2 trẻ mắc bạch hầu tử vong, Bộ Y tế gửi công điện đến 6 tỉnh

(Dân trí) - Bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, thêm một trẻ tử vong, riêng khu vực Tây nguyên đã ghi nhận 20 ca bệnh. Bộ Y tế yêu cầu cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Bộ Y tế đã gửi công điện về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu và tiếp nhận điều trị bệnh nhân bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông. Công điện được gửi đến Sở Y tế các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước.

Theo đó, từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn khu vực Tây nguyên đã ghi nhận 20 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 12 trường hợp và tại tỉnh Kon Tum 8 trường hợp. Trong số này đã có 2 trẻ tử vong. 

2 trẻ mắc bạch hầu tử vong, Bộ Y tế gửi công điện đến 6 tỉnh - 1
Cơ quan chức năng tiến hành cách ly hơn 1.200 hộ dân tại Đắk Nông để phòng bệnh bạch hầu

Vì thế, để hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đăk Nông thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường khám, phát hiện sớm các trường hợp bệnh bạch hầu, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, điều trị bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu để chuẩn bị tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng.

Trong trường hợp cần hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, phương tiện, vật tư, thuốc điều trị bệnh bạch hầu, Sở Y tế có văn bản báo cáo kịp thời về Bộ Y tế.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức tiếp nhận, điều trị người bệnh bạch hầu do Đắc Nông chuyển đến theo đúng quy định về thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm B, như tiếp nhận và xử lý điều trị cấp cứu.

Ngoài ra, Sở Y tế các tỉnh thường xuyên báo cáo tình hình thu dung và điều trị người bệnh bạch hầu về Bộ Y tế.

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. 

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Biến chứng bệnh bạch hầu dễ gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt khẩu làm thay đổi giọng nói, sặc và khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn. Nặng thì hôn mê, sau đó tử vong.

Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn. 

Lịch tiêm chủng vắc xin SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:

Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi

Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng

Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng 

Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

Nam Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm