Xét xử siêu lừa: Luật sư chất vấn các ngân hàng về trách nhiệm dân sự
(Dân trí) - Tại phiên tòa hôm nay, một số luật sư đề nghị được chất vấn đại diện các ngân hàng trong vụ án về trách nhiệm dân sự.
Ngày 14/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Hà Thành (38 tuổi) và 25 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng VietABank (VAB), Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank).
Tại phiên tòa hôm nay, một số luật sư đề nghị được chất vấn đại diện các ngân hàng trong vụ án về trách nhiệm dân sự.
Cụ thể, luật sư đặt câu hỏi với đại diện Ngân hàng NCB về lý do phong tỏa 50 tỷ đồng trong 4 sổ tiết kiệm đứng tên ông Đặng Nghĩa Toàn và bà Tạ Thị Thu Trang, đồng thời, luật sư muốn làm rõ, trong vụ án này, ngân hàng NCB có thiệt hại hay không? Và với yêu cầu bồi thường dân sự thì NCB sẽ yêu cầu ai?.
Trước 3 câu hỏi trên của luật sư, đại diện ngân hàng NCB khẳng định đã trả lời trong quá trình xét hỏi và từ chối trả lời lại.
Luật sư phản hồi có thể thời điểm đại diện NCB nói, luật sư nghe không rõ nên muốn ngân hàng trả lời lại. Tuy nhiên, đại diện NCB nhất quyết không trả lời và cho rằng đây là quyền của ngân hàng, không phải nghĩa vụ.
Sau đó, HĐXX đề nghị luật sư tạm dừng câu hỏi và yêu cầu đại diện ngân hàng NCB về lại chỗ ngồi để chuẩn bị tài liệu, trả lời câu hỏi của luật sư sau. Theo cáo trạng, đến nay, ngân hàng NCB chưa có yêu cầu bồi thường về dân sự.
Đối với ngân hàng PVcomBank, luật sư cũng đặt ra câu hỏi với đại diện ngân hàng này về trách nhiệm dân sự trong vụ án.
Theo đại diện PVcomBank, giao dịch giữa Đặng Nghĩa Toàn với bị cáo Hà Thành bản chất là vay tiền, vay vốn, gửi tiết kiệm và sau này đều là giả tạo nên bị xác định vô hiệu. Từ đó, ngân hàng cho rằng Thành sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại tiền gốc và lãi cho ông Toàn và bà Trang.
Đối với các sổ tiết kiệm đứng tên vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn, đại diện ngân hàng PVcomBank đề nghị được "xử lý", xem xét thu hồi tiền lãi của sổ tiết kiệm đã trả cho khách để xử lý khoản nợ. Trước tòa, đại diện ngân hàng cho biết từ ngày 12/10/2018 (ngày phát hành sổ tiết kiệm) đến ngày 12/10/2019, ngân hàng đã chi trả hơn 4 tỷ đồng tiền lãi cho vợ chồng ông Toàn.
Còn từ ngày 12/10/2019 đến nay, tiền lãi phát sinh được ngân hàng tính theo lãi suất không kỳ hạn. Theo đó, số tiền lãi phát sinh đến hôm nay là hơn 583 triệu đồng, hiện bị treo trong hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, đại diện ngân hàng PVcomBank cũng đề nghị HĐXX thay đổi vai trò của ngân hàng từ bị hại sang người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Vị đại diện giải thích, giao dịch giữa Hà Thành và vợ chồng ông Toàn là vay trả lãi. Vì vậy, nếu có tranh chấp về mặt dân sự thì Thành phải có trách nhiệm trả lại tiền cho vợ chồng ông Toàn.
Tại ngân hàng PVcomBank, ông Đặng Nghĩa Toàn và vợ có 3 sổ tiết kiệm, tổng số tiền gửi là 52 tỷ đồng. Số tiền này (gồm cả gốc và lãi) hiện bị ngân hàng phong tỏa.
Về phía vợ chồng ông Toàn, họ đề nghị tòa án buộc 3 ngân hàng NCB, PVcomBank, VAB phải trả lại cho ông toàn 122 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm và tiền lãi của số tiền trên.
Tại tòa, HĐXX yêu cầu đại diện ngân hàng NCB trả lời các câu hỏi liên quan đến trách nhiệm dân sự.
Trước tòa, đại diện ngân hàng này đề nghị được đổi tư cách tố tụng từ bị hại sang người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Lý do được vị này đưa ra là bởi Thành và người tham gia tố tụng có quan hệ vay mượn. Sau đó, Thành dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của họ, chứ không phải lấy tiền của ngân hàng.
Bên cạnh đó, đại diện NCB đề nghị HĐXX tuyên các giao dịch gửi tiền của ông Toàn và bà Trang, giao dịch cầm cố sổ tiết kiệm, giao dịch ngân hàng cho vay là vô hiệu, vì đây là các giao dịch giả tạo nhằm che giấu giao dịch giữa Thành và vợ chồng ông Toàn. Để khắc phục hậu quả, đại diện ngân hàng NCB đề nghị được dùng số tiền trong các sổ tiết kiệm.