WHO: Việt Nam phải luôn sẵn sàng làn sóng thứ 2 của Covid-19 có thể ập đến

(Dân trí) - "Cuộc sống khi áp dụng biện pháp giãn cách xã hội là rất khó khăn nhưng tính đến nay, người dân Việt Nam vẫn cố gắng hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình trong cuộc chiến chống dịch”, đại diện WHO nói.

9h30 sáng nay (theo giờ Hà Nội), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức buổi cung cấp thông tin báo chí về Covid-19 khu vực Tây Thái Bình Dương. Chủ trì hội nghị là TS Takeshi Kasai - Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO cùng các chuyên gia của WHO.

WHO: Việt Nam phải luôn sẵn sàng làn sóng thứ 2 của Covid-19 có thể ập đến - 1

TS Takeshi Kasai - Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO.

Trong buổi cung cấp thông tin báo chí, TS Takeshi Kasai đã tóm tắt về tình hình dịch Covid-19 tại khu vực Tây Thái Bình Dương, theo đó, tính đến 20/4, ở 22 quốc gia thuộc khu vực này đã ghi nhận 132.438 ca mắc Covid-19, 5.648 trường hợp tử vong, như vậy tỉ lệ tử vong/ca bệnh là 4,26%.

Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO bày tỏ sự quan ngại về tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại một số điểm nóng trong Khu vực như: Nhật Bản, Singapore. Đồng thời đánh giá cao nỗ lực chống dịch của một số nước, trong đó có Việt Nam.

Theo thống kê của WHO, Việt Nam hiện đang là quốc gia có tỉ lệ ca mắc Covid-19/tổng dân số thấp thứ 2 của khu vực Tây Thái Bình Dương, với tỉ lệ: 3 ca bệnh/1000.000 dân, cùng nằm ở vị trí này còn có Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

WHO: Việt Nam phải luôn sẵn sàng làn sóng thứ 2 của Covid-19 có thể ập đến - 2

Phương án ứng phó với dịch Covid-19 của Việt Nam được điều chỉnh, hoàn thiện dần theo thời gian dựa trên có thông tin thu thập được từ thực tế.

Đánh giá về số lượng ca mắc  Covid-19 ở mức thấp của Việt Nam, ông Takeshi Kasai nói: “Việt Nam đã cho thế giới thấy sự lãnh đạo hiệu quả và quyết liệt, xuyên suốt nhiều cấp chính quyền, từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cho đến các địa phương. Biện pháp chống dịch của Việt Nam được thực hiện mạnh mẽ và linh động. Theo như chúng tôi quan sát, Việt Nam có kế hoạch đáp ứng bài bản, được xây dựng phù hợp cho từng mức độ nghiêm trọng của dịch. Bên cạnh đó, phương án ứng phó với dịch Covid-19 còn được điều chỉnh, hoàn thiện dần theo thời gian dựa trên có thông tin thu thập được từ thực tế”.

WHO: Việt Nam phải luôn sẵn sàng làn sóng thứ 2 của Covid-19 có thể ập đến - 3

Việt Nam đã làm tốt trong việc phối hợp nhiều phương án chống dịch khác nhau.

Ông Takeshi Kasai phân tích, Việt Nam đã làm tốt trong việc phối hợp nhiều phương án chống dịch khác nhau, từ xét nghiệm virus SARS-CoV-2; truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh; cho đến thực hiện cách ly tập trung quy mô lớn.

Bên cạnh sự lãnh đạo của chính quyền, ông Takeshi Kasai cũng nhấn mạnh rằng, sự thành công của Việt Nam trong chống dịch Covid-19 còn đến từ phía người dân: “Tôi nhận thấy rằng, người dân Việt Nam có một đóng góp lớn vào kết quả này. Cuộc sống sau khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại là rất khó khăn nhưng tính đến nay, người dân Việt Nam vẫn cố gắng hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình trong cuộc chiến chống dịch”.

WHO: Việt Nam phải luôn sẵn sàng làn sóng thứ 2 của Covid-19 có thể ập đến - 4

Bên cạnh sự lãnh đạo của chính quyền, sự thành công của Việt Nam trong chống dịch Covid-19 còn đến từ phía người dân.

 “Điều này chứng tỏ Việt Nam rất nghiêm túc và quyết liệt trong công tác chống dịch. Đây cũng là lý do vì sao Việt Nam vẫn đang tiếp tục có thể khống chế số ca nhiễm Covid-19 ở mức thấp” – Chuyên gia này kết luận.

Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO cũng đưa ra các khuyến cáo về việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội ở Việt Nam: “Chúng ta cần nhận thức rằng, cuộc chiến với Covid-19 là một cuộc chiến trường kì. Do đó, bất kì quốc gia nào cũng cần phải tính đến các biện pháp để có thể chung sống an toàn với dịch bệnh. Tôi cho rằng, Việt Nam nên thận trọng trong việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Theo đó, việc nới lỏng này sẽ cần phải thực hiện từng bước một và luôn phải sẵn sàng cho làn sóng thứ 2 của Covid-19 có thể ập đến bất kì lúc nào”.

Theo phân tích của ông Takeshi Kasai việc nới lỏng/dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội cần dựa trên các yếu tố:

- Các dữ liệu thực tế về dịch Covid-19

- Khả năng nhận thức của người dân về dịch bệnh

- Khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, cũng như khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế

Minh Nhật