1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm: Làm rõ nghi vấn hồ sơ bị đánh tráo

(Dân trí) - Tại phiên xử chiều nay vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm, HĐXX đã có câu trả lời về nghi vấn của luật sư Trương Thị Minh Thơ cho rằng, trong hồ sơ vụ án, bút lục từ số 1 đến số 80 bị thiếu hoặc bị đánh tráo...

Phiên xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm chiều 28/8 bắt đầu với phần công bố bản cáo trạng. Tuy nhiên, khi đại diện Viện KS mới công bố được 2 trang trong tổng số 109 trang cáo trạng, chủ tọa phiên tòa Trần Nam Hà bất ngờ yêu cầu tạm dừng, nghỉ 5 phút vì “phát sinh tình tiết mới”.

Hà Văn Thắm tại phiên xử sơ thẩm lần 2 ngày 28/8.
Hà Văn Thắm tại phiên xử sơ thẩm lần 2 ngày 28/8.

Ít phút sau, thẩm phán Trương Việt Toàn, cho hay, quá trình xét xử, HĐXX xét thấy có một số vấn đề cần trả lời các câu hỏi của luật sư nên tạm nghỉ để hội ý.

Cụ thể, đối với vấn đề tạm giam bị cáo Hứa Thị Phấn (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ) mà luật sư Lê Vân Trang đặt câu hỏi, HĐXX nhận thấy, quá trình điều tra, các cơ quan tố tụng đã ra lệnh tạm giam bị cáo này để phục vụ công tác điều tra, xét xử.

“Tuy nhiên, qua xác minh được biết, bà Phấn hiện đang nằm viện, mất 93% sức khỏe. Bộ Công an đã lập biên bản xác nhận. Đồng thời, căn cứ đơn đề nghị của bị cáo này xin được xét xử vắng mặt, HĐXX tạm thời đồng ý. Quá trình xét xử, đến phần nào xét thấy cần thiết có mặt bị cáo Phấn, tòa sẽ triệu tập.” - thẩm phán Trương Việt Toàn khẳng định.

Đối với nghi vấn của luật sư Trương Thị Minh Thơ cho rằng, trong hồ sơ vụ án, bút lục từ số 1 đến số 80 bị thiếu hoặc bị đánh tráo, đại diện HĐXX cho hay, luật sư Thơ đã có sự nhầm lẫn. Hồ sơ, tài liệu luật sư Thơ xuất trình là hồ sơ xét xử vụ án Phạm Công Danh chứ không phải hồ sơ của vụ án Hà Văn Thắm.

Sau khi xem xét, HĐXX yêu cầu đại diện Viện KS tiếp tục công bố cáo trạng.

Hoàng Thị Hồng Tứ - cựu Chủ tịch Công ty BSC, công ty sân sau của Hà Văn Thắm - bật khóc nức nở tại tòa.
Hoàng Thị Hồng Tứ - cựu Chủ tịch Công ty BSC, công ty sân sau của Hà Văn Thắm - bật khóc nức nở tại tòa.

Trong phiên xử buổi sáng, tại phần kiểm tra căn cước, HĐXX tòa sơ thẩm làm rõ, có 3 bị cáo vắng mặt, gồm: Hứa Thị Phấn- cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ; Vũ Thị Thùy Dương - cựu Giám đốc khối kế toán và Giao dịch trong nước của Oceanbank; Nguyễn Viết Hiền - cựu Giám đốc Oceanbank - Phòng giao dịch Âu Cơ.

Bị cáo Hứa Thị Phấn được xác định đang nằm viện tại TP.HCM. Bị cáo đang rơi vào tình trạng nửa mê nửa tỉnh, không đi lại được, tình hình sức khỏe rất nguy kịch.

Bị cáo Vũ Thị Thùy Dương xin xét xử vắng mặt vì mới sinh con. Bị cáo Nguyễn Viết Hiền thì đang bị bệnh nan y. Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho bị cáo Hiền cho biết, trong quá trình xét xử, những phần liên quan đến mình, bị cáo có thể xin có mặt tại phiên tòa.

Sau khi hỏi ý kiến của các luật sư, đại diện Viện KS, HĐXX quyết định sẽ tiếp tục vì sự vắng mặt của các bị cáo trên không ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án.

Theo cáo trạng, trong quá trình làm Chủ tịch HĐQT Oceanbank, Hà Văn Thắm cùng các thuộc cấp có nhiều vi phạm trong hoạt động tín dụng, gây thiệt hại cho ngân hàng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước. Các vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm và thuộc cấp góp phần gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, Hà Văn Thắm là chủ mưu.

Ngoài Hà Văn Thắm bị truy tố, hàng chục người còn lại chủ yếu là lãnh đạo tại hội sở ngân hàng và lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank trên toàn hệ thống, lãnh đạo Công ty BSC bị cũng dính hệ lụy từ việc làm sai trái của Hà Văn Thắm.

Trong các bị cáo bị truy tố còn có Nguyễn Xuân Sơn, đại diện góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại ngân hàng. Bị cáo Sơn đã có hành vi lợi dụng chức vụ được giao, ban hành, tổ chức và chỉ đạo các hoạt động trái pháp luật chiếm đoạt số tiền 246 tỷ đồng.

Tiến Nguyên