Xét xử siêu lừa: Các ngân hàng phản đối quan điểm "không yên tâm gửi tiền"
(Dân trí) - "Hà Thành làm mất tiền của ngân hàng, không làm mất tiền của các đồng sở hữu", đại diện VKS nói và cho rằng khách gửi tiền vào ngân hàng, sau đó mất hết dù không đi rút hay thế chấp, là rất xót xa.
Ngày 20/3, VKSND TP Hà Nội đối đáp lại những luận điểm bào chữa của các luật sư trong phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Hà Thành (38 tuổi) và 25 bị cáo khác, trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng VietABank (VAB), Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank).
Trong bản luận tội, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên Hà Thành phải có trách nhiệm bồi thường 248,9 tỷ đồng cho VAB, 49,4 tỷ đồng cho PVcomBank, 47,5 tỷ đồng cho NCB và bồi thường cho những cá nhân gửi tiết kiệm đồng sở hữu với bị cáo.
Bên cạnh đó, VKS cũng đề nghị VAB trả lại cho ông Đặng Nghĩa Toàn 20 tỷ đồng, NCB trả lại cho ông Toàn 50 tỷ đồng và PVcomBank trả lại cho ông Toàn 52 tỷ đồng.
Riêng trường hợp ông Đặng Nghĩa Toàn có 122 tỷ đồng trong các sổ tiết kiệm tại 3 ngân hàng, VKS đề nghị các ngân hàng giữ lại để giải quyết dân sự vay mượn. Tại VAB, Hà Thành có gần 70 tỷ đồng là tiền góp cùng đồng sở hữu tại trong các hợp đồng tiền gửi, cơ quan tố tụng đề nghị HĐXX tuyên tịch thu để đảm bảo thi hành án.
Trong phần tranh luận, đại diện 3 ngân hàng đề nghị HĐXX đổi tư cách tố tụng từ bị hại sang người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan. Họ cũng cho rằng những người là đồng sở hữu sổ tiết kiệm với "siêu lừa" là bị hại, đồng thời, Hà Thành có trách nhiệm bồi thường cho bị hại.
Tại phiên tòa sáng 20/3, cơ quan tố tụng Hà Nội đưa ra những lập luận để bảo vệ quan điểm các ngân hàng là bị hại. Cụ thể, VKS nhận định, Thành chiếm đoạt tiền của ngân hàng, không chiếm đoạt tài sản trong các sổ tiết kiệm của người đồng sở hữu.
Ngoài ra, VKS cho rằng, nhân viên các ngân hàng đã có sai sót khi không kiểm tra lại các chữ ký của ông Đặng Nghĩa Toàn trong hợp đồng, là điều kiện giúp Hà Thành chiếm đoạt tài sản.
"Hà Thành làm mất tiền của ngân hàng, không làm mất tiền của các đồng sở hữu", đại diện VKS nói và cho rằng việc khách gửi tiền vào ngân hàng, sau đó tự dưng mất hết rồi bị tất toán dù không đi rút hay thế chấp, là rất xót xa.
Đại diện cơ quan tố tụng nói: "Tôi nghĩ sau phiên tòa này, những ai chứng kiến, nghe được diễn biến sẽ không yên tâm gửi tiền vào các ngân hàng", đồng thời nhận định khi nhân viên sai thì pháp nhân phải có trách nhiệm. Việc để nhân viên mắc lỗi, gây thiệt hại thì đó là lỗi của ngân hàng trong khâu đào tạo.
Đối đáp lại ý kiến của VKS, đại diện các ngân hàng bày tỏ sự không hài lòng với quan điểm "không yên tâm gửi tiền vào các ngân hàng".
Đại diện PVcomBank và NCB khẳng định họ rất tôn trọng quyền của người gửi tiền nhưng quyền đó là quyền của "những người gửi chân chính". Riêng PVcomBank nhắc lại chi tiết khi không biết mối quan hệ giữa Toàn và Thành, ngân hàng đã có ý định trả lại tiền. Tuy nhiên, sau khi biết Toàn và Thành có quen biết, PVcomBank mới chưa giải tỏa sổ tiết kiệm.
"Hiện sổ tiết kiệm của ông Toàn bà Trang (vợ ông Toàn) vẫn đang được bảo toàn đầy đủ tại PVcomBank, bao gồm cả gốc và lãi. PVcomBank chỉ có cơ sở giải quyết 3 sổ tiết kiệm của ông Toàn và bà Trang theo đúng Bản án có hiệu lực pháp luật", đại diện ngân hàng nói.