1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Xét xử siêu lừa, luật sư ngao ngán: "Cái gì VietABank cũng nói không biết"

Hải Nam

(Dân trí) - Trước các câu hỏi của luật sư, đại diện ngân hàng VietABank nhiều lần trả lời "không biết" hoặc né trả lời, khiến luật sư ngao ngán.

Ngày 13/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, xảy ra tại Ngân hàng VietABank (VAB), Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank).

Phiên tòa ngày hôm nay chủ yếu là phần xét hỏi giữa luật sư với các bị cáo tại ngân hàng VAB và bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành.

Xét xử siêu lừa, luật sư ngao ngán: Cái gì VietABank cũng nói không biết - 1

Phiên tòa ngày 13/3 (Ảnh: Hải Nam).

Tranh cãi giữa luật sư và đại diện ngân hàng VAB

Theo cáo buộc, Hà Thành vay tiền của nhiều cá nhân dưới hình thức gửi tiết kiệm đồng sở hữu vào 3 ngân hàng trên. Sau đó, bị cáo sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối để cầm cố sổ tiết kiệm, vay lại tiền của ngân hàng. Từ đó, Thành lừa đảo chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng, của PVcomBank 49,4 tỷ, VAB gần 274 tỷ, của nhiều cá nhân khác là 63 tỷ, tổng cộng hơn 433 tỷ đồng.

Tại ngân hàng VAB, VKS cáo buộc Thành được Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp, chi nhánh Đông Đô), Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh), Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng Khách hàng cá nhân) và một số nhân viên khác giúp sức trong nhiều khâu, quy trình để có thể vay được tiền.

Xét xử siêu lừa, luật sư ngao ngán: Cái gì VietABank cũng nói không biết - 2

Đại diện ngân hàng VietABank (Ảnh: Hải Nam).

Trong đó, có một khoản vay trị giá hơn 20 tỷ đồng. Theo quy định của ngân hàng, khoản vay trên 20 tỷ đồng phải có sự đồng ý của Hội sở ngân hàng. Vì vậy, Quỳnh Hương chỉ đạo nhân viên lập tờ trình để bị cáo và Đức ký đề xuất, còn Đức đã lập hồ sơ vay, trình Hội sở quyết định.

Tuy nhiên, Quỳnh Hương và cấp dưới đã không trực tiếp gặp khách hàng để thẩm định, xác minh hồ sơ cầm cố, từ đó tạo kẽ hở giúp Hà Thành chiếm đoạt tài sản. 

Tại tòa, luật sư chất vấn đại diện ngân hàng VAB về việc thẩm định lại trước khi cho vay không? Trả lời câu hỏi này, đại diện VAB cho rằng, sau khi nhận hồ sơ, tờ trình, Hội sở sẽ ra thông báo yêu cầu thực hiện các bước ký dưới sự giám sát của camera, còn tính chính xác, trung thực, hợp lệ của hồ sơ thuộc trách nhiệm của đơn vị kinh doanh.

Câu trả lời này bị luật sư đánh giá "chưa sát với câu hỏi" và nhấn mạnh lại: "Hội sở có thẩm định lại sau khi giải ngân?". Phía đại diện VAB không trả lời.

Sau đó, luật sư đặt ra thêm một số câu hỏi liên quan đến Công ty MHD nhưng đại diện ngân hàng VAB cũng né trả lời.

"Cái gì VietABank cũng nói không biết"

Trước HĐXX, luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông T.H.C. (bị hại) đề nghị được chất vấn đại diện ngân hàng VAB. Trong vụ án này, ông C. có 3 sổ tiết kiệm liên quan, bị thiệt hại 29 tỷ đồng. Ngay khi vụ án được điều tra, tất cả tiền trong sổ tiết kiệm của ông C. tại VAB bị phong tỏa.

Trước khi phiên tòa diễn ra, VAB đã rút tất toán toàn bộ số tiền trong các sổ tiết kiệm của khách hàng để khắc phục hậu quả vụ án.

Luật sư đặt câu hỏi: "Tại sao tự ý tất toán các sổ tiết kiệm và thu giữ tiền gửi của thân chủ? Thân chủ tôi ký hợp đồng tiền gửi với ngân hàng theo đúng quy định và hướng dẫn, đã ký và nhận đầy đủ phiếu kiểm tiền. Nay hết thời hạn gửi tiết kiệm, tại sao VietABank không trả tiền?".

Xét xử siêu lừa, luật sư ngao ngán: Cái gì VietABank cũng nói không biết - 3

Các luật sư tại phiên tòa (Ảnh: Hải Nam).

Đại diện VAB trả lời, phía ngân hàng không làm việc một cách "tự ý", đồng thời, VAB cũng không có quyền tạm giữ hay tất toán sổ tiết kiệm của khách khi chưa được phép. Việc ngân hàng phong tỏa các sổ tiết kiệm là khi VAB nhận thấy có dấu hiệu liên quan đến vụ án. Theo đại diện ngân hàng, hành động này là đúng thẩm quyền ngân hàng, đảm bảo công tác điều tra.

Tiếp tục đối chất, luật sư hỏi "dấu hiệu" mà đại diện VAB nói là gì? Tuy nhiên, đại diện ngân hàng không trả lời. Sau đó, luật sư đề nghị được nghe đại diện VAB giải thích về lý do rút tất toán tiền trong sổ tiết kiệm của khách để khắc phục hậu quả vụ án. Phía VAB cũng từ chối trả lời.

Theo luật sư, việc Hà Thành câu kết với nhân viên ngân hàng, làm giả chữ ký, thế chấp và vay tiền, không liên quan đến số tiền mà khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Vì vậy, việc bồi thường là trách nhiệm của Hà Thành, không phải của khách hàng.

Sau đó, luật sư đặt thêm một số câu hỏi, đề nghị đại diện VAB trả lời nhưng người đại diện ngân hàng này đều nói: "Không biết". Điều này khiến luật sư  ngao ngán.

"Cái gì VietABank cũng nói không biết, luật sư chúng tôi cũng không biết hỏi gì nữa", luật sư nói.