1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

15 bệnh nhân Covid-19 có tiên lượng xấu

Nam Phương

(Dân trí) - Trong số 402 ca mắc Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện, có 15 bệnh nhân rất nặng, nhiều bệnh lý nền (chạy thận nhân tạo, ung thư di căn và tim mạch).

Chiều 12/8, Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Hội đồng chuyên môn đã họp hội chẩn trực tuyến các ca Covid-19 nặng. 

Các bệnh nhân đang được điều trị tại 24 bệnh viện, trong đó có 15 bệnh nhân rất nặng với 3-4 bệnh nền đi kèm như tim mạch, tiểu đường, suy tủy, thận nhân tạo… phải thở máy, ECMO, lọc máu, tiên lượng tử vong cao. Các bệnh nhân nặng tập trung tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 (5 ca), Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (4 ca), Trung tâm y tế Hòa Vang (5 ca), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (một trường hợp)...

Các chuyên gia đầu ngành về hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm... đã cùng nhau bàn bạc đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân. 

15 bệnh nhân Covid-19 có tiên lượng xấu - 1

Đối với Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, các chuyên gia đề nghị bệnh viện phải làm sao thông thoảng bệnh phòng và phòng làm việc của nhân viên y tế. Bệnh viện cũng cần tập trung vào kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, đảm bảo không khí được lưu thông. 

Theo các chuyên gia dự báo trên thế giới có khoảng 10% nhân viên y tế mắc do đó đội ngũ  nhân viên y tế cũng phải phòng ngừa hạn chế lây nhiễm chéo.

Đến nay, trong đợt dịch Covid-19 này, Việt Nam đã ghi nhận khoảng 20 nhân viên y tế mắc bệnh. Vì thế, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng nói chung và các bệnh viện trên cả nước cần đặc biệt quan tâm đến kiểm soát lây nhiễm, lau, khử khuẩn các bề mặt bệnh phòng, cầu thang, giường bệnh….  

Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cũng cần nhanh chóng có kế hoạch và chiến lược để từng bước đảm bảo các điều kiện đón bệnh nhân khi được phép.

Tại buổi hội chẩn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh các cơ sở y tế cần tiếp tục phát huy chiến lược 4 tại chỗ; việc tiếp nhận cán bộ y tế từ các bệnh viện khác đến hỗ trợ phải đảm bảo chất lượng và có sự điều phối. 

Cục trưởng Khuê cũng đề nghị các bệnh viện cử cán bộ đến các bệnh viện có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân Covid-19 như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cơ sở 2 để học tập kinh nghiệm điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn để dự phòng cho dịch bệnh lâu dài. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng cần tiếp tục rút kinh nghiệm điều trị, vận chuyển bệnh nhân; tiên lượng diễn biến bệnh; xem xét chiến lược điều trị, xây dựng tiêu chí để tập trung điều trị ở các bệnh viện chuyên khoa phổi...

Chiều 12/8, Bộ Y tế công bố 14 ca mắc mới Covid-19, trong đó Đà Nẵng 13 ca, một ca Hà Nội. Ca Covid-19 tại Hà Nội không rõ nguồn lây, không liên quan đến Đà Nẵng, từng đến 2 bệnh viện lớn ở thủ đô là Trung ương quân đội 108 và Thanh Nhàn.

Như vậy, đến nay Việt Nam ghi nhận 880 ca mắc Covid-19, trong đó 321 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 419 ca.

Việt Nam cũng đã ghi nhận 17 trường hợp tử vong, đều là các bệnh nhân có nhiều bệnh mãn tính, tuổi cao đặc biệt là có thời gian nằm điều trị ở các khoa Hồi sức cấp cứu, lọc máu lâu ngày. Các bệnh nhân này đã suy các cơ quan quan nội tạng trong quá trình điều trị. Vì thế mắc thêm bệnh Covid-19 giống như "giọt nước làm tràn ly".