Huyền thoại nơi căn cứ rừng Sác
(Dân trí) - Cần Giờ với hơn 70.000 ha rừng và đất rừng không chỉ là lá phổi xanh của thành phố mà còn là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nơi đây còn là vùng đất ghi dấu những chiến tích hào hùng của các chiến sĩ đặc công Đoàn 10 năm xưa.
Chiến công vang danh sử sách
Ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Miền thành lập đặc khu rừng Sác với mật danh T10, sau đổi thành Đoàn 10, trung đoàn 10 với nhiệm vụ án ngữ cửa biển, hướng dẫn nhân dân và xây dựng cơ sở, nắm tình hình địch.
Mặc dù gặp khó khăn, thiếu thốn trăm bề, địa hình hiểm trở, lương thực, nước ngọt và vũ khí khan hiếm, phải chịu nhiều mất mát, hi sinh (năm 1970, Đoàn 10 hi sinh gần hết) nhưng với tinh thần dũng cảm, vượt khó, Đoàn 10 đã lập được rất nhiều chiến công.
Đặc biệt, trong trận đánh kho xăng Nhà Bè vào lúc 0h ngày 3/12/1973, các chiến sĩ mũi 5 Đoàn 10 đã tiêu hủy 140 triệu lít xăng, 12 bồn butagap, một tàu dầu 12.000 tấn và nhiều cơ sở vật chất khác của địch.
Năm 1971 - 1972, Đoàn phối hợp với bộ đội huyện và du kích xã đánh địch trên sông Lòng Tàu - đường thủy huyết mạch vào Sài Gòn. Ngày 30/4, trước khí thế rầm rộ tiến công giải phóng toàn miền Nam, đa số ngụy quân đều tự vứt vũ khí để bỏ chạy. Tuy nhiên, đại đội 999 của địch ngoan cố chống cự nhưng chúng đã vấp phải sự chiến đấu oanh liệt của trung đoàn 10.
Chuyện kể của người lính già
Gắn bó với chiến khu rừng Sác từ lúc mới 14 tuổi, ông Nguyễn Văn Tám - nay là thuyết minh viên kỳ cựu của khu du lịch - hồi tưởng: Năm 1968, Mỹ đem chất độc hóa học vào rải ở rừng làm chết động, thực vật. Lúc ấy, cuộc sống nơi đây thật kinh khủng vì nước mặn quanh năm, nguồn lương thực tiếp tế từ kho gạo miền Tây đã bị cắt đứt. Các chiến sĩ phải ăn lá cây rừng để sống như: đọt chà là, đọt ráng, lá kìm, rau bui, dừa nước... Ban đầu chưa biết lá nào lành lá nào độc, phải quan sát hươu nai ăn rồi ăn theo.
Rừng Sác nổi tiếng là “rừng thiêng nước độc”, cọp hàng đàn, cá sấu dày đặc. Chính vì thế, người chỉ huy ở đây phải hết sức thông thạo, nhanh nhạy để có thể phán đoán chính xác từng tiếng động. Nghe tiếng quẫy nước phải phân biệt được tiếng động của 4 chân hay 2 chân, quân ta hay quân địch…
Địa hình của rừng cũng khá đặc biệt, có nơi bùn lầy đến ngang lưng nhưng cũng có chỗ khô ráo. Các chiến sĩ ta phải di chuyển trên rễ cây, tránh lội xuống bùn vì sẽ để lộ vết tích. Đoàn có 3 đại đội: một đội biệt kích chuyên đi nắm tình hình dân, một đội “giữ nhà” và lo hậu cần, còn một đội chuyên đi… trồng rừng. Phải trồng cây ở những lối mà quân ta đã đi để xóa dấu vết. Cây lên tới gối là mừng rồi vì sau đó, lực lượng ta có thể bò bên dưới mà không bị địch phát hiện.
“Tuy vậy, năm 1966, biệt kích Mỹ phát hiện căn cứ và kéo 3 cánh quân đánh vào. Nhưng đợt đó, nhờ thông thạo địa hình và có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong rừng ngập mặn nên ta đã tiêu diệt gần hết 300 quân địch”, ông Nguyễn Văn Tám tự hào.
Trong 10 năm chiến đấu trên chiến trường rừng Sác, quân giới của Trung đoàn đã lấy được 3 tấn thuốc nổ, chế tạo nhiều loại vũ khí góp công đánh chìm hàng trăm tàu chiến, phá hủy nhiều kho tàng lớn của địch trên sông Lòng Tàu, cảng Rạch Dừa, Nhà Bè, Cát Lái, Thành Tuy Hạ…
Giờ đây, sau hơn 35 năm, những chiến sĩ Đoàn 10 năm xưa nay đều “lên lão” nhưng cứ mỗi dịp 30/4, họ lại tập hợp nhau thăm chiến trường xưa, ôn lại kỷ niệm thời tuổi trẻ anh hùng. Ông Tám trầm ngâm: “Mấy năm trước được 140 người, năm ngoái chỉ còn 120 người. Năm nay không biết ai còn, ai mất”.
Sau 35 năm giải phóng, Cần Giờ đang từng ngày thay da đổi thịt với hệ thống giao thông, các công trình điện, nước đã và đang được xây dựng cùng hệ sinh thái rừng ngập mặn được tái tạo đã xanh trở lại.
Con đường Rừng Sác trải dài từ phà Bình Khánh tới ngã ba 30/4, vừa hoàn thành giai đoạn I với 3 làn xe trải nhựa phẳng lì, hứa hẹn sẽ đem lại sức sống mới trên quê hương cách mạng.
Hồng Nhung - Lê Phương