1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Xét xử "đại án" Alibaba: Bị hại từ chối làm bị hại

Xuân Duy

(Dân trí) - Được tòa xác định tham gia tố tụng với tư cách bị hại nhưng ông Doãn Minh Đức bất ngờ từ chối làm bị hại để khởi kiện dân sự.

Sau một ngày tạm nghỉ, ngày 15/12, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba) cùng 22 đồng phạm về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền, tiếp tục phần thẩm vấn các bị hại

Xét xử đại án Alibaba: Bị hại từ chối làm bị hại - 1

Nguyễn Thái Luyện tại tòa (Ảnh: Hữu Khoa).

Hồ sơ thể hiện, năm 2016, bị cáo Luyện thành lập Công ty CP địa ốc Alibaba kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Với vai trò Chủ tịch HĐQT, Luyện còn thành lập 22 công ty con, trong đó sử dụng 12 pháp nhân làm chủ đầu tư hàng loạt bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo để bán cho hàng nghìn người.

Toàn bộ các dự án đều được vẽ trái phép trên một diện tích đất nông nghiệp đặc biệt lớn, sau đó quảng cáo không đúng sự thật, chuyển nhượng cho khách hàng. Bằng cách này, Luyện đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng. Trong đó, cơ quan điều tra đã làm việc 4.065 khách hàng tố cáo bị chiếm đoạt 2.108 tỷ đồng.

Xét xử đại án Alibaba: Bị hại từ chối làm bị hại - 2

Các bị hại cập nhật thông tin (Ảnh: X.D.).

Giống như những buổi thẩm vấn trước, có hàng trăm người tới tòa, xếp hàng cập nhật thông tin bị hại để được xét hỏi.

Tại buổi làm việc hôm nay, phần lớn các bị hại đều bày tỏ mong muốn nhận lại đất và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm. Đáng chú ý, ông Doãn Minh Đức xin thôi tư cách là bị hại.

Theo đó, ông Đức trình bày mình có mua một thửa đất với giá 684 triệu đồng do bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) đứng tên. Được xác định tư cách là bị hại thì người đàn ông này bất ngờ xin từ bỏ quyền bị hại để khởi kiện dân sự.

Tiếp đó, bị hại Lê Thị Thanh Hương (quê Gia Lai) cho biết đã đầu tư vào Công ty CP địa ốc Alibaba số tiền 294 triệu đồng cho 3 nền đất. Trong đó, có một nền đứng tên chung với nhân viên Công ty CP địa ốc Alibaba. Khi HĐXX hỏi tại sao đứng tên chung, Hương nói rằng để được hưởng chiết khấu còn được hưởng bao nhiêu thì không nhớ...

Phiên tòa tiếp tục thẩm vấn các bị hại.

Theo quy định tại Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự 2015: "Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra".

Trong vụ án này, bị hại được cơ quan tố tụng xác định gần 4.500 người, đây là những người mua đất của Công ty CP địa ốc Alibaba và bị Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm chiếm đoạt tài sản. Theo điểm b khoản 2 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự thì bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền: "Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu".

Như vậy, không chỉ các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có quyền đưa ra các chứng cứ, đồ vật, tài liệu mà bị hại có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu và đồ vật liên quan để chứng minh có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội, chứng minh những thiệt hại của mình là do hành vi phạm tội gây ra, thậm chí bị hại có thể chứng minh cả những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết quyền lợi của mình như việc giải quyết bồi thường thiệt hại và những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

Trong quá trình tố tụng, người được xác định là bị hại nhận thấy mình không bị xâm phạm quyền lợi thì có thể từ bỏ tư cách bị hại. Trong vụ án này, tòa vẫn đang tiến hành thẩm vấn nên việc có chấp nhận yêu cầu của ông Doãn Minh Đức sẽ được HĐXX xem xét sau.