Về thủ phủ Miền Tây sông nước:

Kỳ 2: Vĩnh biệt xe lôi

(Dân trí) - Cùng với “gạo trắng, nước trong”, xe lôi là hình ảnh quen thuộc in sâu vào tâm trí người dân lao động Tây Đô. Nhưng từ ngày 1/1/2008, hình ảnh đó sẽ không còn. Hàng nghìn chiếc xe lôi đang run rẩy từng phút chờ giờ khai tử.

>> Kỳ 1: Đô thị của những mảnh đời cần lao

Phương tiện cho giới bình dân

Xe lôi, cũng như tất cả những gì đang hiện hữu ở Tây Đô, đều có lịch sử của nó. Xưa kia, từ đầu thế kỷ 20 người dân vẫn chỉ biết tới xuồng, ghe đi lại trên sông nước là phương tiện giao thông phổ biến nhất. Sau đó, xuất hiện xe kéo bánh gỗ và đến khoảng năm 1930 thì xe đạp lôi xuất hiện. Nó là sự kết hợp giữa xe đạp và xe kéo. Phía trước là xe đạp, phía sau là cái thùng của xe kéo. Vì tính tiện dụng của nó mà ngay từ khi xuất hiện, loại xe này đã lập tức phổ biến rộng rãi ở khắp vùng Tây Nam bộ.
 
Kỳ 2: Vĩnh biệt xe lôi - 1
Một chiếc xe lôi có thể chở được tới 5-6 người.
 
Khắp các ngả đường từ thành thị đến những miệt vườn ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang, Cần Thơ... đều có chiếc xe lôi quen thuộc. Nó tồn tại bình dị như cuộc sống ở nơi đây, thay thế cho ghe xuồng. Xe lôi chở học sinh tới trường, chở các chị ra chợ, chở những thùng trái cây tươi rói, và nhiều xe chuyên chở cuộc sống của cả một gia đình, tất cả dồn lên đôi vai người chồng, người cha.
 
Sau này, khi xe gắn máy bắt đầu phổ biến và mật độ ngày càng tăng thì xe lôi cũng lập tức thay đổi, các bác tài bỏ xe đạp, gắn vào thùng chiếc xế nổ. Phổ biến và thịnh hành nhất phải kể đến Honda 67, thùng xe được trang bị thêm mui để che mưa nắng, giống như xích lô ở Hà Nội bây giờ.

Ở thành phố Cần Thơ, vài ba năm trước xe lôi nhiều vô kể, nườm nượp khắp các tuyến phố. Tới nay, do chính quyền chủ trương hạn chế loại xe tự chế này nên số lượng xe lôi giảm đi đáng kể, tập trung vào một vài bãi đỗ nhất định và cũng chỉ được phép chạy một số tuyến đường nhất định mà thôi.

Nhưng chỉ vài ngày nữa, đến 1/1/2008 thì xe lôi phải lùi vào dĩ vãng. Cần Thơ là địa phương cuối cùng của miền Tây vẫn còn xe lôi. Các đường phố sẽ vắng bóng hoàn toàn, một nét văn hóa của miền Tây, của Tây Đô sẽ chỉ còn tìm được trong hoài niệm. Xe lôi sẽ chết!
 
Xe chết, người khóc
 
Tôi ra bến Ninh Kiều, một trong những nơi tập trung xe lôi đông đúc nhất Cần Thơ. Ở đây, các bác tài có bến đỗ theo quy định của thành phố, hoạt động cũng thành nghiệp đoàn, các thùng xe đều có số hiệu. Những chiếc xe nối đuôi nhau thành hàng dài dọc phố Ngô Quyền, khuôn mặt các bác tài suy tư buồn bã. Đây sẽ là những ngày cuối, những chiếc “xe vua” theo cách gọi của dân miền Tây, được tung hoành.
 
Kỳ 2: Vĩnh biệt xe lôi - 2
"Bến xe lôi" trên đường Ngô Quyền, Cần Thơ. 
 
Bác tài Nguyễn Kim Châu ngồi buồn so trên chiếc xe màu đỏ điệu đà. Dù đã biết trước ngày này nhưng khi nó đến, bác không khỏi chạnh lòng: “Buồn chứ! Nhưng tôi còn đỡ hơn nhiều anh em, vì các con đều đã lớn, có công ăn việc làm đàng hoàng. Tôi chỉ đi làm kiếm thêm đồng ra đồng vào cho vui thôi, chứ tôi ở nhà cũng vẫn đủ ăn. Nhiều anh em khác, họ phải nuôi cả gia đình. Giờ chưa biết tính sao”.

Ngày ít, cánh xe lôi kiếm được 30-40 nghìn, ngày nhiều thì 50-60 nghìn. Cuộc sống dù không khá giả, nhưng chiếc xe vẫn giúp họ túc tắc đủ ăn, thậm chí nuôi sống tới 4-5 con người.

Tôi gặp bác tài Trần Văn Tới, người đã có thâm niên 14 năm liên tục hoạt động nghề xe lôi. Bác Tới thở dài não nuột: “Lệnh cấm thì phải theo thôi. Nhưng giờ buồn quá chú ạ, sinh hoạt của cả nhà tôi trông mong tất cả vào chiếc xe này. Giờ chưa biết tính sao. Chuyển sang honda ôm thì cũng khó, làm sao giành khách được với cánh bên kia (bác Tới chỉ tay tới dãy xe ôm tới gần 20 chiếc phía bến Ninh Kiều), đông lắm”. Đôi mắt bác Tới đỏ hoe: “Mà xin đi làm bảo vệ thì chẳng đâu người ta nhận chúng tôi nữa, già hết rồi”.
 
Kỳ 2: Vĩnh biệt xe lôi - 3
Bác Tới: "Già rồi, không xin được việc gì khác nữa".
 
Bác Tới hoạt động trong Hợp tác xã xe lôi, hình như cũng có chút vai vế. Bác cho biết, trong hợp tác hiện có 500 chiếc xe đang hoạt động. Nhưng hiện tại TP cũng đang tồn tại khoảng hơn 500 chiếc khác hoạt động chui. Làm sao mà hàng nghìn người có thể có công ăn việc làm cùng lúc như thế. Bác tài Nguyễn Hùng Dũng - người hoạt động xe lôi gần 20 năm - thì thật thà: “Chắc là chúng tôi kiểu gì cũng phải tìm nghề khác mưu sinh thôi. Cuộc sống thật chật vật”.

Không còn lối thoát nào

Mấy bác tài kể: Hợp tác xã đã đề nghị lên trên xin được giữ lại độ mươi chiếc xe, tân trang sạch đẹp để phục vụ khách du lịch. Dù sao xe lôi cũng là một nét văn hoá của vùng sông nước này. Nhưng “trên” không nghe. Cấm là cấm. “Ngoài Hà Nội xích lô vẫn đi nườm nượp trên phố cổ, nhưng xe lôi ở đây là chắc chết rồi anh ạ”, bác tài Dũng than vãn.
 
Kỳ 2: Vĩnh biệt xe lôi - 4
Xe lôi chở cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông.
 
Chiều Tây Đô. Tôi lên xe, đề nghị được đi một vòng. Bác tài nổ máy rồi vui vẻ buông câu hát của Phạm Duy: “Mời người lên xe, về miền quá khứ”. Thú thật, cảm giác ngồi xe lôi rất khó tả, vừa thích, vừa sợ, nhất là mỗi khi xe vào cua. Đây sẽ là lần cuối tôi được ngồi xe lôi, vì lần sau trở lại đây chắc chắn sẽ không còn bóng dáng xe nào nữa. Bác tài vẫn thao thao nói chuyện về đời xe, có lẽ bác đã vui lên ít nhiều. “Tôi sẽ đi làm đến ngày cuối cùng (31/12/2007) và sẽ chở miễn phí những chuyến cuối”, bác hào sảng.

Thật ra, chẳng phải riêng gì xe lôi gặp khó, có tiếp xúc mới thấy ngay cả cuộc sống trên sông vốn là “sở trường” của bà con miền Tây cũng đầy vất vả nhọc nhằn.

Bảo Trung
(còn nữa)