3 nguyên tắc bảo vệ sức khỏe ngày nắng nóng

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, 3 nguyên tắc đơn giản nhưng thực hiện được sẽ giúp mọi người bảo vệ được sức khỏe trong những ngày nắng nóng cao điểm.

Chống mất nước cho cơ thể

Nhiều người quan niệm, mất nước chỉ xảy ra khi người bệnh bị đi ngoài, nôn. Nhưng thực tế, đi dưới cái nắng hầm hập trên 40 độ C ngoài đường, lượng nước trong cơ thể bị “bốc hơi” nhanh qua mồ hôi. Lúc này, nước “bốc hơi” không còn là nước lọc nữa mà kèm theo đó là muối, đường, khoáng… gây tình trạng mất nước cho cơ thể. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), mồ hôi ra càng nhiều thì cơ thể càng dễ bị mất nước. Khi đó, cơ thể sẽ mệt mỏi, choáng, dễ gây sốt, trong nhiều trường hợp mất nước nặng khi đi ngoài nắng khiến người bệnh dễ bị say nắng, gây nhức đầu, khó thở…
 
3 nguyên tắc bảo vệ sức khỏe ngày nắng nóng

Cũng theo TS Dũng, tình trạng cơ thể mất nước ngày nóng nắng rất đáng báo động ở trẻ nhỏ và người già. Ở trẻ nhỏ không chỉ chịu tác động của nền nhiệt cao, mà trẻ em là đối tượng rất hiếu động, đùa nghịch, chạy nhảy nên lượng mồ hôi ra nhiều hơn rất nhiều người lớn. Không hiếm gặp những em bé vừa thay áo, chạy 5 - 10 phút thì đầu tóc lại ướt dòng dòng, mồ hôi thấm đẫm lưng áo.

Còn nhiều trẻ, ngày đùa đó, đêm lại sốt đùng đùng, sáng mai lại hạ sốt bình thường như không, đó chính là hiện tượng sốt do mất nước. “Mất nước ở trẻ em dễ gây sốt do cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn thiện, khả năng điều nhiệt kém, nên gặp thời tiết nắng gay gắt, mất nước nhiều trẻ dễ bị sốt hơn người lớn”, TS Dũng giải thích.

Còn ở người già, nguy cơ mất nước do nắng nóng cũng rất cao. Theo BS Nguyễn Trung Anh, Viện Lão khoa TƯ, khi nhiệt độ tăng cao, người già rất khó thích ứng kịp vì “trung tâm điều nhiệt” không còn nhạy cảm như thời trẻ, dẫn đến việc điều chỉnh thân nhiệt không kịp thời. Đồng thời, “trung tâm báo khát” ở người già cũng hoạt động kém đi, nên cơ thể bị thiếu nước nhưng không cảm thấy khát, không kịp thời bổ sung nước cho cơ thể. Từ đó, dễ dẫn đến tình trạng say nóng, dễ mắc bệnh hoặc bệnh tình trở nặng hơn trong những ngày nhiệt độ tăng cao. Vì thế, con cháu hãy luôn nhớ nhắc nhở các cụ uống nước, cho các cụ ăn các loại thức ăn mềm, loãng, nhiều nước như cháo, bún... Việc bổ sung đủ nước sẽ giúp các cụ khỏe khoắn, tỉnh táo, hoạt bát hơn.

Chống mất nước cho cơ thể bằng cách uống đủ nước, ăn thực phẩm loãng sẽ là một biện pháp hữu ích tăng cường sức khỏe đối phó với nắng nóng. Còn với những người mất nước quá nhiều qua hiện tượng tuốt mồ hôi như ở trẻ em đùa nghịch, người làm việc ngoài đường nắng nóng… thì chỉ uống nước thôi chưa đủ, mà hãy pha dung dịch oresol theo tỷ lệ đúng để dùng thay thế nước lọc, sẽ giúp cơ thể bồi phụ lượng nước, muối khoáng, đường mất qua mồ hôi. Hoặc có thể uống nước chanh tươi pha với một nhúm muối giúp cơ thể lại sức nhanh chóng.

Ngoài ra, hãy nhớ nguyên tắc, mùa hè nắng nóng luôn phải mang theo nước bên mình, thỉnh thoảng lại uống một ngụm, tránh tình trạng có người phải di chuyển vài tiếng đồng hô trên đường, khát mà ngại dừng xe uống nước. Lúc này, khi cơ thể đã bị mất nước nhiều, cảm thấy rất mệt mỏi, có uống cả lít nước khi đó cũng không lại ngay sức.

Dinh dưỡng hợp lý

Mùa hè, nhắc đến ăn cơm, ai cũng ngao ngán vì mệt và chán miệng không buồn ăn, trong khi đó bỏ ăn lại tác động rất xấu đến sức khỏe, lâu dần dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu vi chất làm cơ thể mệt mỏi.
 
3 nguyên tắc bảo vệ sức khỏe ngày nắng nóng
 

Vì thế, hãy đảm bảo quy tắc, không cố ăn nhiều nhưng ăn đủ dinh dưỡng. Một bát súp thịt với các loại rau củ vừa cung cấp được tinh bột, đạm và cả các loại vitamin từ rau củ. Ngoài ra, các loại nước trái cây như cam, bưởi, nước dứa ép, các loại trái cây… sẽ luôn là sự lựa chọn tốt để cung cấp vi chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Các món ăn mùa hè được khuyên dùng là các loại cháo, súp, bún… vừa đủ dinh dưỡng, vừa cung cấp thêm nước cho cơ thể.

Đảm bảo che nắng khi đi ra ngoài

Đợt nắng nóng này, mới 7 - 8h sáng thời tiết đã trở nên rất gay gắt, khi đi ngoài đường, khói, bụi, hơi nóng từ đường hấp lên càng khiến bức bối. Vì thế, hãy hạn chế tối đa đi ra ngoài đường trong giờ nóng cao điểm từ 11h trưa đến 4h chiều. Và khi đi ra nắng, hãy đảm bảo toàn cơ thể được che nắng khi ra ngoài. Hở vùng da nào sẽ “hun đốt” vùng da đó, vừa gây cháy da (sau đi nắng, da bị đỏ ứng, rồi bong từng lớp), vừa hại cho sức khỏe. Hãy thử kết hợp, vừa đội mũ, vừa che ô, cảm giác dịu đi rất rõ ràng. 

3 nguyên tắc bảo vệ sức khỏe ngày nắng nóng

Trong thời tiết nắng nóng, tốt nhất nên ở trong phòng, dùng điều hòa nhiệt độ từ 26 - 28 độ C, hoặc quạt thoáng, mặc quần áo rộng rãi, thấm mồ hôi. Trong những ngày này, mọi người cũng cần chú ý sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột. Ví dụ, vừa đi ngoài nắng về không vào ngay phòng điều hòa, mà hãy mở cửa phòng, đứng một lúc trước cửa để cái nóng hầm hập trong người thích nghi dần với sự mát lạnh bên trong rồi mới bước vào phòng.

Hồng Hải