1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Mất ngủ ở Trà Bui…

Lòng hồ thuỷ điện Sông Tranh 2, ngoài chuyện chua xót vùi mất biết bao làng mạc và đẩy hàng nghìn phận người tái định cư vào cảnh khóc dở mếu dở, thì đôi khi nó cũng lóng lánh như gương thần ngự giữa các cánh rừng xanh mướt mát.

Từ huyện lỵ miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam), phải vắt vẻo đèo dốc 50km, mất gần 3 tiếng, chúng tôi mới tới được UBND xã Trà Bui. Trong sương khói, trời nước như là tiên cảnh ấy, người Trà Bui đón khách bằng cái vẻ rầu rầu, rồi đông đảo cán bộ xã họp nhau lại ở hội trường tiếp nhà báo. Họ vung tay vung chân bất bình. Người ta đã đẩy hàng nghìn người dân vào vùng lõi rừng phòng hộ để tái định cư, người ta đã xây những ngôi nhà như tổ chim bồ câu, vôi cát tạm bợ đến mức dùng ngón tay búng nhẹ cũng rơi lả tả, rồi đẩy bà con vào đó mà “an cư lạc nghiệp”… Tôi trở về, đã nhiều đêm mất ngủ bởi những cảnh bi hài đến chua xót ở Trà Bui.

 

Mất ngủ ở Trà Bui…  - 1

Hàng nghìn người dân được tái định cư vào vùng lõi và liền kề rừng phòng hộ, chuyện chưa từng có!

 

Ai đã mang cho Trà Bui “kỷ lục” chua xót?

 

Thuỷ điện Sông Tranh 2 có công suất thiết kế 190MW, kinh phí ban đầu hơn 4.000 tỉ đồng, là công trình lớn của quốc gia. Với hơn 2.000ha diện tích lòng hồ, bà con 8 xã phải ngậm ngùi di dời “vì nguồn sáng ngày mai của tổ quốc”, lẽ ra phải thực hiện tái định cư một cách quy mô bài bản, thì người ta lại làm theo kiểu “trần đời có một”. Không biết cả Việt Nam và cả thế giới này có nơi nào làm bảo tồn rừng như ở Quảng Nam?

 

Đã thành lập cả Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Sông Tranh với ban bệ, giám đốc, phó giám đốc rồi nhân viên, trạm quản lý đàng hoàng, đã giao cho ban hơn 10.000ha rừng giàu có và đa dạng sinh học bậc nhất khu vực từ lâu; thế mà đùng một cái, người ta quyết định thả tọt 321 hộ dân (cộng với hàng trăm hộ di dân tự do) vào trong vùng lõi rừng để “di dân tái định cư”. Chuyện lạ này đã khiến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, đại biểu Quốc hội, cả Thứ trưởng Bộ NNPTNT phải vào tận xã, lên tận các cánh rừng đang bị “chọc tiết” để thị sát.
 


Mất ngủ ở Trà Bui…  - 2

Trường học xây giữ rừng, không rào giậu, mưa lũ phá hỏng, trâu bò xâm hại, bà con chỉ còn biết dùng tre nứa rào xung quanh để bảo vệ. (Ảnh: Minh Thu)

 

Ông Đoàn Tất Chẩn là người phụ trách BQL rừng phòng hộ Sông Tranh, gặp nhóm nhà báo chúng tôi, ông cay đắng: “Sự thật thì cần phải được nói ra. Chúng tôi là chủ rừng, không giữ được rừng thì chúng tôi xin nghỉ, buộc thôi việc hoặc phải ra toà, thì cũng phải chịu. Trước đây, hơn chục nghìn hécta rừng quý báu của chúng tôi, chỉ có 24 hộ dân ở trong đó, rất yên bình. Bây giờ người ta thả mấy trăm hộ dân vào hẳn trong lâm phận và liền kề cửa rừng của chúng tôi, làm sao giữ được rừng? Tôi mấy chục năm làm nghề rừng, quả là chưa nghe thấy chuyện tương tự thế này ở khắp Việt Nam!”.

 

Nói như ông Đinh Văn Xuân - Chủ tịch UBND xã Trà Bui - rằng: “Thả chúng tôi vào rừng, nhà ở ngay sát những cái cây cổ thụ, nếu chúng tôi không chặt thì mưa bão cây nó cũng đổ vào nhà gây chết người. Lại thêm cái đói do không có đất sản xuất, không có nước tưới, nên chặt phá rừng là đương nhiên. Không chỉ người dân ở 4 khu dân cư nằm trong lõi rừng phòng hộ, mà cả xã Trà Bui hơn 5.500 dân, nhiều người đồng loạt đi phá rừng. Lý do được đưa ra, vừa có lý mà lại vừa vô lối: Vì cuộc sống quá khó khăn, nên chúng tôi đồng loạt phải đi phá rừng. Trước đây, khi chưa có thuỷ điện, làng mạc của chúng tôi chưa chìm xuống lòng hồ, thì chúng tôi có bao giờ đi phá rừng đâu?”.

 

Ông Xuân nhỏ nhẻ: “Tôi là chủ tịch, nên buộc phải gương mẫu, không đi phá rừng làm rẫy được, chứ ở đây cả làng ai cũng đi phá rừng hết”. Gần 10 người là bí thư, chủ tịch, trưởng các ban ngành của xã tề tựu đông đủ trong hội trường uỷ ban để đón khách. Họ bảo: “Đừng nghĩ là chúng tôi thích phá rừng, chúng tôi có phá rừng để lấy gỗ đâu. Chỉ cần đẵn gỗ xuống, để làm rẫy kiếm cái ăn thôi. Xưa, ở dưới làng cũ (nay đã ngập làm lòng hồ thuỷ điện) có vườn, có rẫy, có nhà sàn rộng rãi. Bây giờ lên đây, mỗi nhà được 400m2 đất làm nhà ở, 600m2 đất làm vườn, làm rẫy thì lấy gì mà ăn. Tiền hỗ trợ của Nhà nước thì đã mua xe máy, đầu đĩa, tivi, bàn ghế gỗ hết sạch từ... 2-3 năm trước rồi”.

 

Ông Chẩn bảo: “Chúng tôi là chủ rừng, hồi đó Giám đốc BQL rừng Sông Tranh đã lớn tiếng phản đối việc thả dân vào vùng lõi rừng đặc dụng, nhưng không ai nghe lời. Tự dưng mang mèo thả vào mâm... cá rán, bây giờ mất cá thì trách nhiệm thuộc về ai?”. Đi trong làng, nhà nào cũng tràn ngập gỗ, kể cả nhà lãnh đạo xã. Nhiều xưởng cưa roèn roẹt suốt ngày, mùi gỗ thơm lựng, xếp ngổn ngang. Tất cả giống như một đại công trường tự do khai thác gỗ. Giáp tết năm 2010 vừa rồi, cơ quan chức năng đem về xã Trà Bui xử lưu động đối tượng phá 26m3 gỗ rừng tên là Hồ Văn Quang - người thôn 5, Trà Bui.

 

Trước khi đi ở tù, Quang chỉ mặt cán bộ BQL: “Tao ra tù, thì tao sẽ xử hết bọn bảo tồn chúng mày. Lúc ấy tao già quá, thì con tao sẽ xử chúng mày”. Toà tuyên án xong, Quang mang theo cả vợ và đàn con xuống trụ sở Công an huyện, gãi đầu gãi tai trình bày: “Xin cho nốt cả vợ con tôi đi ở tù, chứ để chúng nó ở nhà, vợ dại con thơ biết ai nuôi nấng, chăm sóc”. Đầu năm 2011, BQL rừng phòng hộ có yêu cầu xử lý 12 hộ gia đình ở Trà Bui vi phạm lâm luật, đại diện xã đã cực lực phản đối, vì nếu làm nghiêm dân sẽ chết đói. 95,5% số hộ ở Trà Bui là hộ nghèo mà.

 

Mất ngủ ở Trà Bui…  - 3
 
Mất ngủ ở Trà Bui…  - 4
Các hộ đều đẵn cây từ rừng phòng hộ, khênh gỗ về chất quanh nhà

 

Búng ngón tay, từng mảng nhà người Trà Bui… rơi rụng!

 

Những ngày ở Trà Bui, đi trong điệp trùng những cánh rừng bị phá, tôi luôn có cảm nhận về cái việc tranh tối tranh sáng, mạnh ai nấy... kiếm ăn. Người tổ chức tái định cư sai lầm, cẩu thả, thậm chí gian dối. Bà con thì được nước làm càn. Chủ rừng bó tay, chính quyền thả lỏng cho dân “ở rừng thì cứ dựa vào rừng”. Bà con kêu trời: Họ nhận tiền đền bù với cái giá của năm 2009: Chỉ 1.500-2.000đ/m2 - tức là 1m2 đất của họ chỉ mua được một ổ bánh mì (như lời Bí thư Đảng uỷ xã nhấn mạnh). Xưa họ ở quê cũ, chỉ đi 12km đã ra đến huyện, nay đi đúng 50km đường ngoằn ngoèo như con rắn trên mây mù.

 

Lúc có người ốm đau, thuê gần 300.000đ mới có một chuyến xe ôm ra huyện chữa. Mùa mưa, như từng diễn ra, có khi bị cô lập 2 tháng giời, không làm sao cầu cứu ra đến huyện được. Đường trong các thôn thì chưa làm đã hỏng, đá hộc trồi ra, đường dốc như... đèo Hải Vân ngày trước (như lời Chủ tịch xã). Nhưng, đáng sợ hơn là nạn thiếu đất sản xuất. Đường nước sạch thì chưa làm xong đã cạn khô, hệ thống thuỷ lợi không có, bà con sống trên núi cao, đường đi lại toàn đá hộc. Đường có chỗ dốc như cái dây căng từ ngọn cây xuống bờ suối.

 

Người ta cứ thế xây những ngôi nhà gồm hai phòng bé tẹo, kết cấu rất buồn cười, bà con không làm sao thu xếp cuộc sống theo phong tục của mình được. Hậu quả là người ta bỏ nhà “tái định cư” đó, mỗi nhà đi đẵn gỗ làm một cái nhà sàn lợp lá như truyền thống ngàn đời ở bên cạnh. Họ ở cả hai ngôi nhà, hoặc đôi khi bỏ hoang ngôi nhà “Nhà nước cấp” cho trâu, bò phá phách, cỏ hoang mọc lút lối đi. Bí thư Đảng uỷ xã - ông Hồ Văn Danh - bảo, bà con có truyền thống vui tết cơm mới, phải nhảy múa trên nhà sàn thì mới được.
 
Mời độc giả xem clip chúng tôi đã dùng một ngón tay búng rụng từng mảng tường ngôi nhà tái định cư ở Trà Bui!

 

Không ai nhảy múa trên nhà ximăng lát gạch hoa. Bà con các dân tộc trong xã, nhà nào cũng phải chụm lửa đỏ quanh năm trong bếp, con cái ngủ xung quanh thì mới ấm, không ai đốt lửa rồi đồng loạt nằm trên nền gạch hoa trong mùa đông rét mướt cả. Lúc ăn cơm, ở nhà sàn, gạt một cái cơm rơi xuống khe ván, dưới sàn nhà con gà khắc ăn. Ở nền gạch hoa không được. Cách giải thích đó là của bà con, dẫu nó có lý hay không có lý. Chỉ biết rằng, hầu hết các gia đình có nhà tái định cư, họ đều đẵn rừng dựng thêm một cái nhà sàn lợp lá ở kề bên nhà gạch. Nhiều người bỏ hoang 100% nhà gạch cho trâu, bò trú ngụ. Nếu bỏ rẻ mỗi cái nhà sàn 10m3 gỗ, thì hơn 400 hộ dân đã ngốn hết ít nhất 4.000m3 gỗ rồi.

 

Điều đáng sợ hơn, chất lượng nhà tái định cư thấp thê thảm và không hề tham khảo ý kiến của bà con. Như nhà chủ tịch Xuân, bờ tường tróc lở, gõ vào là vôi cát rơi lả tả. Kiến trúc thì không ai chấp nhận. Tôi đã bị ám ảnh rất nhiều, khi anh Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui - bỏ cả ngày đưa tôi lang thang thăm những ngôi nhà tái định cư đáng xấu hổ đó. Theo tiền “khấu trừ” của người quản lý, mỗi ngôi nhà sẽ có giá từ 85 đến 110 triệu đồng, nhưng than ôi, nhà bé tẹo. Cửa rả bập bành. Phó chủ tịch Hưng rờ tay búng bằng một ngón trỏ vào tường, búng đến đâu, “vôi vữa” rơi rào rào đến đó. Rơi đầy cả một góc nhà.

 

Chủ nhà - anh chàng Đinh Văn Sỹ - cứ ngậm ngùi nhìn ngôi nhà của mình biến thành vụn đất cát, không nói năng gì. Năm 2008, Sỹ - 32 tuổi - cùng vợ và con rời thôn 1 (cũ) của xã Trà Bui, “chạy giặc nước” lên đỉnh đồi này nhận nhà mới. Nhận nhà rồi, họ cho 8,6 triệu đồng tiền ăn, Sỹ cũng gật đầu cảm ơn mà không một lời thắc mắc. Sỹ mua tủ gỗ, mua cái xe máy, cái tivi đặt trên cái tủ, thế là vẫn còn nợ người ta 4 triệu đồng nữa. Từ bấy, vào giữa rừng, chờ hoài không thấy ai cấp đất sản xuất cho mình, Sỹ lặng lẽ đi phá rừng làm rẫy.
 
Mất ngủ ở Trà Bui…  - 5

Người dân thờ ơ với nhà bê tông, gạch ngói do tổ chức tái định cư xây dựng - họ đều dựng cạnh đó một cái nhà sàn và coi đó là nơi ở chính. (Ảnh: Doãn Hoàng)

 

“Người ta bảo đi để cho điện sáng cho tổ quốc, thì mình đi thôi. Họ cho tiền 8,6 triệu đồng thì mình lấy. Họ không cấp đất sản xuất thì mình đi phá rừng. Cái nhà này sắp đổ, tường lở hết, thì cứ mưa gió là mình lại đưa vợ và con chạy xuống bếp. Mình sợ nhà nó sập thì chết cả nhà ấy mà. Bếp làm bằng gỗ rừng, chắc lắm. Đường xe máy hỏng thì đi bộ” - hình như Sỹ nói mà không hề buồn rầu gì. Tôi và Phó Chủ tịch xã Hưng cùng ngẩn ngơ nhìn nhau. Mưa núi vẫn trắng toát, não nề như trêu ngươi.
 
 

 

Theo Đỗ Doãn Hoàng

 Lao động