1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Xử vụ chạy thận tử vong: Nguyên giám đốc bệnh viện Hòa Bình nhận trách nhiệm

(Dân trí) - Trả lời HĐXX, bị cáo Trương Quý Dương – Nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, việc để xảy ra sự cố y khoa chạy thận nhân tạo khiến 9 người tử vong tại bệnh viện, bị cáo Dương xin nhận trách nhiệm là người đứng đầu, trách nhiệm về việc tổ chức chuyên môn… dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Chiều nay, 16/1, TAND TP Hòa Bình tiếp tục mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án "chạy thận tử vong" xảy ra vào ngày 29/5/2017 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Nguyên giám đốc bệnh viện nhận trách nhiệm

Bị cáo Trương Quý Dương bị cáo buộc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, ông Dương là Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, với vai trò là người đứng đầu bệnh viện, đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, buông lỏng công tác quản lý, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đối với cấp dưới, để cho cấp dưới có những vi phạm nghiêm trọng trong một thời gian dài.

Trước bục khai báo, ông Dương cho biết, để xảy ra sự cố y khoa chạy thận nhân tạo, trách nhiệm của bệnh viện là vấn đề chuyên môn, kỹ thuật lọc máy, còn trách nhiệm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn là cung cấp máy, kỹ thuật vận hành máy.

“Bị cáo thừa nhận có trách nhiệm trong vụ việc này, nhưng mong HĐXX làm rõ đâu là trách nhiệm trực tiếp, đâu là trách nhiệm gián tiếp. Bởi, để xảy ra sự cố y khoa Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình có nhiều nguyên nhân, liên quan đến nhiều người. Với cương vị người đứng đầu bệnh viện, bị cáo xin nhận trách nhiệm”, ông Dương nói.

Xử vụ chạy thận tử vong: Nguyên giám đốc bệnh viện Hòa Bình nhận trách nhiệm - Ảnh 1.

Bị cáo Trương Quý Dương, nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình trong phiên tòa hôm nay 16/1 (Ảnh: Trần Thanh)

 Trong phiên trả lời HĐXX ngày hôm qua 15/1, bị cáo Trương Quý Dương cho biết, về trách nhiệm sửa chữa hệ thống RO số 2, bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình không đủ năng lực để sửa chữa hệ thống RO số 2, nên thuê Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn. Tuy nhiên, việc để xảy ra sự cố y khoa chạy thận, trách nhiệm không chỉ thuộc về bệnh viện.

Theo ông Dương, việc sửa chữa hệ thống RO trước ngày 29/5/2017 không phải sửa chữa đột xuất, mà nằm trong kế hoạch năm, thông qua hội đồng, giao cho phòng vật tư phụ trách vấn đề này.

Về quy trình sửa chữa hệ thống RO số 2, ông Dương cho biết, nhận được đề xuất sửa chữa trước 1 tháng kể từ ngày sửa chữa. Thời điểm đó, khoa Hồi sức tích cực đề xuất việc sửa chữa với phòng vật tư. Sau đó, phòng vật tư đánh giá tình trạng máy, rồi trình phó giám đốc phụ trách trực tiếp và chuyển cho bị cáo duyệt.

“Ngày 20/4/2017, phòng vật tư y tế kiểm tra tình trạng máy, đã xử lý nhưng không được, nên mới ký hợp đồng sửa chữa với Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn. Khi ký hợp đồng này, bị cáo nắm các thông tin về tài chính, trình tự thủ tục, còn thực hiện giao dịch như thế nào, giao dịch với ai thuộc vấn đề chuyên môn của phòng ban, bị cáo không rõ”, bị cáo Dương nói.

Cựu cán bộ, trưởng phòng vật tư đùn đẩy trách nhiệm

Trong chiều nay, VKS tiếp tục thẩm vấn bị cáo Trần Văn Sơn - cựu kỹ thuật viên của Phòng Vật tư, Bệnh viện tỉnh Hòa Bình. Theo hồ sơ vụ án, trong lần sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước tên RO2 phục vụ việc chạy thận ở Khoa Hồi sức tích cực, Sơn được bị cáo Trần Văn Thắng (cựu trưởng Phòng Vật tư) giao nhiệm vụ tiếp và giám sát Bùi Mạnh Quốc (giám đốc công ty Trâm Anh) khi ngày 28/5/2017 đến sửa máy.

Tuy nhiên, Sơn chỉ mở cửa, đối chiếu danh mục báo giá với Quốc xong rồi bỏ đi. Sáng hôm sau, Sơn quay lại định cùng Quốc lấy mẫu nước mang đi xét nghiệm thì hệ thống lọc nước đã được sử dụng. Và hôm đó, sự cố đã xảy ra.

Trả lời trước HĐXX, bị cáo Sơn cho biết, bị cáo từng đi học tại chức trong vòng 2 năm từ năm 2015-2017 tại Bệnh viện Bạch Mai trong các ngày cuối tuần, “trong diện vừa học vừa làm” và Sơn chưa bao giờ được giao giám sát sửa chữa hệ thống RO. Sơn chỉ làm nhiệm vụ gặp Quốc để đối chiếu danh mục sửa chữa hàng hóa có đúng theo báo giá hay không, ngày 28/5/2017 (1 ngày trước khi xảy ra sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong – PV), Sơn cũng làm công việc nói trên như thường lệ.

Xử vụ chạy thận tử vong: Nguyên giám đốc bệnh viện Hòa Bình nhận trách nhiệm - Ảnh 2.

Bị cáo Trần Văn Sơn (Ảnh: Trần Thanh)

 Nói về trách nhiệm của bản thân, bị cáo Sơn cho biết, trước khi đi học, bị cáo đã báo cáo với trưởng phòng vật tư, khi đó là ông Thắng và lãnh đạo bệnh viện. Sơn khẳng định việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO dùng để chạy thận thường diễn ra vào các ngày cuối tuần, mà trong những ngày cuối tuần này (từ tối thứ 6, thứ 7 và chủ nhật –PV) Sơn đều đang đi học nên không biết.

Đáp lại phần trả lời trước HĐXX của bị cáo Sơn, bị cáo Trần Văn Thắng (cựu trưởng Phòng Vật tư) cho biết, do bị cáo Sơn đi học theo lớp vừa học vừa làm, và đang trong quá trình thực hiện đồ án tốt nghiệp tại nhà nên công việc tại phòng vật tư Sơn vẫn làm bình thường. “Vào các ngày cuối tuần Sơn vẫn đảm nhiệm công việc được giao và không có gì thay đổi”.

Một điều đáng chú ý trong phiên xét xử chiều nay đó là bị cáo Hoàng Công Lương vẫn tiếp tục giữ quyền im lặng ngay cả khi luật sư bào chữa cho mình đặt câu hỏi. Luật sư Hoàng Ngọc Biên, người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương đề nghị đặt câu hỏi cho chính thân chủ của mình Hoàng Công Lương. Tuy nhiên, Lương xin được tiếp tục giữ quyền im lặng như đã có đơn gửi HĐXX từ sáng nay. Lý do trình bày trong đơn là do bị cáo này cảm thấy sức khoẻ chưa đảm bảo.

Theo cáo trạng, sáng 29/5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường, 9 người tử vong. Nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo. Vụ án sau đó được đưa ra xét xử ba lần trong vòng 6 tháng song đều bị hoãn.

Bị cáo Hoàng Công Lương (bác sĩ), Bùi Mạnh Quốc sau đó bị truy tố về tội Vô ý làm chết người theo khoản 2 điều 98 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù.

Bị cáo Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện), Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh viện), Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư), Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư) cùng Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 điều 285 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ 3 đến 12 năm tù.

 

Trần Thanh