Chuyện chưa kể ở tâm dịch Đà Nẵng: “Mỗi ngày con xé một tờ lịch chờ mẹ về”
(Dân trí) - “Khi nào mẹ về, con sẽ ghi trên lịch là mẹ cách ly 14 ngày. Mỗi ngày con gạch đi, để đến ngày số 0 là con được ở cùng với mẹ"... Nghe câu nói của con, điều dưỡng Trần Thị Nga không cầm được nước mắt.
Công việc thầm lặng của những “tấm khiên trắng” ngăn Covid-19
Từ nhiều ngày nay, công việc của cử nhân điều dưỡng Trần Thị Nga, khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đều đặn lặp đi lặp lại. Lúc chị ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, khi lại trong phòng bệnh nhân ở Trung tâm Y tế Hòa Vang.
Chị là một trong số những nữ điều dưỡng giỏi của các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp Hải Phòng được cử đến Đà Nẵng để thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, làm sạch các bệnh viện, giữ an toàn cho bệnh nhân cũng như đội ngũ y bác sĩ đang trực tiếp cứu chữa người bệnh, đồng thời đào tạo các nhân viên tại chỗ.
Những bữa cơm ở tầng 4 khách sạn T.26- nơi chị được sắp xếp về nghỉ sau khi tan làm, thường diễn ra rất muộn.
Công việc đào tạo của chị tại các bệnh viện ở Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn vì tình trạng các nhân viên vệ sinh ký hợp đồng thời vụ bỏ việc diễn ra nhiều.
“Chúng tôi mất thời gian, công sức để đào tạo cho nhân viên vệ sinh cả buổi, nhưng họ chỉ làm được một vài buổi lại bỏ bởi họ thấy công việc áp lực, vất vả”, điều dưỡng Nga nêu lên thực trạng.
Công việc bận rộn nhiều khi cũng khiến chị quên đi nỗi nhớ gia đình, nhớ con. Chị bảo mình thật may mắn vì có hậu phương vững chắc, gia đình, chồng và con đều đồng cảm và chia sẻ với công việc mình đang làm. Chị có một bé gái năm nay chuẩn bị vào lớp 1 nhưng mọi công việc đăng ký hồ sơ, làm thủ tục cần thiết đều phải nhờ một tay chồng chị lo liệu hoặc bố mẹ chồng hỗ trợ.
“Còn nhỏ tuổi nhưng bé hiểu chuyện lắm, biết mẹ đang đi chống dịch nhưng cũng có lẽ vì đây không phải lần đầu tiên tôi xa con. Mỗi ngày, tôi gọi điện về nói chuyện với con được 1-2 lần, lần nào bé cũng hỏi ‘Khi nào mẹ về?’, còn tôi thì không dám hứa trước điều gì, chỉ bảo ‘Khi nào hết dịch, mẹ sẽ về’”, chị Nga nói.
Chị kể con gái còn dặn mẹ “Khi nào bắt đầu về thì mẹ báo với con để con còn ghi trên lịch là mẹ sẽ cách ly 14 ngày. Mỗi ngày con gạch đi để đến ngày số 0 là con có thể ở cùng với mẹ…”
Những lúc đấy chị chỉ biết gạt đi nước mắt, giấu chặt nỗi nhớ con vào trong lòng.
“Chúng tôi xác định ở lại 1- 3 tháng”
Những cán bộ y tế phải rời xa gia đình đến Đà Nẵng mỗi người mỗi hoàn cảnh, ai cũng có những góc khuất thầm kín trong câu chuyện về gia đình, chồng con. Nhưng khi ra “chiến trận”, bên cạnh những bệnh nhân Covid-19, họ lao vào công việc quên đi tất cả với đích đến chờ ngày hết dịch.
“Chúng tôi vào đây với tâm thế xung phong tình nguyện, vào với đồng nghiệp để làm việc và làm việc. Việc gia đình ai cũng có những nỗi bận tâm riêng. Lần này tôi lên đường cũng là lúc chồng mắc ung thư mới phẫu thuật xong. Rất may chồng hiểu công việc và động viên lại, thành ra mỗi tối 2 vợ chồng cứ cố gắng động viên nhau”, điều dưỡng Trần Thị Hồng Hà, điều dưỡng Trưởng, khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu nghị Việt- Tiệp Hải Phòng chia sẻ sau một ngày làm việc tại Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn.
Chị Hà cho biết, đoàn các thầy thuốc tại Hải Phòng nhận lệnh chiều 4/8, dự kiến đến ngày 8/8 mới vào Đà Nẵng, nhưng tình thế khẩn cấp, sáng 5/8 cả đoàn đã tập hợp và nhanh chóng nhận quyết định lên đường luôn.
Tờ Quyết định đó không ghi ngày về. Chị Hà cũng như tất cả những cán bộ y tế khác đều tâm niệm đã vào đến tâm dịch thì sẽ làm việc hết mình, đúng chuyên môn, nghiệp vụ, học hỏi nhau để làm việc hiệu quả nhất.
“Chúng tôi cứ xác định ở lại 1- 3 tháng để tình hình dịch ổn định mới quay về”, điều dưỡng Hà nói.
Dịch bệnh tại các tỉnh miền Trung còn diễn biến vô cùng phức tạp, cả nước đang gồng mình chống dịch. Đội ngũ thầy thuốc tại các tỉnh miền Trung nói riêng và đội ngũ thầy thuốc do Bộ Y tế, các tỉnh thành chi viện đến đang ngày đêm nỗ lực hết mình để đẩy lùi. Hơn bao giờ hết, cộng đồng cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, để những giọt mồ hôi, những đêm không ngủ của người chiến sĩ áo trắng không hoài công.