1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Xử vụ chạy thận: Đề nghị phạt cựu Giám đốc BV Hòa Bình 2,5-3 năm tù

(Dân trí) - Đại diện VKSND TP Hòa Bình đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Trương Quý Dương (cựu Giám đốc BVĐK  tỉnh Hòa Bình) phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" với khung hình phạt từ 2,5-3 năm tù.

Hôm nay, 22/1, TAND TP Hòa Bình tiếp tục mở phiên xét xử vụ án "chạy thận tử vong" xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017.

Đại diện VKSND TP Hòa Bình đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Quý Dương (cựu Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" với khung hình phạt từ 2,5-3 năm tù.

Xử vụ chạy thận: Đề nghị phạt cựu Giám đốc BV Hòa Bình 2,5-3 năm tù - 1
Bị cáo Trương Quý Dương.

 

Theo đại diện VKS, bị cáo Trương Quý Dương – Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, với vai trò là người đứng đầu bệnh viện đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, buông lỏng trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thiếu kiểm tra thường xuyên đối với cấp dưới, để cho cấp dưới có những vi phạm nghiêm trọng trong một thời gian dài.

Bị cáo Dương là người ký quyết định số 175 về việc thành lập Đơn nguyên lọc máu, theo điều 2 của quyết định 175, theo trả lời của Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai thì Đơn nguyên lọc máu, khi hoạt động phải có đầy đủ thành phần, nhân lực cần thiết theo quy chế công tác khoa lọc máu nhưng từ khi thành lập Đơn nguyên lọc máu, bị can không bố trí kỹ sư, kỹ thuật viên hoặc cũng không phân công ai làm nhiệm vụ của kỹ sư, kỹ thuật viên để “Kiểm tra chất lượng nước, chất lượng dịch lọc trước, trong và sau khi lọc máu” theo quy định; Từ năm 2014 đến năm 2017 không có quyết định giao người phụ trách Đơn nguyên lọc máu.

Trương Quý Dương đã không chỉ đạo Phòng Vật tư thiết bị y tế xây dựng và ban hành quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng máy; cụ thể là vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng hệ thống RO; Hệ thống RO số 2 thực tế không được giao cho cá nhân quản lý và sử dụng theo quy chế quản lý và sử dụng vật tư thiết bị y tế ban hành kèm theo quyết định 1895 của Bộ Y tế, dẫn đến Đơn nguyên lọc máu tùy tiện sử dụng hệ thống RO sau sửa chữa không chờ kết quả xét nghiệm nước.

Vị đại diện VKS cho biết, bị cáo Dương là người ký các hợp đồng, thanh lý hợp đồng sửa chữa hệ thống RO nhưng bị can Trương Quý Dương không sâu sát trong kiểm tra, không phát hiện Đơn nguyên lọc máu thường xuyên sử dụng hệ thống RO ngay sau sửa chữa, không chờ kết quả xét nghiệm chất lượng nguồn nước để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh.

Tuy nhiên, tranh tụng tại tòa, luật sư Huỳnh Phương Nam (bào chữa cho bị cáo Dương) cho rằng VKS truy tố bị cáo Trương Quý Dương về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là chưa đủ căn cứ.

Theo ông Nam, việc lập Đơn nguyên thận nhân tạo xuất phát từ nhu cầu của địa phương. Ban giám đốc bệnh viện nắm bắt mục đích đó, đã cùng ông Dương thành lập Đơn nguyên này để người dân được hưởng lợi, thay vì phải xuống Hà Nội chạy thận. Ngoài ra, việc thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo đã được nhiều đơn vị trong bệnh viện và cả Sở Y tế tỉnh Hòa Bình chấp nhận, thông qua.

Luật sư Nam cho rằng, BVĐK tỉnh Hòa Bình có đủ điều kiện thực nghiệm, có quyền sắp xếp và thực hiện kỹ thuật lọc máu tại cơ sở. Các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai còn khẳng định, kỹ thuật chạy thận đã được triển khai nhiều nơi.

Từ những dẫn chứng trên, luật sư Nam  khẳng định, việc thành lập Đơn nguyên thận không hề vi phạm Thông tư 02/2008 hướng dẫn thực hiện Nghị định 43 của Bộ Y tế như cáo buộc. Trái lại, trên cơ sở tờ trình của Sở Y tế, Bệnh viện Hòa Bình đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo tinh thần của Nghị định 43. Do đó, việc làm của bệnh viện khi thành lập Đơn nguyên lọc máu hoàn toàn có cơ sở.

Về quy kết cho rằng bị cáo Dương thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, luật sư nói điều đó không có căn cứ. Ông lý giải, bệnh viện Hòa Bình có sự phân cấp lãnh đạo. Một mình Trương Quý Dương không thể quản lý, giám sát hết các bộ phận, phòng ban.

Một nội dung khác mà luật sư Nam đưa ra là, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình 2 lần thanh kiểm tra, đều không có ý kiến nào về cơ cấu tổ chức cũng như quy trình lọc máu chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình và đánh giá, nguyên nhân gây ra sự cố y khoa làm chết 9 người là do lỗi cẩu thả.

"Thân chủ của tôi phải chịu trách nhiệm do hành vi cẩu thả của người khác. Do đó, VKS đề nghị bị cáo Dương mức án 30 - 36 tháng tù là khó chấp nhận" - luật sư Nam nói.

 
 Bị cáoTội danh truy tốVKS đề nghị  mức án
1Hoàng Công LươngVô ý làm  chết người3-3,5 năm tù
2Bùi Mạnh QuốcVô ý làm chết người4-5 năm tù
3Trương Quý DươngThiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm  trọng2,5 - 3 năm tù
4Hoàng Đình KhiếuThiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm  trọng3-3,5 năm tù
5Đỗ Anh TuấnThiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm  trọng3-3,5 năm tù
6Trần Văn SơnThiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm  trọng3,5-4 năm tù
7Trần Văn ThắngThiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm  trọng3-3,5 năm tù

 

Nguyễn Dương