Hơn 15 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, Hà Nội huy động bộ đội phun hóa chất diệt muỗi ngày đêm

(Dân trí) - Từ ngày 14/8 đến hết tháng, Hà Nội tổ chức chiến dịch diệt muỗi quy mô lớn. Các máy áp lực “vòi rồng” với sức vươn cao, xa được phun vào ban đêm. Ban ngày sẽ tiến hành phun tại các hộ dân bằng máy phun áp lực nhỏ, máy đeo vai vào từng ngóc ngách trên địa bàn, với sự tham gia của quân đội vào chiến dịch này.

Tổng lực diệt muỗi truyền sốt xuất huyết

Rạng sáng ngày 14/8, hơn 40 máy phun đeo vai, một máy phun mù nóng, một máy phun công suất lớn đặt trên ô tô đã tỏa ra các đường, ngõ, hộ dân, cơ quan, trường học... để phun thuốc diệt muỗi. Trong ngày, khoảng 4.100 hộ dân được phun hóa chất diệt muỗi. Một máy phun mù nóng cũng được huy động xịt thuốc tại các bãi đất, khu vực nghĩa trang… Lực lượng dân phòng, bộ đội được huy động cho đợt phun hóa chất này.


Trước đó, từ khi dịch SXH bùng phát 2 ô tô chở máy phun công suất lớn vòi rồng đã hoạt động liên tục trong đêm. Ảnh: Toàn Vũ.

Trước đó, từ khi dịch SXH bùng phát 2 ô tô chở máy phun công suất lớn "vòi rồng" đã hoạt động liên tục trong đêm. Ảnh: Toàn Vũ.

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, trước đó Hà Nội chỉ có 2 máy phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành công suất lớn, hoạt động hết công suất mỗi đêm để đi phun dọc các phố, khu dân cư có nhiều ổ dịch SXH.

Nay nguồn máy này của Hà Nội được bổ sung, do 19 tỉnh, thành phố lân cận cho mượn. Với số máy này, từ ngày 14/8 đến hết tháng 8/2017, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ tổ chức phun hóa chất trên diện rộng tại địa bàn các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, một số phường thuộc hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm.

Nay ngoài hệ thống y tế, Hà Nội huy động cả lực lượng quân đội tham gia chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi. Ảnh: Dương Ngọc.
Nay ngoài hệ thống y tế, Hà Nội huy động cả lực lượng quân đội tham gia chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi. Ảnh: Dương Ngọc.
Hà Nội đề nghị các gia đình sắp xếp, cộng tác với chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi. Ảnh: Dương Ngọc.
Hà Nội đề nghị các gia đình sắp xếp, cộng tác với chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi. Ảnh: Dương Ngọc.

Trước đó, ngày 13/8, ngành y tế Hà Nội đã tổ chức phun thuốc diệt muỗi tại hơn 1.000 hộ dân phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Tiếp đến rạng sáng 14/8, các máy diệt muỗi tiếp tục được huy động, có sự hỗ trợ của quân đội tham gia diệt muỗi trên diện rộng.

Chiến dịch này được thực hiện sau chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại cuộc họp khẩn ứng phó với tình trạng SXH gia tăng căng thẳng. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Hà Nội phải triển khai chiến dịch phun muỗi trên diện rộng ở trường học, bệnh viện, trạm y tế xã, phòng khám khu vực, và trường học, nhà trọ, lán công trình xây dựng…

Bộ Y tế cũng đã cấp thêm cho Hà Nội 30 máy phun đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200.

TS Cảm cho biết, thống kê đến chiều 14/8, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội đã lên tới gần 15.400 ca mắc, 7 trường hợp tử vong. Con số này sấp sỉ số mắc SXH của các năm đỉnh dịch trước đó (cả năm 2009 là 16.000 ca mắc và 4 tử vong; năm 2015 Hà Nội có 15.5000 ca mắc). Trong khi đó, đỉnh dịch thực sự của SXH hàng năm rơi từ vào tháng 9, nên con số bệnh nhân SXH vẫn sẽ tiếp tục tăng lên.

Trong thời gian này, Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực để phun hóa chất diệt muỗi phòng chống bệnh sốt xuất huyết theo hình thức cuốn chiếu. Toàn bộ lực lượng sẽ tăng cường phun thuốc diệt muỗi ở hai quận Đống Đa, Hoàng Mai, sau đó sang các quận khác như Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông và một số đơn vị khác.

Không thể dập nếu tồn tại ổ loăng quăng trong các hộ dân

Tuy ra quân diệt muỗi rầm rộ, nhưng các chuyên gia cũng thừa nhận, việc phun thuốc diệt muỗi sẽ không thể dập dịch hoàn toàn nếu vẫn tồn tại ổ lăng quăng trong các hộ dân. Chỉ còn một ổ loăng quăng trong gia đình, muỗi lại có nguy cơ bùng phát.

Bởi một con muỗi cái có thể đẻ đến 200 trứng, đẻ ra 200 loăng quăng, bọ gậy rồi phát triển thành muỗi. Nên nếu chỉ diệt muỗi trưởng thành này mà không diệt ở loăng quăng thì như diệt muỗi như “muối bỏ bể”.

Chiến dịch diệt muỗi sẽ đổ bể nếu tiếp tục tồn tại các ổ để muỗi truyền SXH đẻ trứng như thế này ngay trong hộ dân, trường học. Ảnh: T.A
Chiến dịch diệt muỗi sẽ đổ bể nếu tiếp tục tồn tại các ổ để muỗi truyền SXH đẻ trứng như thế này ngay trong hộ dân, trường học. Ảnh: T.A

“Có những nơi khu dân cư Hà Nội làm rất tốt. Như tại khu tôi ở Đê La Thành, tổ trưởng dân phố gõ cửa từng nhà kiểm tra khu vực trồng cây xem có chứa nước đọng không. Còn có những nơi, ngay cả trường học vẫn còn tiềm ẩn quá nhiều ổ bọ gậy do vẫn sử dụng lốp xe làm vật trang trí”, một người dân chứng kiến cảnh phun thuốc diệt muỗi cho biết.

“Tôi đi gội đầu ở cửa hàng ngõ chợ Ngọc Hà, trong cửa hàng muỗi chi chít, mấy bình vạn liên thanh nhìn thấy bọ gậy nhung nhúc, có khuyên chủ cửa hàng bỏ đi thì họ lại thờ ơ “sống chết có số”. Sau gội đầu về cứ nơm nớp nhỡ bị con muỗi vằn chích”, chị Hải ở Giảng Võ chia sẻ.

“Vỡ trận” sốt xuất huyết, Hà Nội kiên quyết không công bố dịch

Trong khi Hà Nam đã công bố dịch SXH trước sự gia tăng bất thường của dịch bệnh này, thì Hà Nội vẫn “bám trụ” không công bố dịch, dù số ca mắc SXH gia tăng đột biến; có sự xuất hiện bất thường của các chủng vi rút D3, D4 (các năm, Hà Nội chỉ ghi nhận bệnh nhân SXH tuýp D1, D2 thì năm nay tuýp vi rút D3, D4); các bệnh viện quá tải trầm trọng, bệnh nhân SXH nằm tràn hành lang.

Giải thích lý do hiện tại Hà Nội chưa công bố dịch, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết mục đích của việc công bố dịch là công khai tình hình để người dân được biết và nhằm huy động nguồn lực làm tốt công tác phòng chống dịch.

Đến nay Hà Nội đã công khai là thành phố đang có dịch sốt xuất huyết, thông báo số lượng mắc, số ca tử vong trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hà Nội thường xuyên và thành phố cũng đã huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng chống sốt xuất huyết. Kinh phí thành phố cấp cho công tác phòng chống dịch đã gần 20 tỷ đồng.

Ông Hạnh cũng nói rõ: Chúng tôi theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch, cân nhắc tình hình kinh tế xã hội để đề xuất công bố dịch ở thời điểm thích hợp.

Tú Anh