1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Về thủ phủ Miền Tây sông nước:

Kỳ 1: Đô thị của những mảnh đời cần lao

(Dân trí) - Là một thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng Cần Thơ không mang nếp sống thị dân như những thành phố lớn khác. Cuộc sống ở nơi thủ phủ của lục tỉnh Nam kỳ khi xưa, vẫn đầy nhọc nhằn vất vả.

Mệt mỏi chờ phà
 
Chuyến xe đò từ TPHCM về Cần Thơ - thủ phủ miền Tây - chỉ có tròn 5 khách, nhưng nhà xe kiên quyết không bắt thêm, dù rằng hành trình dài 170km có rất nhiều khách vẫy ven đường. Chiếc xe Ford Transit 16 chỗ cứ lao đi vun vút. Bây giờ, những chuyến xe chất lượng cao như thế từ Sài Gòn về Miền Tây rất nhiều, cạnh tranh nhau cũng rất gay gắt. Xưa kia người ta gọi Cần Thơ là Tây Đô để ví mảnh đất sầm uất này là thủ đô của cả miền Tây Nam Bộ rộng lớn.
 
Kỳ 1: Đô thị của những mảnh đời cần lao - 1
Chen chúc phà đêm.
 
Anh Tán Ngọc Thanh, công tác tại công ty cổ phần dược Hậu Giang trở thành bạn đồng hành của tôi trong suốt chặng đường. Anh Thanh cho biết, những chiếc xe khách vì cạnh tranh nhau gắt quá nên nhà xe nào cũng nâng cao chất lượng tốt nhất để khách nhớ đi lần sau.

Phà Cần Thơ, một trong những cụm phà lớn nhất Việt Nam từ nhiều ngày nay luôn bị kẹt. Mặc dù cụm phà này đã huy động toàn bộ phà gồm 11 chiếc loại 100 và 200 tấn để giảm kẹt xe nhưng tình hình không mấy thuyên chuyển. Chiếc xe khách của chúng tôi nối đuôi sau một hàng dài. Anh Thanh ngán ngẩm rủ tôi xuống đi bộ: “Đi bộ ra phà còn nhanh hơn anh ạ, chứ ngồi trên xe chờ thế này thì cả tiếng nữa chưa xuống được tới bến”.

Phà Cần Thơ là nút giao thông quan trọng trên tuyến quốc lộ 1A, nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với TP HCM. Vì thế mật độ giao thông luôn dày đặc. Tôi nhận thấy không bến phà nào tấp nập hơn ở đây, hàng chục chiếc phà tấp nập qua lại, những công nhân bến phà đi lại làm việc như máy, nhưng vẫn quá tải.

Những công nhân trên phà cho hay, nguyên nhân chủ yếu của việc kẹt phà là do quốc lộ 80 đi qua Đồng Tháp (đi An Giang, Kiên Giang) đang nâng cấp sửa rất nhiều cây cầu, xe cộ đổ dồn về quốc lộ 1A, qua phà Cần Thơ. Hiện tại có gần 7.000 lượt xe ô tô, 25.000-30.000 xe gắn máy và 50.000 hành khách qua phà Cần Thơ mỗi ngày.

Sông Hậu mênh mông nước chảy, cách phà khoảng 3km, các trụ nhịp của cần Cần Thơ nhô lên cao. Khi nào cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á này hoàn thành thì cảnh ách tắc trên phà cũng chấm dứt. Khách đi phà vẫn chỉ trỏ về phía cầu, nhắc lại vụ tai nạn kinh hoàng trong lịch sử ngành xây dựng Việt Nam.

Mưu sinh trên bến Ninh Kiều

Bến Ninh Kiều đã đi vào thi ca với vẻ đẹp mộng mơ của nó: “Về bến Ninh Kiều thấy chàng đợi người yêu”. Nhưng thực tế thì vẻ lãng mạn ấy cũng không làm xoá nhoà ấn tượng của người khách viễn phương về sự mưu sinh trên Ninh Kiều đầy nhọc nhằn.
 
Kỳ 1: Đô thị của những mảnh đời cần lao - 2
Bến Ninh Kiều luôn nhộn nhịp.
 
Ở cái bến nổi tiếng sầm uất và nhộn nhịp đông đúc ấy, cuộc sống lúc nào cũng hối hả. Những chiếc tàu chở khách đi các miệt Trà Ôn, Xuân Hoà, Cái Trâm, Đại Nghĩa… xếp thành hàng trên bến nước. Chủ tàu í ới mời khách lên. Những người làm nghề chở hàng thì hối hả bốc xếp từng thùng các tông xuống xe đẩy, họ chính là người gắn bó với bến Ninh Kiều hơn cả.
 
Anh Tư mặc chiếc áo ướt lấm tấm mồ hôi, quệt ngang khuôn mặt lem nhem đầy dầu, đặt sọt trái cây xuống rồi than: “Cực lắm anh ạ. Tôi ở bến ngót chục năm rồi, cứ thế kiếm sống qua ngày thôi. Đất Cần Thơ này ở đâu sung sướng tôi không biết, chứ bến Ninh Kiều thì toàn người dân lao động, mỗi ngày kiếm được một đôi chục nghìn chứ bao nhiêu”. Mấy người bốc xếp thấy anh Tư nói chuyện với phóng viên, liền cười: “Anh Tư sắp lên báo rồi kìa, mà nhanh lên kẻo chủ tàu đang gọi ra dỡ nốt hàng cho xong”.
 
Kỳ 1: Đô thị của những mảnh đời cần lao - 3
Mưu sinh trên bến. (ảnh: Bảo Trung)
 
Mấy ngày lang thang ở bến Ninh Kiều, tôi chỉ lặng lẽ quan sát. Cánh xe ôm đứng thành hàng dài nhưng chẳng mấy khi có khách. Họ túm tụm nói chuyện phiếm giết thời gian. Mấy người bán hàng rong, quán nước cũng chẳng đông khách. Bến chỉ xôn xao tiếng người, nếu có gì sinh động nhất thì đó là những ghe, thuyền, vỏ lãi… ngược xuôi phành phạch trên sông Hậu. Buổi chiều, gió sông thổi lồng lộng, làm dịu đi những mệt mỏi của cuộc sống cần lao.

Nhưng gió sông Hậu không làm bớt đi những lo lắng của những người làm nghề xe lôi, bởi chỉ vài ngày nữa thôi là xe lôi bị cấm hoàn toàn ở khắp nẻo miền Tây. Một hình ảnh đã đi sâu vào ký ức những người dân chốn sông nước này, giờ sắp mất. Hàng nghìn người đang hành nghề xe lôi ở Cần Thơ cũng chưa biết sẽ làm gì để lôi theo cuộc sống của cả gia đình khi chỉ còn vài ngày nữa thôi, loại xe tự chế này bị cấm.

Bảo Trung
(còn nữa)