32 tỉnh phía Nam có trung tâm khám chữa bệnh từ xa
(Dân trí) - Thông qua hệ thống khám bệnh, chữa bệnh từ xa, các bác sĩ từ Đà Nẵng đến Cà Mau vừa hội chẩn cứu một ca bệnh khó. Không cần lên tuyến trên nhưng người bệnh vẫn được điều trị với chuyên môn tốt nhất.
Ngày 18/9, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM vừa chính thức khai trương Trung tâm Tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại bệnh viện theo đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” của Bộ Y tế. Đây là bệnh viện đầu ngành được giao nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện từ Đà Nẵng đến mũi Cà Mau.
Trong buổi khai trương, dưới sự chủ trì của PGS.TS Lâm Hoài Phương các bác sĩ từ 63 đầu cầu khắp các tỉnh thành đã trực tiếp hội chẩn cho một ca bệnh khó với tình trạng gãy phức tạp thành xoang hàm, thành hốc mắt, cung gò má bên trái gây biến dạng khuôn mặt sau tai nạn giao thông, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng.
Thông qua hệ thống kết nối mạng trực tuyến, các thông tin liên quan đến tình trạng bệnh sử, kết quả xét nghiệm, các kết quả kiểm tra hình ảnh X-quang… của người bệnh được các bác sĩ và chuyên gia đầu ngành xem xét kỹ lưỡng.
Sau hội chẩn, người bệnh được chỉ định phẫu thuật kết hợp xương bằng những giải pháp tối ưu nhất trên cơ sở các hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương. Từ ca bệnh trên, các khó khăn về mặt chuyên môn của tuyến cơ sở cũng được PGS Lâm Hoài Phương, Cố vấn chuyên môn chỉ rõ từng chi tiết giúp bác sĩ tuyến cơ sở tự tin trong việc can thiệp phẫu thuật, điều trị cho người bệnh.
Trong lĩnh vực chuyên môn, ngành Răng Hàm Mặt đang được chú trọng phát triển khắp cả nước. Tuy nhiên, trình độ về chuyên môn của các bác sĩ chưa được đồng đều, năng lực khám chữa bệnh còn có khoảng cách giữa các vùng miền, giữa các bệnh viện với nhau. Việc nâng cao chất lượng chuyên môn cho y tế tuyến cơ sở để phục vụ người bệnh có nhu cầu điều trị chăm sóc các bệnh lý, chấn thương về răng hàm mặt là giải pháp cần ưu tiên.
BS-CKII Lê Trung Chánh, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM cho biết: “Trung tâm tư vấn khám, chữa bệnh từ xa đi vào hoạt động, chúng tôi tin tưởng sẽ ngày càng có nhiều bác sĩ tuyến dưới được bác sĩ tuyến trên cập nhật kiến thức, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm để thực hành lâm sàng tốt hơn”.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Ngành y tế đang trong giai đoạn số hóa để bắt kịp với sự phát triển của công nghệ 4.0 trên thế giới, mang lại hiệu quả trong việc bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong thời đại kỹ thuật số, người dân có thể thụ hưởng những dịch vụ khám chữa bệnh bởi các bác sĩ chuyên gia đầu ngành mà không cần phải gặp trực tiếp”.
Bộ Y tế tin tưởng và người dân đang kỳ vọng với sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên cho y tế tuyến dưới, người bệnh sẽ được chăm sóc, điều trị tốt nhất góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Thời gian tới, người dân có thể ở tại địa phương điều trị nhưng vẫn được bác sĩ tuyến trên hỗ trợ tối đa về mặt chuyên môn.
PGS Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm: “Trên nền tảng của đề án 1816, hệ thống telemedicine và đến nay được nâng cấp lên hệ thống khám bệnh chữa bệnh từ xa Telehealth, các bác sĩ có thể ngồi tại chỗ nhưng vẫn hỗ trợ được đồng nghiệp từ tuyến tỉnh đến các trạm y tế xã ở nơi xa xôi nhất. Kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia giỏi cần được truyền đạt cho đồng nghiệp tuyến dưới như hình thức cầm tay chỉ việc. Các bác sĩ tuyến dưới cũng nên chủ động lĩnh hội học tập, nâng cao tay nghề, góp phần chăm sóc, điều trị ngày càng tốt hơn, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh”.