Xử vụ chạy thận tử vong: Làm rõ nhiệm vụ Hoàng Công Lương tại Đơn nguyên thận nhân tạo
(Dân trí) - Ngày 18/1, đại diện VKSND thành phố Hoà Bình xét hỏi bác sĩ Hoàng Công Tình - nguyên phó khoa hồi sức tích cực BVĐK Hòa Bình về những vấn đề liên quan tới nhiệm vụ được phân công của bác sĩ Hoàng Công Lương ở đơn nguyên thận nhân tạo.
Theo cáo buộc, bị cáo Hoàng Công Lương có chuyên môn, được đào tạo kỹ thuật lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo. Lương thừa lệnh trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 nên biết cụ thể thời gian sửa chữa. Lương cũng là bác sĩ duy nhất trong ba người được phân công điều trị cho bệnh nhân ở đơn nguyên lọc máu có đủ điều kiện ra y lệnh chạy thận.
Ngày 29/5/2017, Lương ký xác nhận vào y lệnh của hai bác sĩ còn lại trong đơn nguyên để tiến hành lọc máu cho các bệnh nhân. Do vậy bị cáo phải chịu trách nhiệm chuyên môn trong ca điều trị hôm đó.
Lương bị cáo buộc, phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng sau sửa chữa, bảo dưỡng. Tuy nhiên, khi chỉ nghe điều dưỡng viên nói hệ thống đã sửa chữa xong, anh đã ra y lệnh điều trị.
Trả lời trước HĐXX trong phiên tòa sáng ngày 18/1, bác sĩ Hoàng Công Tình - nguyên phó khoa hồi sức tích cực BVĐK Hòa Bình cho biết, tại đơn nguyên thận nhân tạo, Hoàng Công Lương cùng các bác sĩ khác được phân công nhiệm vụ như nhau về việc điều trị ở đơn nguyên thận nhân tạo. Giữa Lương và các bác sĩ khác ở đơn nguyên có chức trách, nhiệm vụ khám chữa bệnh và được phép ra y lệnh lọc máu như nhau. Tuy nhiên, trong số ba bác sĩ ở đơn nguyên, chỉ có bác sĩ Huyền và Lương được quyền ra y lệnh chạy thận bởi hai người có chứng chỉ hành nghề.
Viện dẫn công văn trả lời của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình, HĐXX cho rằng, ngoài chứng chỉ hành nghề thì bác sĩ phải được Sở Y tế cấp phép mới được hành nghề chuyên môn. Tuy nhiên ông Tình phản bác rằng, theo Luật khám chữa bệnh, các bác sĩ chỉ cần chứng chỉ hành nghề là được quyền khám chữa bệnh. Ông không biết lý do bệnh viện trả lời như vậy bởi đây không phải thẩm quyền của ông.
Nói về các điều kiện cần để bác sĩ có thể ra y lệnh lọc máu, ông Tình cho rằng, bác sĩ cần chứng chỉ hành nghề và phải là bác sĩ nội khoa mới được quyền ra y lệnh lọc máu.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc: “Lý do gì bác sĩ Lương lại ký duyệt y lệnh lọc máu cho bác sĩ Huyền trong khi hai người có chứng chỉ và quyền ngang nhau?”. Vị nguyên phó khoa hồi sức tích cực BVĐK Hòa Bình cho rằng, các bác sĩ thường hội ý với nhau về chuyên môn trước khi ra y lệnh lọc máu cho bệnh nhân. “Theo quy định, bác sĩ Huyền cũng không nhất thiết phải có chữ ký của bác sĩ Lương mới được ra y lệnh.”.
HĐXX tiếp tục truy vấn “Vậy Lương ký để làm gì?”. Ông Tình giải thích, Lương ký vào y lệnh của hai bác sĩ còn lại để chia sẻ về chuyên môn bởi bác sĩ Lương có kinh nghiệm, chuyên môn nhiều hơn.
Bị cáo Hoàng Công Lương (bìa trái) đi cùng bác sĩ Hoàng Công Tình tới tòa
Cũng theo ông Tình, bác sĩ Huyền hoàn toàn có thể ký y lệnh chia sẻ với Lương song phải tuỳ vào từng trường hợp bởi mỗi người có một thế mạnh về chuyên môn khác nhau. Tuy nhiên, không có văn bản nào quy định cụ thể về việc ai ký vào y lệnh của ai bởi đây là đặc thù của ngành y, mọi người sẽ căn cứ vào thực tế”.
“Thực tế có hai chữ ký trong bệnh án của bác sĩ Linh và Huyền thì chữ ký nào có hiệu lực hơn?”, VKS hỏi. Ông Tình nói, do mọi người đã hội thảo nên hai chữ ký của các bác sĩ ở đơn nguyên thận nhân tạo có giá trị như nhau. Chữ ký của Lương không phải là hiệu lệnh ra y lệnh lọc máu.
Đưa ra nhiều tài liệu về bảo hiểm y tế ở toà, cơ quan công tố cho rằng, ở đơn nguyên thận nhân tạo chỉ có bác sĩ Lương ký vào giấy thanh toán bảo hiểm y tế. Trong khi đó ở đơn nguyên này Lương và Huyền đều có chứng chỉ hành nghề. Ông Tình sau đó giải thích, bác sĩ Huyền chỉ có chứng chỉ hành nghề chứ không có chứng chỉ thận nhân tạo. Bởi vậy ở đơn nguyên thận nhân tạo chỉ bác sĩ Lương mới được ký vào giấy thanh toán bảo hiểm.
Chiều nay 18/1, tòa tiếp tục làm việc.
Trần Thanh