3 cán bộ y tế hy sinh khi chống dịch có được công nhận liệt sỹ không?

Nam Phương

(Dân trí) - Theo Công đoàn Y tế Việt Nam, đã có hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm SARS-CoV-2 khi làm việc; trong đó có 3 cán bộ y tế tử vong gồm 2 người tại TPHCM và một tại Bình Dương.

Thời gian tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 càng dài thì nguy cơ bị lây càng cao. Theo ước tính của thế giới, cán bộ y tế thuộc nhóm nguy cơ cao bị lây nhiễm Covid-19. 

Công đoàn Y tế Việt Nam thống kê đã có hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm SARS-CoV-2 khi làm việc. Trong đó đã có 3 cán bộ y tế tử vong gồm 2 người tại TPHCM và một tại Bình Dương.

Vậy cán bộ y tế làm nhiệm vụ chống dịch, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 mà hy sinh thì có được xem xét công nhận liệt sỹ không?

3 cán bộ y tế hy sinh khi chống dịch có được công nhận liệt sỹ không? - 1

Không chỉ làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, các cán bộ y tế còn chịu áp lực nặng về tâm lý khi áp lực công việc lớn, bệnh nhân quá đông, thiếu trang thiết bị... (Ảnh minh họa). 

Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết theo khoản 3 điều 59 luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, điểm k khoản 1 điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công thì họ được xem xét công nhận là liệt sỹ. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Thủ trưởng các Bộ và tương đương kiểm tra hồ sơ, thủ tục xác nhận liệt sĩ chuyển Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng "Tổ quốc ghi công".

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương có người hy sinh có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ.

Vì thế, cán bộ công tác tại phòng Tổ chức cán bộ của các cơ sở y tế có thể lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ ngay cho cán bộ của cơ sở mình nếu không may vì chống dịch mà hy sinh, bà Trang cho biết.

Chung quan điểm trên, ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng cho rằng để tôn vinh những chiến sỹ áo trắng đã hy sinh trong trận chiến cam go chống dịch, pháp luật đã quy định khá rõ về điều kiện để cán bộ y tế được công nhận liệt sỹ.

Cụ thể, khoản 3 điều 59 luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định "Trong quá trình chống dịch, khi người tham gia chống dịch dũng cảm cứu người mà bị chết… thì được xem xét để công nhận liệt sỹ… theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng".

Điểm k khoản một điều 14 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng cũng quy định điều kiện để được công nhận liệt sỹ là "đặc biệt dũng cảm cứu người…" nhưng phải là "tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, lan tỏa rộng rãi trong xã hội".

"Theo quy định trên thì mọi đối tượng dù là cán bộ y tế, công an, quân đội hay bất kỳ ai khác bị chết khi đặc biệt dũng cảm cứu người, trong chống dịch và được chứng minh là tấm gương sáng có ý nghĩa tôn vinh, lan tỏa rộng rãi trong xã hội thì được xét công nhận liệt sỹ", ông Quang nhấn mạnh.

Như vậy, theo ông việc công nhận liệt sỹ cho cán bộ y tế hy sinh khi chống dịch nói chung và chống dịch Covid-19 nói riêng đã được pháp luật quy định.

Để hỗ trợ TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam phòng chống dịch Covid-19, tính riêng đợt dịch lần thứ 4, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung đã cử hơn 13.000 cán bộ y tế tham gia chống dịch.

Trong đó, Bộ Y tế đã điều động hơn 11.000 cán bộ y tế tham gia chống dịch tại TPHCM và các địa phương khu vực phía Nam, gồm hơn 1.000 bác sĩ, hơn 2.100 điều dưỡng và hơn 6.000 giảng viên, sinh viên từ các trường y.  

Các tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung đã cử hơn 1.700 nhân viên y tế, với hơn 400 bác sĩ và hơn 1.200 cán bộ y tế, tình nguyện viên.

Số còn lại là các nhân viên trợ giúp công tác hành chính, hậu cần, truy vết…, hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm và vận chuyển mẫu xét nghiệm. 

Dòng sự kiện: Dịch Covid-19 đợt 4