Bến Xắt - tử huyệt miền đất thượng

(Dân trí) - 10 năm, gần 50 người con xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh đã ký thác thân mình xuống con sông Rào Trổ. Riêng bến Xắt, những cái chết không cần thêu dệt nghe cũng đến đỗi kinh hoàng. Trong những người ký thác thân mình xuống suối, có những em nhỏ đang ở độ tuổi cắp sách tới trường…

“Thú dữ” mùa lũ về

 

Phải mất tới 3 tiếng đồng hồ chúng tôi mới lên được thượng nguồn Kỳ Thượng. Khí hậu mùa này ở vùng thượng Kỳ Anh chẳng khác nào ở Tây Nguyên: ngày nóng, đêm lạnh, mưa ít. Con sông Rào Trổ vì thế cũng êm đềm chảy.

 

Rào Trổ - Bến Xắt gắn liền với cuộc sống hằng ngày của hàng trăm hộ dân ở xã Kỳ Thượng. Những chuyến gỗ từ tận miền đất Quảng Bình gần như được người dân kết bè, thả xuống rào Trổ xuôi về làng. Nguồn nước của con sông trở thành bầu sữa tắm cho vùng đất vốn khát nước trong những mùa hạn đến cháy cây cháy rừng.

 

Nhưng trái lại, mùa mưa đổ về rào Trổ gồng mình tải dòng nước đục ngầu mang theo đất đá, cây cối về xuôi. Nước chảy xiết ngoạm sâu vào làng gây lỡ lói, sập đất, cuốn trôi cả rau màu. Rào Trổ như con thú dữ giữa rừng sâu.

 

Còn Bến Xắt - nơi thông thương của người dân với thế giới bên ngoài từ lâu đã trở thành nơi tử địa. Mùa mưa lũ về nó há miệng, chĩa ánh mắt hãi hùng lên những bản làng của miền Thượng, phải những người kinh nghiệm lắm mới giám tiến sát gần nó.

 

Lão già có tên cúng cơm Lãnh - một thời được người dân gọi với cái tên “Lãnh đò” đã bỏ hẳn cái nghề chèo đò vốn đã ăn vào máu thịt. Lão ngán đến tận cổ vì sự rùng rợn của bến đò. “Bỏ nghề tui buồn lắm, nhưng biết mần răng được. Đò xuống cấp, rào dữ tợn, nếu tiếp tục e lại lại rước họa vào thân” - Lãnh “đò” nhìn con đò được đã vớt lên, nằm cạn cả năm nay - ngán ngẩm.  

 

Trong ký ức của mình, ông Lãnh “đò” đã chứng kiến hàng chục cái chết của con em ở miền đất thượng này mỗi lần qua Bến Xắt: “E chú mới lên đây lần đầu? Rứa thì răng hiểu được, răng biết được. Nó như con thú dữ, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Năm nào nó cũng lấy ít nhất vài ba mạng chứ chẳng chơi”.

 

Lão kể, cháu Nguyễn Thị Sương, học sinh lớp 2, trường tiểu học 1 Kỳ Thượng là nạn nhân gần đây nhất của Bến Xắt. Bố mẹ Sương đi làm ăn ở nước ngoài, cháu ở nhà với ông bà nội. Tan lớp, Sương cùng các bạn trở về nhà. Mang cặp cẩn thận qua người, xắn quần lên sát hông, cháu lội qua Bến Xắt như ngày thường. Nhưng một cơn lũ nhỏ đổ xuống bất ngờ đã nuốt gọn cô bé vốn đang mang trong mình nhiều ước mơ bé nhỏ. Xác cháu bị lũ cuốn trôi nhiều cây số, phải mất tới 3 ngày người dân mới vớt được lên. Bây giờ thì hình ảnh của cháu Thương đã trở thành một lời nhắc nhở cho các cháu nhỏ mỗi khi qua cầu.

 

Ước nguyện một cây cầu  

 

Bến Xắt - tử huyệt miền đất thượng  - 1

Phía sau nụ cười của em Lê Văn Mến là nỗi lo vượt sông Rào Trổ ngày ngày.

11 giờ trưa, trống đánh tan lớp, thầy giáo Trần Anh Đăng - Hiệu trưởng trường PTCS Kỳ Thượng - dẫn tôi xuống Bến Xắt để chứng kiến một một câu chuyện thường ngày của các em học sinh: băng qua suối.

 

Một cảnh tượng hãi hùng. Những em nhỏ học sinh cấp 1, cấp 2 cùng dẫn nhau qua suối. Em lớn dắt xe đi trước, các em nhỏ níu lấy các anh, các chị cùng qua sông.

 

Tôi theo các em lội suối băng qua Bến Xắt. Nước không lớn nhưng những nhổm đá xanh rờn, trơn trượt, những hố sâu do dòng lũ tạo ra có thể lấy đi mạng sống của các em ất cứ lúc nào.

 

Em Lê Văn Mến - lớp 6C - trường PTCS Kỳ Thượng nhỏ nhất trong số các em lội suối mà tôi bắt gặp. Trước khi bước xuống suối, Mến là người ít nói nhất, nhưng vừa mới bước lên bờ tôi bắt gặp ở em một nụ cười thật ngây thơ. Mến nói: “Ngày hai lần, hôm nào chúng cháu cũng lội như thế này. Nhiều hôm nước lút lên tới hông, quần áo ướt sũng. Sáng nay bạn của cháu té ướt hết áo quần, sách vở, phải nghỉ học ở nhà”.

 

Lội nước là con đường ngắn nhất để tới trường, còn những hôm mưa lũ, nhà nào có không muốn con em nghĩ học phải vượt đường xuôi qua cầu Kỳ Lâm cách đó 9km, rồi lại vòng lên. Tất cả con đường vòng ấy mất gần 17 km.

 

Trong bữa cơm trưa “chữa đói” tại ký túc của trường, thầy giáo Trần Anh Đăng mở tủ đưa cho tôi xem những cuốn sổ đầu bài ghi trong mùa mưa lũ. Gần như cuốn sổ này đều điểm số học sinh vắng rất nhiều, có lớp vắng đến 8 em/buổi. Lý do, các em không qua suối được!

 

Bên kia Bến Xắt,, chứng kiến cuộc sống của người dân mới thật chạnh lòng. Dân có đất, có rừng mà không phát triển được. Cây ăn qủa trồng theo dự án vài năm người dân bảo họ phải bán rẻ hoặc để sử dụng vì không có đường vận chuyển. Hóa ra cuộc sống của người dân phía kia Bến Xắt cũng lao đao như con đường các cháu học sinh tới trường.

 

Chiều xuống núi, tấp vào một nhà nghỉ bình dân ở thị trấn nhỏ Kỳ Anh sau chuyến hành trình mệt lả, chợt nghe tin báo bão xa. Những cơn mưa sẽ trút xuống, mang theo cây cối, đá cuốn băng qua những thôn bản bé nhỏ của miền thượng Kỳ Anh. Rào Trổ hiền hoà hôm nào để cho những đôi chân các em nhỏ vượt qua trong tiếng cười sẽ gầm mình như con thú dữ.

 

Bến Xắt chắc chắn sẽ gào thét, há miệng sẵn sàng nuốt trọn bất cứ tấm thân nào. Lúc ấy Bến Xắt lại bị cắt đôi, bên này những lớp học vẫn diễn ra, còn phía bên kia những em nhỏ chỉ biết gác cặp lên những gốc cây mà ngóng sang sông!?

 

Văn Dũng - Minh San