1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

12 quận huyện của Hà Nội ở mức “báo động đỏ” sốt xuất huyết

(Dân trí) - Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết hiện 12 quận huyện của Hà Nội đang ở ngưỡng “báo động đỏ” của sốt xuất huyết (SXH). 90% bệnh nhân của Hà Nội tập trung tại 12 quận huyện này. Tuần qua Hà Nội vẫn ghi nhận hơn 3.400 ca mắc SXH mới.

Bệnh nhân chững lại ở mức cao

Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch diễn ra chiều muộn 17/8, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 90.626 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 76.846 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (54.003/17) số mắc tăng 67,8%, số tử vong tăng 07 trường hợp.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội báo cáo về tình hình SXH của thành phố trong tuần.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội báo cáo về tình hình SXH của thành phố trong tuần.

Hà Nội có số mắc tuyệt đối đứng 2 cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh). Trong tuần Hà Nội ghi nhận 3.440 trường hợp mắc sốt xuất huyết, so với tuần trước số mắc giảm 7 trường hợp, có xu hướng chững lại. Tỷ lệ mắc/100.000 dân là 196,6.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định: “Dù con số giảm còn ít, nhưng điều này cho thấy các can thiệp quyết liệt đang mang lại hiệu quả. Đó là chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi (kết hợp cả vòi rồng phun ban đêm, phun mù nóng ở công trường xây dựng, phun đeo vai trong gia đình), mật độ muỗi đã giảm, mật độ loăng quăng cũng đã giảm. Hà Nội quyết tâm hạ hỏa tình hình SXH”.

Hà Nội cũng đã tiến hành phân vùng dịch tễ, căn cứ vào số mắc, mật độ muỗi, bọ gậy, công trường xây dựng, mật độ dân cư cho thấy hiện 12 quận báo động đỏ, với 90% bệnh nhân tập trung tại đây. 5 quận ở mức da cam, 13 quận huyện còn lại số mắc thấp hơn.

12 quận có mức báo động đỏ là Đống Đa (2.922), Hoàng Mai (2.920), Hai Bà Trưng (1.564), Thanh Xuân (1.409); Cầu Giấy (1.063); Hà Đông (1.063); Thanh Trì (907); Ba Đình (875); Nam Từ Liêm (650); Thanh Oai (566); Thường Tín (435); Hoàn Kiếm (423). Hàng năm số mắc ghi nhận rải rác từ đầu năm và thường bắt đầu gia tăng từ tháng 7, tháng 8, sau đó tăng mạnh trong tháng 9 và tháng 10, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 11. Tuy nhiên năm 2017, dịch đến sớm từ đầu tháng 5 và gia tăng nhanh trong các tháng 6 và tháng 7.

Mật độ muỗi đã giảm

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Sốt rét – Kí sinh trùng Trung ương, khi kiểm tra tại các điểm phun diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy cho thấy sau can thiệp, mật độ muỗi bằng O. Nhiều ổ loăng quăng, bọ gậy được phát hiện, tiêu diệt và tiếp tục được rà soát để phát hiện các ổ loăng quăng mới.

Theo đánh giá nhanh tại 15 hộ sau khi phun muỗi không có. Sau diệt bọ gậy tại 15 nhà, thì 3 nhà khi quay lại còn bọ gậy.

“Vì vậy Hà Nội sẽ tiếp tục phun hóa chất, bọ gậy. Nhưng hoạt động hội xung kích cần củng cố thêm, không phải 100% làm tốt và sẽ thường xuyên rà soát”, ông Hạnh nói.

Cảnh giác bọ gậy với phong trào rau sạch trên các sân thượng

Ông Hạnh cho biết, hiện nay nguy cơ các ổ bọ gậy còn được phát hiện ở các hộ gia đình, trên khu vực sân thượng do có phong trào trồng rau, các thùng chứa nước, máng nước trên mái nhà. Điều tra bọ gậy ở Hà Đông, Thanh Trì cho thấy ở tầng 7 cũng phát hiện loăng quăng bọ gậy, điều tra ở Hà Đông, Thanh Trì.

Theo ông Hạnh, các đội xung kích diệt bọ gậy sẽ tiếp tục chiến dịch trong hai tuần tới và sẽ thường xuyên rà soát lại các điểm đã kiểm tra. Riêng tại các ổ dịch sẽ thường xuyên làm.

Tuy nhiên, ông Hạnh cũng chia sẻ thực tế nhiều người vẫn không hợp tác, không cho cán bộ phun hóa chất diệt muỗi trong nhà. Thực tế, chỉ 90% các hộ trong chiến dịch được phun, còn 10% là “hộ dân đi vắng, trong nhà có con nhỏ” không muốn phun.

Đại diện Viện vệ sinh dịch tễ chia sẻ thêm, có những ổ nước không nhìn thấy được tình cờ được phát hiện lại là ổ bọ gậy khiến các chuyên gia cũng bất ngờ, khi mà muỗi ngày càng “khôn ngoan” tìm nơi đẻ trứng rất bí hiểm. Như tại hộp thoát nước của tủ lạnh, điều hòa…

GS.TS Nguyễn Thanh Long chỉ đạo, ngoài tìm ổ bọ gậy ở các khu dân cư phải tìm ở các ổ chứa nước tự nhiên. Như tại khu vực nghĩa trang, 96% có ổ bọ gậy chứa nước, phải tìm các ổ bọ gậy.

Hay như trong trường học, qua khảo sát một trường học ở Bạch Mai, có những thùng phi 200 lít chứa nước ở khu vệ sinh bọ gậy rất nhiều. Vì vậy, kiến nghị Hà Nội tăng cường thêm, chú trọng thêm tại trường học.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thời gian tới sẽ phun hóa chất ở các khu kí túc xá, trường học. Riêng về bệnh nhân nhập viện, số lượng bệnh nặng tập trung ở BV Bệnh Nhiệt đới, Bạch Mai còn các viện khác ở Hà Nội phần lớn bệnh nhân nhẹ, không cần theo dõi đặc biệt.

Bộ trưởng chỉ đạo Hà Nội bằng mọi cách phải hạ hỏa dịch SXH.
Bộ trưởng chỉ đạo Hà Nội bằng mọi cách phải hạ hỏa dịch SXH.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo Hà Nội phải tiếp tục làm bền vững chiến dịch phun hóa chất và diệt loăng quăng, bọ gậy để hạ nhiệt sốt xuất huyết.

Sau mỗi đợt phun hóa chất, diệt bọ gậy cần đánh giá tác dụng,xem mật độ muỗi đã giảm như thế nào. Với những nơi đủ điều kiện phun mù nóng cần ưu tiên bởi phun mù nóng dù muỗi đậu dưới lá vẫn sẽ bị chết. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ để người dân nhận thức được SXH có thể phòng ngừa bằng tiêu diệt muỗi, ngăn muỗi đốt, ngăn môi trường cho muỗi đẻ trứng. Tuyên truyền người dân không cứ ốm sốt là cậy nhờ người quen để nằm viện.

“Con số mắc đã chững lại, nhưng Hà Nội cần tiếp tục duy trì các chiến dịch, làm sao để sang tháng 9, tháng 10 các ca mắc giảm xuống đến tháng 11 thì hết hẳn bệnh nhân SXH”,

Bộ trưởng cũng chỉ đạo các bệnh viện phải thực hiện triệt để việc phân tuyến, bệnh nhân nhẹ nên theo dõi tại nhà tránh tình trạng quá tải không cần thiết, gây ảnh hưởng chung đến điều trị, đe dọa tử vong bệnh nhân nặng.

Bài và ảnh: Hồng Hải