100.000 khẩu trang y tế hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19

(Dân trí) - Ngày 21/4, Bộ Y tế tiếp nhận 100.000 khẩu trang y tế, 1.000 bộ đồ bảo hộ chống dịch Covid-19 do một doanh nghiệp ủng hộ.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đội ngũ y, bác sĩ là những người tiếp xúc trực tiếp, tham gia vào công tác chẩn đoán và chữa trị cho bệnh nhân nhiễm/nghi nhiễm bệnh. Hơn ai hết, họ chính là những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao từ bệnh nhân.

Do vậy, để góp một phần nhỏ động viên cho các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, công ty mong muốn số quà tặng trên sẽ tới tay những nhân viên y tế đang ngày đêm vất vả, cống hiến vì người bệnh.

Theo đó, công ty tặng Bộ Y tế 100.000 khẩu trang y tế, 1.000 đồ bảo hộ chống dịch, 1.500 khay chanh sả mật ong để gửi tới các nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch.

100.000 khẩu trang y tế hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 - 1
Một doanh nghiệp ủng hộ Bộ Y tế 100.000 khẩu trang y tế, 1.000 bộ đồ bảo hộ chống dịch.

Ông Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết, số khẩu trang, đồ bảo hộ trên sẽ được điều phối tặng đội ngũ y bác sĩ đang trực tiếp điều trị các ca nhiễm Covid-19.

Thay mặt đội ngũ y bác sĩ, ông Đức gửi lời cảm ơn các đơn vị doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí đã luôn đồng hành, ủng hộ tinh thần và vật chất cho các “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch.

Ông nhấn mạnh sự hỗ trợ lớn nhất của toàn thể người dân đối với đội ngũ y bác sĩ hiện nay là hãy hạn chế đi ra ngoài khi không cần thiết, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng chống dịch Covid-19.

Đến chiều 21/4, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam vẫn là 268. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc bệnh tại nước ta hiện là 3 ca trên 100.000 dân. Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ ca mắc Covid-19 trên tổng dân số thấp thứ 2 của khu vực Tây Thái Bình Dương.

WHO đánh giá Việt Nam đã đề ra được kế hoạch phù hợp và thực hiện nó đúng với những gì đã dự đoán trước, trong mỗi giai đoạn.

Theo tổ chức này, việc nới lỏng, dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội cần dựa trên các yếu tố như dữ liệu thực tế về dịch Covid-19, khả năng nhận thức của người dân về dịch bệnh và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, cũng như khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế.

Hà An