1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm

(Dân trí) - Bị cáo “đầu vụ” Dương Chí Dũng xuất hiện tại tòa với mái tóc đã bạc gần nửa đầu. 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Dũng có mặt tại tòa đều là những “tên tuổi” trong ngành... Một số bộ, ngành cũng cử đại diện tham dự.

Tại phiên tòa, Dương Chí Dũng được bố trí ngồi một mình trên hàng ghế đầu tiên ngay sau vành móng ngựa. Cựu Chủ tịch Vinalines cũng là bị cáo duy nhất mặc trang phục khác với bộ “đồng phục” màu xanh công nhân của 9 đồng phạm. Dũng mặc áo budông với sơ mi trắng, quần âu. Thái độ bị cáo rất điềm tĩnh, vẻ khác biệt duy nhất có thể nhận ra ở cựu Chủ tịch Vinalines sau thời gian tạm giam chỉ là mái tóc đã lộ bạc gần một nửa.
 
Phần kiểm tra căn cước các bị cáo trôi qua nhanh, suôn sẻ. Những người làm chứng và đại diện nguyên đơn dân sự (TCty Hàng hải Việt Nam – Vinalines) cũng có mặt đầy đủ tại tòa. Cục đăng kiểm – Bộ GTVT, Bộ Tài chính, ngân hàng tham gia hoạt động chuyển tiền, ký quỹ để mua ụ nổi 83M đều cử đại diện tham dự.
 
Đang xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm
Bị cáo Dương Chí Dũng (giữa) và 9 bị cáo đồng phạm đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN/vietnamplus.vn
 
Bị cáo “đầu vụ” Dương Chí Dũng có 3 luật sư bào chữa đều là những “tên tuổi” uy tín trong ngành, gồm luật sư Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển, Trần Đại Thắng. Bảo vệ quyền lợi cho cựu Tổng GĐ Vinalines Mai Văn Phúc có luật sư Nguyễn Huy Thiệp và một cộng sự cùng văn phòng.

Có 1 bị cáo không mời luật sư bào chữa nhưng được tòa chỉ định người bảo vệ.

Trước khi kết thúc phần thủ tục, luật sư Nguyễn Văn Chiến, Lê Minh Công đề nghị cho triệu tập bổ sung giám định viên của Cục đăng kiểm Việt Nam và giám định viên của công ty giám định độc lập có tham gia trong qúa trình khảo sát, quyết định đầu tư mua ụ nổi 83M của Vinalines với lý do tất cả các quyết định của tập thể TCTy cũng như của cá nhân Chủ tịch Dương Chí Dũng, Tổng GĐ Mai Văn Phúc đều căn cứ trên 2 văn bản giám định của 2 đơn vị này.

Với ý kiến này, HĐXX nhận định, các tài liệu, chứng cứ này đã có trong hồ sơ vụ án. Các luật sư cho rằng, không triệu tập điều tra viên cũng như đại diện CQĐT – Bộ Công an tham gia phiên tòa nghĩa là sẽ mất cơ hội để làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong vụ án. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa đã lặp lại lời giải thích trước đó.

9h20, tòa chuyển sang phần thẩm vấn với nội dung đầu tiên là phần công bố cáo trạng truy tố các bị cáo của đại diện VKSND Hà Nội.
 
Trước đó, 8h20, phiên tòa bắt đầu với các thủ tục xét xử. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Ngô Thị Ánh. Hai kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa là ông Nguyễn Chí Dũng và ông Trương Tuấn Hưng.
 
8h15, các phóng viên bắt đầu làm các thủ tục dự tòa. Theo “lệnh” từ tòa, dù chỉ theo dõi qua tivi, các phóng viên tham dự phiên tòa không được mang theo máy ảnh, điện thoại hay bất cứ một phương tiện tác nghiệp nào khác ngoại trừ được mang theo giấy bút.
 
Từ hơn 7h, Dương Chí Dũng và đồng phạm được đưa tới Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội. 
 
Hơn 7h, đoàn xe chở Dương Chí Dũng đến tòa Hà Nội bắt đầu phiên xét xử đầu tiên
Hơn 7h, đoàn xe chở Dương Chí Dũng đến tòa Hà Nội để tham gia phiên xét xử
 
Hôm nay (12/12) xét xử Dương Chí Dũng
Bị cáo Dương Chí Dũng được xác định là người cầm đầu trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Vinalines
 
Cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) Dương Chí Dũng được xác định là người cầm đầu trong vụ án tham nhũng nghiêm trọng xảy ra tại một Tổng Công ty lớn, quan trọng hàng đầu của nhà nước. Dương Chí Dũng đối mặt với án tù 15-20 năm vì phạm pháp trong quá trình lập, phê duyệt dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, đầu tư mua ụ nổi 83M gây thiệt hại cho nhà nước 367 tỷ đồng.

Cùng bị truy tố về tội “cố ý làm trái”, ở khung hình phạt này còn có cựu Tổng Giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn (Phó Trưởng Ban quản lý dự án (BQLDA) nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam), Trần Hữu Chiều (Trưởng BQLDA), Bùi Thị Bích Loan (Kế toán trưởng), Mai Văn Khang (Phó trưởng ban đóng mới tàu biển Vinalines), Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Cục Đăng kiểm-Bộ GTVT), Huỳnh Hữu Đức (Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong), Lê Văn Lừng và Lê Ngọc Triện (cùng là cán bộ chi cục Hải quan Vân Phong).

Trong thương vụ mua bán sang tay “khối sắt phế liệu” khổng lồ 83M với giá chênh thêm đến hơn 6 triệu USD, VKSND Hà Nội xác định Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc đã đạo diễn để rút ruột 1,666 triệu USD (tương đương 28 tỷ đồng) của nhà nước để chia chác. Trong đó, Dũng, Phúc chia nhau mỗi người 10 tỷ đồng, Trần Hữu Chiều được chia 340 triệu đồng, Trần Hải Sơn hưởng 7,8 tỷ đồng.

4 bị cáo bị cáo buộc phạm tội “tham nhũng” với khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này (mức phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).

Phiên tòa sơ thẩm dự kiến diễn ra trong 3 ngày (12-14/12), với ngày thứ 7 làm việc trọn vẹn. Phiên tòa hiện đã có 12 luật sư xác định tham dự để bảo vệ cho 10 bị cáo, trong đó cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng có 3 luật sư bảo vệ.
 
Một số hình ảnh được ghi lại bên ngoài phiên tòa lúc sáng sớm nay:

An ninh trước cổng tòa Hà Nội được thắt chặt ngay từ sáng sớm


An ninh trước cổng tòa Hà Nội được thắt chặt ngay từ sáng sớm

An ninh trước cổng tòa Hà Nội được thắt chặt ngay từ sáng sớm

An ninh trước cổng tòa Hà Nội được thắt chặt ngay từ sáng sớm
 
Dân trí sẽ cập nhật liên tục diễn biến phiên tòa đến bạn đọc.


Dân trí sẽ cập nhật liên tục diễn biến phiên tòa đến bạn đọc.


Dân trí sẽ cập nhật liên tục diễn biến phiên tòa đến bạn đọc.
 
Phương Thảo - Quang Phong