3 con đã lớn chưa chịu kết hôn, người phụ nữ trung niên sinh trầm cảm

Minh Nhật

(Dân trí) - Chỉ vì các con đều chưa lập gia đình, bà L. (gần 60 tuổi) sinh ra buồn bã, chán nản. Người phụ nữ này càng sốt ruột hơn mỗi khi nhận thiệp mời đám cưới của người trong làng.

Bà N.T.L có 3 người con, 2 gái, 1 trai, trong đó người trẻ nhất sinh năm 1990 và lớn tuổi nhất sinh năm 1985 và đều chưa lập gia đình. Ở tuổi gần 60, bà L. ngày càng lo lắng về chuyện hôn nhân của các con.

Ban đầu, bà chỉ hay phàn nàn với các con về chuyện lâu lập gia đình. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, người phụ nữ này bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như mất ngủ, ăn không ngon miệng, chán ăn, lo âu, không muốn ra khỏi nhà, các triệu chứng cũng ngày càng nặng thêm.

3 con đã lớn chưa chịu kết hôn, người phụ nữ trung niên sinh trầm cảm - 1

Một bệnh nhân trầm cảm đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I

Bà L. là một trong những trường hợp điển hình về bệnh trầm cảm có căn nguyên từ các vấn đề tưởng như đơn giản trong đời sống mà Bệnh viện Tâm thần Trung ương I tiếp nhận điều trị.

Là người trực tiếp điều trị cho bà L., BS Phạm Bích Hạnh, khoa 3 cho biết: “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng buồn rầu, ủ rũ, chán nản, gần như không tiếp xúc với ai. Khi chúng tôi hỏi thăm, bà L. có chia sẻ rằng, không biết mình có tội tình gì, mà người ta con cháu đuề huề, mà nhà mình không đứa nào chịu lấy vợ, lấy chồng”.

Thậm chí, theo BS Hạnh, bà L. còn tiết lộ rằng, bản thân đã từng nghĩ đến việc tự sát coi như là cách để giải thoát.

Với trường hợp của bà L., bác sĩ đã cho điều trị bằng thuốc chống trầm cảm kết hợp với trị liệu tâm lý. Sau 1 tháng điều trị nội trú, bệnh nhân đã ổn định được tinh thần, vui vẻ, tỉnh táo trở lại, nên được cho xuất viện.

Tuy nhiên, theo BS Hạnh, sau khi về nhà, bệnh nhân không tuân thủ việc dùng thuốc nên tình trạng trầm cảm lại tái phát.

“Việc chấp hành sử dụng thuốc đối với bệnh trầm cảm là rất quan trọng. Vì là thuốc điều trị triệu chứng tương tự như thuốc cao huyết áp, tiểu đường, nên chỉ khi duy trì thuốc thì tinh thần của bệnh nhân mới ở trạng thái ổn định. Hiện tại, bà L. vẫn tiếp tục được theo dõi và điều trị ngoại trú”, BS Hạnh nói.

Chuyên gia này cũng phân tích thêm rằng, với trường hợp của bà L., quan trọng nhất vẫn là giải tỏa được căn nguyên tâm lý, nghĩa là con cái bà lập gia đình, thì bệnh trầm cảm có thể khỏi hẳn.

Theo BS Hạnh, tại khoa 3 cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp mắc chứng trầm cảm vì các vấn đề từ chính gia đình của bệnh nhân. Có thể kể đến như trường hợp trẻ bị trầm cảm chỉ vì bố mẹ thường xuyên cãi vã. Tình trạng này kéo dài khiến em có tâm lý tự đổ tội cho kết quả học tập của mình là nguyên nhân xích mích của người lớn. Một trường hợp khác là người phụ nữ trẻ, từ quê lên thành phố làm dâu, sau một thời gian sinh trầm cảm vì áp lực từ phía gia đình nhà chồng.

Phân biệt trầm cảm với tâm lý lo âu thông thường

Trên thực tế, trầm cảm không phải là căn bệnh hiếm gặp. Theo thống kê, 20% dân số mắc trầm cảm ở các dạng khác nhau. Trong đó, chỉ có 5% trầm cảm điển hình, tức là bệnh nhân biểu hiện bệnh một cách rõ rệt. 15% còn lại là không điển hình nên dễ bị nhầm sang các bệnh lý khác.

Bệnh trầm cảm có thể khỏi hoàn toàn, nếu phát hiện sớm và điều trị đúng. 6 tháng đầu tiên là giai đoạn vàng để chữa khỏi bệnh. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng, có thể dẫn đến trầm cảm mãn tính.

3 con đã lớn chưa chịu kết hôn, người phụ nữ trung niên sinh trầm cảm - 2

BS Phạm Bích Hạnh tư vấn cho bệnh nhân trầm cảm đang điều trị

Theo BS Hạnh, có nhiều dấu hiệu để phân biệt trầm cảm và tâm trạng buồn bực, lo âu thông thường. Lấy dẫn chứng từ trường hợp của bà L., chuyên gia này phân tích: “Với những bà mẹ bình thường, họ sẽ chỉ có cảm giác buồn bực khi nhắc đến vấn đề con đã lớn mà chưa kết hôn. Ngược lại, vì mắc trầm cảm, nên bà L. luôn trong tình trạng buồn, chán nản, lo âu, dù không đề cập đến vấn đề của con”.

Ngoài ra, có thể căn cứ vào 10 triệu chứng điển hình của bệnh trầm cảm sau đây, để phát hiện bệnh sớm:

- Buồn rầu, chán nản, bi quan kéo dài trên 2 tuần.

- Giảm hoặc mất hẳn hứng thú với các sở thích trước đây.

- Cơ thể mệt mỏi bất thường, nhất là vào buổi sáng.

- Giảm tự tin.

- Nhìn tương lai ảm đạm, bi quan.

- Rối loạn ý định và hình thành tự sát.

- Rối loạn giấc ngủ.

- Ăn uống kém.