1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thanh Hóa: Nắng nóng, bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp

(Dân trí) - Trong thời gian qua, nhất là những ngày nắng nóng này, tình hình bệnh tay chân miệng diễn biến rất phức tạp, chưa có chiều hướng giảm xuống, mỗi ngày có hơn 50 ca nhập viện.

Trong những ngày nắng nóng này, bệnh nhi nhập viện tăng cao. Đặc biệt ngày 2/5, sau kỳ nghỉ lễ, bệnh nhi nhập viện tăng đột biến, trước đó ngày 1/5 chỉ có 113 ca thì sang ngày 2/5 có 467 ca nhập viện.

Thanh Hóa: Nắng nóng, bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp
Còn gần 70 bệnh nhi tay chân miệng đang nằm điều trị tại bệnh viện.

Trong vòng một tháng qua, mỗi ngày bệnh viện Nhi điều trị nội trú cho khoảng 500 bệnh nhân. Các bệnh nhi nhập viện chủ yếu mắc các bệnh như: Viêm VA, Amidan, tay chân miệng, tiêu chảy, Rôta vi rút, trong đó bệnh tay chân miệng vẫn chưa có chiều hướng giảm.

Tính đến chiều ngày 3/5, có 64 bệnh nhi tay chân miệng đang điều trị tại bệnh viện, chưa có trường hợp nào biến chứng và rơi vào tình trạng nguy kịch.

Bác sỹ Hoàng Thị Kim Thanh, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Thanh Hóa nhận định: “Thường thì trong các đợt rét hay nắng nóng bệnh nhân không tăng đáng kể, nhưng hậu rét và nắng nóng thì bệnh nhân mới tăng cao. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiều bậc phụ huynh bệnh nhi ngại ra ngoài, có khi con cái bị bệnh cố để ở nhà, khi thấy bệnh nặng mới đến. Nên có nhiều trường hợp khi đến bệnh viện thì rất dễ dẫn đến biến chứng.

Thanh Hóa: Nắng nóng, bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp
Hầu hết các bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng ở dạng nặng.

Trong điều kiện thời tiết như thế này, nếu cho trẻ nằm điều hòa để nhiệt độ quá thấp, quạt dùng số quá mạnh hay việc uống nước đá nhiều là những yếu tố thúc đẩy cho các bệnh mãn tính phát triển. Hơn nữa trong nước đá đường không đảm bảo vệ sinh, trẻ dễ nhiễm các loại vi rút”.

Để đáp ứng nhu cầu điều trị của các bệnh nhân, ngay từ khi đầu hè, bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã kê thêm 100 giường, nâng số giường bệnh lên 500 giường. Tới đây, bệnh viện còn kê thêm 50 giường để đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám và điều trị của bệnh nhi.

Thạc sĩ Trịnh Văn Lực, Trưởng khoa truyền nhiễm Da liễu, Bệnh viện Nhi cho biết: “Như mọi năm, bệnh tay chân miệng thường phát triển mạnh vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 10, nhưng năm nay, ngay từ đầu hè đã phát triển cao. Trường hợp nhiễm bệnh ở mức độ 2a mới được nhập viện. Mới đây, bệnh viện đã làm test vi-rút EV71 cho hơn 1.000 ca và có hơn 50% dương tính với vi-rút EV71.

Thanh Hóa: Nắng nóng, bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp
Nhiều người nhà bệnh nhi phải chạy ra hành lang nằm cho mát.

Có nhiều bệnh nhân nặng, đặc biệt là bệnh nhân đồng nhiễm cả 2 loại vi-rút EV71 và Rôta vi-rút (tác nhân gây tiêu chảy, nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Việc phòng chống bệnh tay chân miệng là phải phụ thuộc vào ý thức sinh hoạt, vệ sinh của cả cộng đồng. Bởi vì nó không phải là ổ bệnh mà mình có thể dập được, ở đây là dạng vi-rút đường ruột nên để phòng chống là rất khó”.

“Các bậc phụ huynh nên vệ sinh sạch sẽ môi trường, tắm rửa cho con nhỏ thường xuyên và điều quan trọng là phải rửa ráy sạch phần hậu môn cho trẻ sau khi các cháu đi vệ sinh. Ngay cả người lớn cũng phải có ý thức về vấn đề này để đảm bảo sức khỏe, vệ sinh cho những người xung quanh”, bác sỹ Lực khuyến cáo.

Duy Tuyên