Về thủ phủ Miền Tây sông nước:
Kỳ cuối: Khốn khổ đời thương hồ
(Dân trí) - Nhìn cảnh náo hoạt trên chợ nổi, cảnh mua bán tấp nập trên bến dưới thuyền, ít ai biết đằng sau nó là những cảnh đời cơ cực, đắng cay muôn vàn. Đánh đổi cuộc sống, cánh thương hồ đã trút xuống không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt, thậm chí cả máu.
Không có sức thì khỏi làm
Ba Dưa bảo tôi: “Đời thương hồ cực lắm, chú cứ nhìn tui này. Người không biết thì nghĩ nghề này phóng khoáng. Ừ thì phóng khoáng thật, nhưng mỗi bát cơm đều phải đánh đổi cả bát mồ hôi chú ạ. Không có sức làm không nổi”.
Mặc dù trời mới bắt đầu bình minh, mặt trời còn chưa ló dạng, nhưng vợ chồng Ba Dưa đã mồ hôi nhễ nhại ướt sẫm lưng, khom người tung dưa lên ghe bạn. Mấy đứa nhỏ cũng hì hụi giúp bố mẹ xếp dưa gọn gàng vào trong ghe. Nhìn cảnh ấy, không khỏi ngao ngán thương cho vợ chồng nhà anh. Chị vợ đang mang thai đứa thứ ba, trông đã nặng nề lắm rồi, nhất quyết không chịu cho tôi chụp ảnh: “Chú hỏi gì thì tôi nói, chụp hình tôi ngại lắm”. Mồ hôi trên trán lăn xuống cả đôi mắt chị Ba, chị lấy chiếc khăn rằn quệt ngang mặt: “Hết cách sống rồi mới phải làm nghề này, mà giờ dính vào cũng không thoát ra khỏi”.
Mà không có sức thì cũng chẳng thể làm gì được. Như nhà Ba Dưa, cứ nơi nào có trái cây rẻ là “sáp vô”, ở đâu cũng đến, kênh rạnh bé cỡ nào cũng mò vào. Cả nhà cứ xoay lưng chống sào, chèo ghe, mệt mỏi thế nhưng không thể làm khác hơn được.
Gần ghe nhà Ba Dưa, ghe Tám Thơm cũng đang hối hả thảy thơm (dứa) cho khách. Chị Tám nhoẻn miệng cười khi thấy tôi giơ máy ảnh lên. Cả một ghe đầy ắp thơm nhưng tới 8h sáng đã vợi đi phân nửa.
Những cảnh đời như cảnh nhà anh Ba, chị Tám… trên sông không thiếu. Mà nhà anh Ba còn thuộc vào loại khá, sắm được chiếc ghe cũng ngót nghét bảy tám mươi triệu, vất vả nhưng cũng có của ăn của để. Nhiều nhà khác còn cơ cực hơn rất nhiều.
Sống nhờ sông, chết vì sông
Với dân thương hồ, điều ám ảnh họ luôn là các tai nạn trên sông. Những con sông ở vùng Cửu Long mang đến nguồn sống cho hàng vạn người, nhưng nó cũng cướp đi không biết bao nhiêu người chồng, người cha, cướp cả những đứa trẻ trót xảy chân rơi xuống…
“Nguy hiểm lúc nào cũng chầu chực”, Ba Dưa thở dài, “nhẹ là chìm ghe, mất tất cả của nhưng còn người. Còn nặng là mất người. Anh Hai tôi cũng chết vì lặn xuống nước không lên kịp. Nghề bạc, nhưng luôn phải cố quên những mặt trái ấy đi để mà sống, luôn phải cố lạc quan chú ạ”.
Cái ngày Hai Dưa chết cách đây đã mấy năm, nhưng nhiều người ở chợ Cái Răng chưa quên. Anh Hai lặn xuống gỡ neo ghe, nhưng luống cuống không lên được, chết ngạt. Đến khi cánh thương hồ lao cả xuống tìm thì xác anh đã trôi đi cách đấy 1 đoạn dài, hô hấp cả tiếng cũng không được.
Đấy là còn chưa kể nạn xin đểu, mặc dù ít xảy ra hơn nhưng không phải không có. Các “băng đảng” miệt vườn sẵn sàng từ kênh nhỏ lao ghe ra xin xỏ khơi khơi một bữa nhậu, “không cho là chúng quậy không làm ăn được”, anh Ba kết luận.
Bao giờ cho đến bao giờ!
Đời thương hồ nay đây mai đó, không biết đâu là bến bờ, lênh đênh như cánh lục bình trên sông. Nhiều lúc nghĩ cảnh dập dềnh quanh năm suốt tháng, mấy đứa nhỏ học hành chữ được chữ mất, anh Ba, chị Tám không khỏi chạnh lòng.
***
Về miền Tây sông nước, ở giữa đất Tây Đô, giữa đô thị đã thoáng chút xô bồ, những cảnh sống của bác xe lôi, anh cửu vạn, của vợ chồng người khách thương hồ… vốn là những hình ảnh nổi bật ở đây từ bao năm nay, tới thời buổi kinh tế thị trường, lại càng hiện hữu rõ hơn bao giờ hết.
Cuộc sống ấy chỉ là một lát cắt nhỏ, một phần đặc trưng của cuộc sống nơi đây mà người viễn khách cảm nhận được vội vàng mà thôi.
Bảo Trung