1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Về thủ phủ Miền Tây sông nước:

Kỳ 3: Lênh đênh chợ nổi

(Dân trí) - Về Cần Thơ không ghé chợ nổi thì coi như… chưa biết gì về Tây Đô. Tồn tại hàng trăm năm, chợ nổi là nét văn hoá điển hình của người dân miệt vườn, dù rằng nghề kiếm sống trên nước chẳng nhàn hạ gì, trái lại, đầy nhọc nhằn vất vả.

Câu chuyện của chị Tư

Từ trung tâm TP Cần Thơ ra tới chợ nổi Cái Răng chỉ độ 5km. Chợ bắt đầu họp từ lúc 3-4h sáng và kéo dài tới 9-10h. Hầu như ai tới Cần Thơ cũng đều tìm ra đây, để tự mình được nhìn ngắm cảnh huyên náo nhộn nhịp của hàng trăm, hàng nghìn chiếc thuyền lớn bé ngồn ngộn cây trái đổ dồn về khúc sông này giao thương. Tiếng nổ cùng lúc của hàng trăm chiếc động cơ chạy dầu ầm ì, phàch phạch. Giữa trời xanh mây trắng, những chiếc thuyền qua lại như mắc cửi trông vô cùng ngoạn mục.

Chợ bán đủ các loại nông sản miệt vườn, mỗi ghe thuyền đều cắm một cây sào dài trước mũi, người ta treo lên đó thứ mình đang có bán, gọi là cây bẹo. Nhìn vào cây bẹo, người mua sẽ biết ngay ghe bán thứ gì. Dân thương hồ (người buôn bán trên sông- PV) ở đây quanh năm lênh đênh bầu bạn cùng sông nước.

Lẫn trong các ghe thuyền lớn của những thương lái lớn nhỏ là những người buôn bán lặt vặt sống bám vào chợ, lần tảo qua ngày. Chị Tư là một điển hình.Chị vốn là dân gốc Cần Thơ, nhà ngay sát chợ nổi Cái Răng. Nhưng nhà nghèo quá không có vốn buôn trái cây nên chị đành kiếm bánh mì về bán nhì nhằng. “Chồng làm phụ hồ thu nhập chẳng được bao nhiêu. Mấy sắp nhỏ đều đang học phổ thông, chúng ngốn tiền ghê lắm chú ạ, nên các sinh hoạt đều chỉ trông chờ vào mấy cái bánh mì của tui thôi”, chị Tư vuốt mồ hôi trên má.
Kỳ 3: Lênh đênh chợ nổi - 1
Chị Tư bươn chải suốt ngày cũng chỉ đủ ăn. (ảnh: Bảo Trung)
Hàng ngày, chị Tư bắt đầu đi bán bánh từ 4h sáng. Đó cũng là lúc bán được nhiều hàng nhất. Chợ nổi Cái Răng dài cả cây số, chị chèo tới chèo lui, tiếng rao bán bánh lẫn vào tiếng thuyền ghe đang tấp nập đổ về cho một buổi chợ mới. Suốt ngày, tiếng ghe thuyền, vỏ lãi phành phạch bên tai, chị nghe riết rồi cũng quen. Chiếc thuyền nhỏ, chị cứ chèo tay, len lỏi quanh các thuyền lớn. Ai gọi mua bánh mì thì tấp vào. Giữa sông, nhưng bánh mì trứng, patê… đều có đầy đủ. Cả buổi chợ chèo ngược xuôi tới vài chục km, bán hết chỗ bánh cũng lãi được 20-30.000đ. Số tiền ấy cũng chỉ đủ chi dụng trong một ngày. Thường thì đến trưa là hàng bán hết, chị Tư lại quay ra chợ Cái Răng buôn bán thêm mớ cá cho hết buổi chiều. Sáng hôm sau lại tiếp tục một ngày mới.

Những người buôn bán nhỏ lẻ như chị ở chợ nổi Cái Răng là rất nhiều. Mặt hàng cũng đa dạng. “Trên bờ có gì thì dưới sông có đó chú à, ở đây có nhiều người sống quanh năm trên mặt nước, nên chúng tôi phục vụ hết. Thậm chí từ cây kim sợi chỉ trở đi”, chị Tư khoe. Cuộc sống cứ thế túc tắc, chị quen rồi.

Cửu vạn: ráo mồ hôi là hết tiền

Ở những chợ nổi thường có các thương lái chờ chực trên bờ, ở những bến đã giao ước sẵn. Ghe thuyền bán hoa trái chỉ việc ghé vào đó và bán buôn sản vật của mình cho thương lái. Tiếp đó, chủ buôn sẽ chuyển hàng đi các thành phố khác, như Sài Gòn, thậm chí vươn ra tới các tỉnh phía bắc.

Ở những bến này, đội cửu vạn thường tập trung tới cả chục người. May là việc không lúc nào thiếu, chỉ sợ không có sức. Chú Hiến đã già, ria mép trắng bạc, cởi trần trục trục, nước da đỏ au, đội một sọt quýt dễ đến năm bảy mươi cân từ thuyền lên bến. Chú mệt nhọc: “Đã đi đội hàng thuê, có nghĩa là cuộc sống thiếu thốn lắm rồi. Chứ anh bảo tôi gầy thế này, sức còn bao nhiêu nữa. Nhưng ráo mồ hôi là hết tiền anh ạ”.

Ở Hà Nội đang giữa mùa đông rét ngọt, nhưng ở miền Tây thì nắng nóng “vật vã”, nhìn mồ hôi nhễ nhại trên vai áo những người cửu vạn khiến tôi không khỏi ái ngại. Anh Mười ghé tai tôi: “Chú Hiến cách đây mấy tháng vừa phải đi chỉnh đĩa đệm cột sống. Nhưng cảnh nhà éo le quá nên nghỉ được một thời gian ổng lại ra đây. Mấy anh em khuyên nhủ nghỉ làm đi, như ổng không chịu. Cơ cực lắm em ạ. Vợ ổng bệnh mấy năm nay, thuốc men cũng tốn nhiều rồi…”
Kỳ 3: Lênh đênh chợ nổi - 2
Cứ ráo mồ hôi là hết tiền. (ảnh: Bảo Trung)
Anh Mười còn nói, mỗi ngày giỏi thì kiếm được 40-50 nghìn. Nhưng không may ngã trẹo chân, trẹo tay hoặc nặng hơn là chệch đĩa đệm như chú Hiến thì tiền vào bệnh viện còn phải đi vay mượn khắp nơi. Thế là nợ chồng nợ, đời cửu vạn vì thế mà chằng bao giờ dứt ra được.

Chiều. Chợ buồn tẻ biết bao nhiêu. Những chiếc ghe đã vợi đi cây trái, hoặc để trôi theo dòng sông Hậu, hoặc phi thật lực về các miệt vườn để nhập hàng cho buổi chợ hôm sau. Cánh thương hồ trông cuộc sống trông đầy vẻ phóng khoáng. Vẻ hào sảng của họ bất chợt khiến tôi liên tưởng tới hình ảnh những hảo hán ở Lương Sơn Bạc trong Thuỷ Hử. Nhưng đời thương hồ đâu chỉ có bạn cùng sông nước trời mây, mà cơ cực muôn vàn. Mới đến Cần Thơ, nhưng tôi cũng được cánh thương hồ truyền thụ một câu rất mùi: "Đời thương nhân nắng mưa ấm lạnh/Chốn thương hồ một cảnh buồn than", ngẫm ra thấy đúng vô cùng.

Bảo Trung
(còn nữa)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm