1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

4 dịch bệnh "nóng" tại Hà Nội đang diễn biến thế nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Covid-19, tay chân miệng, sốt xuất huyết và cúm A là 4 dịch bệnh đang nóng nhất tại Hà Nội.

Hà Nội đã xuất hiện cả 2 biến thể phụ Omicron BA.4 và BA.5

Trong những tuần gần đây, số ca mắc Covid-19 ghi nhận mới tại Hà Nội duy trì ở mức trên 1.000 ca.

Theo số liệu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cập nhật đến 11/8, Hà Nội có 137 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Trong số này có 124 bệnh nhân ở mức độ trung bình, 5 ca phải can thiệp thở oxy.

4 dịch bệnh nóng tại Hà Nội đang diễn biến thế nào? - 1

Thành phố cũng liên tục giám sát biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Trong tuần 30, CDC Hà Nội đã gửi 19 mẫu cho Bệnh viện Bạch Mai để làm giải trình tự gen. Tuần 31, CDC Hà Nội tiếp tục gửi 19 mẫu bệnh phẩm từ các Trung tâm Y tế gửi lên.

Như vậy tính từ đầu năm 2022, Hà Nội đã tiến hành giải trình tự gen 318 mẫu bệnh phẩm dương tính tại cộng đồng, trong đó biến thể Omicron vẫn là biến thể chiếm ưu thế, hiện đã được phát hiện tại 30/30 quận huyện với 296/318 mẫu (93%); còn lại 22/318 mẫu (7%) nhiễm biến thể Delta.

Kết quả giải trình tự gen do Bệnh viện Bạch Mai thực hiện mới đây ghi nhận thêm 6 trường hợp nhiễm chủng BA.5 và 1 trường hợp nhiễm chủng BA.4 trong cộng đồng. Như vậy đến nay Hà Nội đã xuất hiện cả 2 biến thể phụ Omicron BA.4 và BA.5.

CDC Hà Nội đánh giá tình hình dịch đang được kiểm soát. Dự báo số ca mắc trung bình sẽ duy trì ở mức dưới 200 ca/ngày trong thời gian tới.

Sốt xuất huyết và tay chân miệng diễn biến phức tạp

Trong tuần 31, Hà Nội ghi nhận 32 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 9 trường hợp so với tuần trước đó (23 ca).

4 dịch bệnh nóng tại Hà Nội đang diễn biến thế nào? - 2

Một bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn.

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 1.183 ca mắc tay chân miệng, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2021(196 ca).

Dịch sốt xuất huyết cũng có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Trong tuần 31, Thủ đô ghi nhận 149 ca mắc, tăng 2,3 lần so với tuần trước (65 ca). Bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 26 quận/huyện; 89 xã/phường/thị trấn. Trong đó bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận huyện như: Ba Đình (19), Đống Đa (16), Thường Tín (14), Thanh Oai (10), Thanh Xuân (10). Còn lại các quận huyện khác đều ghi nhận số ca mắc dưới 10 trường hợp.

Cộng dồn trong năm 2022, Hà Nội có 608 ca mắc sốt xuất huyết; tăng gần gấp đôi so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (359 mắc). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 240/579 xã, phường, thị trấn. Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 55 ổ dịch tại 19 quận, huyện, 45 xã, phường. Hiện tại còn 13 ổ dịch đang hoạt động. Túyp virus Dengue lưu hành là DENV1 và DENV2.

Dự báo số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, kết quả giám sát tại nhiều điểm có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng.

4 dịch bệnh nóng tại Hà Nội đang diễn biến thế nào? - 3

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Để phòng chống dịch, Thành phố đã và đang tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ.

Triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các khu vực có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ.

Hơn 3.000 trường hợp mắc cúm từ đầu năm đến nay

Theo số liệu thống kê, trong tháng 7 toàn thành phố ghi nhận thêm 828 trường hợp mắc cúm mùa (giảm nhẹ so với tháng 6: 887 trường hợp). Cộng dồn năm 2022, ghi nhận 3.433 trường hợp mắc, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Đáng chú ý ghi nhận nhiều bệnh nhân diễn biến nặng vì cúm A. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa qua, một bệnh nhân cúm A đã được chuyển từ Thanh Hóa vào Khoa Cấp cứu của Bệnh viện trong tình trạng rất nặng.

4 dịch bệnh nóng tại Hà Nội đang diễn biến thế nào? - 4

Bệnh nhân mắc cúm A phải can thiệp ECMO.

Qua khai thác bệnh sử xác định cách đây 2 năm, bệnh nhân phát hiện bị suy tủy, khiến cơ thể bị giảm hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu hạt. Do đó, bệnh nhân phải đi viện thường xuyên.

Thời điểm khởi phát cúm A, bệnh nhân có tình trạng sốt cao gai rét liên tục, kèm theo ho khạc đờm, đau mỏi cơ, đau nặng đầu, không nôn, tức ngực khó thở tăng dần. Bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện tuyến dưới một ngày không cải thiện và được chuyển ra Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán: suy hô hấp, cúm, viêm phổi.

Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân nhanh chóng được chỉ định đặt ống thở máy. Tuy nhiên, vì không đáp ứng với thở máy, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).

Bệnh nhân cũng được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện để điều trị.