1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Làng tỷ phú từ nghề đồng nát

(Dân trí) - Xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu (Nghệ An) xưa vốn là vùng đồng không mông quạnh, cuộc sống của người dân lắm nghèo khổ. Vậy mà khoảng hơn 10 năm trở lại đây, bằng nghề buôn bán phế liệu, đồng nát, vùng quê này bỗng phất lên như diều gặp gió.

“Phố” trong làng

Diễn Tháp giờ như phố trong làng, san sát là những ngôi nhà cao tầng ngạo nghễ vươn lên nền trời xanh thẳm, những “xế hộp” láng coóng lướt vi vu trên đường làng càng làm cho miền quê thêm nhộn nhịp, sầm uất.

Bà Chu Thị Khuyên, Chủ tịch xã Diễn Tháp, cho hay: Diễn Tháp trước đây nghèo lắm, đồng làng “chiêm khê mùa thối” cả năm chỉ làm được một vụ lúa. Lũ về, nước ngập trắng đồng, trắng bãi. Hồi ấy người dân nơi đây còn có nghề đúc đồng nổi tiếng nhưng do thị trường nhôm, nhựa đã nhanh chóng lấn át nên nghề này bị mai một.
 
Nói đến đây mắt bà Khuyên như sáng lên: Nhưng cũng nhờ từ nghề đúc đồng mà dân Diễn Tháp mới có cơ hội làm giàu. Ngày đó người già, người trẻ quẩy đòn gánh, đạp xe đi khắp làng trên xã dưới thu gom đồng nát đủ thứ thì mới về nổi lửa. Nhiều người còn lân la sang cả nước bạn Lào để tìm mua nguyên liệu, thấy được nhu cầu tiêu thụ đồ sinh hoạt của người Lào, họ đã nghĩ ra cách “làm giàu” là vừa thu mua phế liệu, vừa đưa hàng Việt sang phục vụ người dân xứ sở Triệu Voi.

Hiện cả xã có 5.600 nhân khẩu, khoảng 1.500 lao động mưu sinh ở Lào, số còn lại ở quê cũng thành lập khoảng trên 40 đại lý thu gom phế liệu, cung cấp hàng hoá các loại sang Lào. Hành trình buôn đồng nát xuyên Việt của dân Diễn Tháp theo quy trình ai có vốn lớn thì làm ăn lớn, đầu tư hàng tỷ đồng mua xe ô tô vận tải hạng nặng chở hàng hoá. Cứ đưa xoong, nồi, mâm, đồ nhựa, đũa tre, chăn ga, gối đệm... sang Lào để đổi đồng nát, gom hàng đủ rồi lại đưa về.

Nói là “đồng nát” nhưng dân Diễn Tháp mua cả “sắt nát”, “nhựa nát”, “nhôm nát”... tất cả đều coi như “vàng ròng”, bởi khi về phân loại thì đồ sắt, đồ đồng được tập kết sang xã Diễn Hồng để đúc phôi thép, hàng nhựa thì được xay ra hạt nhựa đem bán cho các tỉnh phía Bắc rồi tái chế ra các sản phẩm lại quay ngược sang Lào.

Công việc làm ăn ở Diễn Tháp luôn theo một vòng quay nhộn nhịp. Xe ô tô vận tải ngày đêm vào ra chở hàng. Đội ngũ “cửu vạn” luôn làm việc hết công suất mà vẫn không thể kịp vận chuyển hàng. Cũng từ cách làm ăn này đã đưa Diễn Tháp từ xã nghèo khó nhất trở thành một trong những cơ sở giàu mạnh nhất huyện Diễn Châu.

Làng tỷ phú từ nghề đồng nát - 1
“Làng biệt thự” ở xã Diễn Tháp

Chuyện về những nông dân nơi đây sở hữu nhà tiền tỷ, “xế hộp” tiền tỷ giờ xem ra quá... thường! Cả xã hiện có trên 400 hộ giàu, có 180 xe ô tô trong đó có 35 xe ô tô chở hàng, trên 150 ngôi nhà cao từ 2-3 tầng (trong đó nhiều ngôi nhà biệt thự có trị giá từ 1,5-3 tỷ đồng).

Điều đặc biệt ở Diễn Tháp là người dân buôn bán “đồng nát” rất đoàn kết giúp đỡ nhau trong hoạn nạn khi làm ăn nơi xa xứ. Anh em láng giềng cho nhau vay mượn tiền của để làm vốn. Cứ từ người này “lôi” người khác đi sang Lào theo nghề “đồng nát” mà hiện nay hầu hết số người đến tuổi lao động ở Diễn Tháp đều là “Việt Kiều hoá”, con số “xuất ngoại” đông nhất tỉnh. Ngoài  Diễn Tháp, hiện nay nghề “đồng nát” còn được các xã khác học hỏi đưa lao động sang Lào như Diễn Hồng, Diễn Liên, Diễn Kỷ...

“Đồng nát” xuyên biên giới

Ở Diễn Tháp, anh Trần Lực được coi là tay thu gom phế liệu “có số má” bên Lào. Nhìn vào bãi “đồng nát” ven đường của anh mà ai cũng khiếp, có cả nguyên những chiếc máy xúc, máy lu, thậm chí cả vỏ máy bay, xe tăng, xe bọc thép đã han gỉ. Những loại hàng “đồng nát” khổng lồ và “cao cấp” được đưa từ Lào về, anh Lực không bán theo giá sắt vụn mà người từ các nơi đổ về mua theo giá linh kiện, phụ tùng để tận dụng lắp ráp máy móc, xe cơ giới.

Làng tỷ phú từ nghề đồng nát - 2
Bãi “đồng nát” khổng lồ của gia đình anh Trần Lực

Anh Giáp, Giám đốc Công ty khai thác đá Kim Long Vang, cho biết: "Tôi đã xuống bãi đồng nát của anh Lực “tuyển chọn” phụ tùng và lắp ráp được cả giàn xay đá, cắt và mài đá, máy xúc... tổng trị giá trên 4 tỷ đồng. Nếu như mua mới hệ thống máy móc trên thì phải mất trên 12 tỷ đồng. Nhờ “hàng Lào” mà đỡ được 8 tỷ đồng mà máy móc vẫn hoạt động trơn tru ngon lành".

Phương châm của anh Lực là tìm mua được “đồng nát” càng lớn, càng to, càng nặng từ Lào về là càng lãi. Cứ mua được nguyên cả “chú” máy xúc về là mổ xẻ linh kiện bán phụ tùng. Loại nào nát lắm mới bán giá sắt vụn, như thế là “một vốn bốn lời”. Nhưng làm ăn kiểu này đòi hỏi phải có vốn lớn, xe lớn, mà những thứ đó anh Lực giờ đã chủ động được hoàn toàn vì qua thời gian tích cóp giờ anh cũng trở thành “đại gia” rồi.

Đến với Diễn Tháp, vào tham quan các bãi “đồng nát” người ta còn tận dụng mua được khá nhiều thứ so với giá thị trường là rất rẻ nhưng vẫn dùng tốt chán. Nhiều nhất vẫn là máy điều hoà nhiệt độ, có cả máy Nga, máy Nhật, giá thị trường từ 5-8 triệu đồng/chiếc nhưng tại đây khoảng từ 800.000đ - 1 triệu đồng/máy. Mùa hè mất điện, người ta đổ xô mua bộ kích điện từ 4-6 triệu đồng thì tại đây chỉ mất từ 1,5-2 triệu đồng là đã được sở hữu bộ kích điện khá “xịn”, bình ắc quy đặc của xe ô tô Nhật Bản, Hàn Quốc ...

Nhìn sự giàu sang phú quý ở Diễn Tháp thì ai cũng thích, nhưng ít ai biết được rằng, nghề “đồng nát” này cũng lắm nhọc nhằn. Chúng tôi đến ngôi biệt thự của gia đình anh Võ Văn Khang, vợ chồng anh đang mải sắp xếp đồ nhôm, nhựa để đưa sang Lào. Anh Khang tâm sự: Sinh trưởng trong gia đình nghèo khó, cưới vợ ra ở riêng một thời gian là anh vay mượn tiền theo đám bạn sang Lào làm nghề “đồng nát”. Xuất phát điểm bấy giờ chỉ là dăm ba cái niêu, xoong buộc sau xe đạp lông nhông khắp đường làng ngõ vắng ở Lào. Lao động vất vả, cật lực, lưng vốn chính là sự chịu khó, vì vậy giờ anh Khang đã là tay đồng nát chính hiệu, hàng nhôm nhựa của anh chủ yếu mua ở Nam Định, rồi thuê hẳn ô tô theo đường cửa khẩu Nậm Cắn, cửa khẩu Cầu Treo đi Viêng Chăn, Pầu Keo... toả đi khắp các đại lý.

Làng tỷ phú từ nghề đồng nát - 3
Hàng nhôm, nhựa được đóng gói vận chuyển sang Lào

Tại đây người ta còn biết đến gia đình anh Nguyễn Văn Công, lăn lộn với nghề đồng nát từ tuổi trăng rằm đến nay anh đã là ông chủ với căn biệt thự tiền tỷ. Anh có đội quân hàng chục người đi thu mua phế liệu ở Lào, cứ gom đủ là anh đưa hàng Việt Nam qua, sau đó chở phế liệu về, mỗi chuyến hàng lớn trị giá cả tỷ đồng. Ngay như 3 người con của ông Trần Đức Khang còn mạnh dạn đầu tư mở một nhà máy xay nhựa “sơ chế” bên Lào rồi sau đó đưa về Việt Nam bán. Bên cạnh đó ở Diễn Tháp cũng có không ít cả phụ nữ cũng buôn bán đồng nát xuyên biên giới, giờ đã là những bà chủ giàu có, họ nói tiếng Lào vanh vách, thạo chuyện hộ chiếu, xuất cảnh lắm.

Anh Võ Văn Khang kể thêm: "Về nhà nhìn tụi em bóng bẩy như Việt Kiều về nước nhưng thực ra ở bên đó cũng lao động vất vả lắm. Những ông chủ đồng nát thì phải lo vừa bán hàng Việt, vừa thu gom đồng nát. Riêng thợ “đồng nát” thì chinh chiến khắp nơi. Sang Lào bước đầu khó khăn chỉ cần chiếc xe đạp cà tàng buộc đôi sọt tre phía sau đã là “công ty hai sọt Việt - Lào”.  Nghề đồng nát ngoài vất vả, có khi còn hiểm nguy, Diễn Tháp đã từng có thanh niên bị sẩy chân xuống sông Mê Kông chết đuối".

Bà Khuyên Chủ tịch xã nói thêm: Người lao động ở Diễn Tháp có ý chí, nỗ lực, làm ăn xa quê nhưng được cái không có ai nghiện ma túy, làm ăn phi pháp. Ai nấy làm ăn dù ít hay nhiều đều có ý thức xây dựng quê hương. Hiện nay đường làng ngõ xóm của xã đều được nhựa hoá, bê tông hoá. Diễn Tháp có bãi chứa rác thải, thu từ thương mại dịch vụ (chủ yếu buôn bán ở Lào) từ đầu năm 2010 đến nay đạt gần 60 tỷ đồng. Xã đã quy hoạch và xây dựng xong khu công nghiệp nhỏ ở Cồn Vang rộng 8 ha, có 8 doanh nghiệp đã vào đăng ký xây dựng các cơ sở chế biến gỗ, đồ cơ khí... Đối với nghề “đồng nát” xã đang khuyến khích bà con có thể mua nguyên liệu từ Lào về rồi tự gia công, sản xuất đồ nhôm, đỡ phải ra tận Nam Định, Hà Nội mua về, vừa tạo công ăn việc làm cho người lao động, vừa tăng thêm thu nhập cho người nông dân.

Rời “làng biệt thự” khi trời đứng bóng, tôi vẫn thấy từng đoàn xe ô tô vận tải lớn nhỏ đang nối đuôi nhau chở “hàng ra”, “hàng về” thật nhộn nhịp. Diễn Tháp - miền quê năng động ấy đang ngày càng vươn lên tầm cao mới.

Văn Trường - Duy Thảo