có những trường hợp tương tự như vậy khi tiêm vắc-xin phòng cúm mùa. Đó là sau tiêm 1-2 ngày, bạn sẽ có biểu hiện như là cúm.
Các nhà khoa học cho biết điều này là không đúng. Bởi cúm là do virus trong khi vắc-xin tiêm lại không chứa virus. Còn lại vắc-xin xịt đường mũi thì có virus nhưng nó không thể gây ra bệnh cúm.
Ngoài ra, cúm không phải là bệnh có biểu hiện na ná giống cúm. Thực tế, số trường hợp bị cúm thật chỉ chiếm chưa tới 1/3 số trường hợp có biểu hiện na ná giống cúm khi vào mùa cúm. Nhưng mọi người đều gọi chung là “cúm”.
Tuy nhiên, thật khó để thuyết phục mọi người tin vào điều này khi vừa tiêm phòng xong thì có các biểu hiện giống cúm.
2. Vắc-xin cúm chưa đủ tin cậy vì quá mới
Những người lo lắng về sự an toàn của vắc-xin cúm do bắt nguồn từ việc các chuyên gia y tế phân tích, giúp bệnh nhân cân nhắc cân nhắc giữa những nguy cơ và lợi ích có được sau tiêm.
Vậy loại vắc-xin này mới tới mức nào? Câu trả lời là vắc-xin H1N1 không phải là hoàn toàn mới. Nếu vắc-xin cúm A/H1N1 là một chế phẩm hoàn toàn mới thì nó sẽ phải mất nhiều năm thử nghiệm độ an toàn trước khi được FDA chấp nhận.
Thực tế là loại vắc-xin này có cùng một phương pháp và được các công ty có kinh nghiệm trong sản xuất vắc-xin cúm thực hiện. Sự khác nhau của vắc-xin cúm A/H1N1 với vắc-xin cúm mùa là kháng nguyên của nó là một phần của virus H1N1, tức là “H1”. “H1” không gây ra cúm và không độc.
Vắc-xin này được rất nhiều quốc gia sử dụng, như Mỹ và Canada.
3. Tôi chưa bao giờ nhiễm cúm và cúm là bệnh vớ vẩn
Một số người nói rằng họ chưa bao giờ nhiễm cúm - thật khó để nói rằng trong tương lai họ sẽ không bị mắc bệnh dù nghiên cứu cho thấy một số người đã có sẵn miễn dịch với virus H1N1.
Các chuyên gia đồng ý rằng việc giữ vệ sinh cá nhân, chăm chỉ rửa tay giúp giảm nguy cơ nhiễm cúm nhưng việc tiêm vắc-xin cúm sẽ giúp ngăn chặn tình trạng lây nhiễm hay ít nhất là là cho hậu quả của cúm ít dữ dội hơn. Đặc biệt là ở những nhóm đối tượng đặc biệt (phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người có bệnh mãn tính…).
Một khảo sát của Harvard cho thấy 61% người Mỹ không định tiêm vắc-xin phòng cúm A/H1N1 vì họ nghĩ rằng họ không thuộc nhóm có thể bị biến chứng nghiêm trọng do cúm. Trong khi đó, rất nhiều người, sau 1,2,3 ngày tự “chiến đấu” với cúm đã phải nhập viện, cần sự chăm sóc đặc biệt và không ít người đã tử vong sau đó.
4. Đã quá muộn, cúm A/H1N1 đã hiện diện ở đây
Ngay cả những người thờ ơ nhất cũng biết cúm đã xuất hiện ở đất nước mình, ở khu vực mình đang sinh sống. Và đây là lý do khiến một số người tin rằng tiêm vắc-xin lúc này chẳng còn tác dụng gì nữa.
Thực tế là không bao giờ là quá muộn. Bởi ngay cả khi dịch cúm lan rộng thì cũng mới chỉ có 5-10% dân số vùng đó bị nhiễm cúm. Còn lại 90-95% vẫn thuộc nhóm có thể bị ảnh hưởng. Chẳng ai có thể dự đoán tương lai sẽ như thế nào và tiêm vắc-xin sẽ là cách tốt nhất để giảm tác động của cúm đối với sức khỏe cộng đồng.
5. Mọi người đều ghét tiêm!
Đây là nguyên nhân khiến 35% người được hỏi trong cuộc khảo sát của Harvard từ chối tiêm vắc-xin phòng cúm A/H1N1.
Chẳng thể đưa ra một câu trả lời xác đáng cho vấn đề này ngoại trừ việc nói rằng: việc tiêm chủng chỉ giống như là bị kiến cắn và nếu không muốn nhìn thấy mũi kim tiêm thì có thể chọn vắc-xin dạng xịt mũi.
Nhân Hà
Theo WMD