Chủ tịch Alibaba Nguyễn Thái Luyện: "Việc làm của bị cáo là đúng pháp luật"
(Dân trí) - Bị cáo Nguyễn Thái Luyện khẳng định những hành vi của mình là đúng quy định của pháp luật, không lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo trạng quy kết.
Ngày 9/12, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba) cùng 22 đồng phạm về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.
Phiên xử hôm qua, tòa đã hoàn tất phần thủ tục và công bố cáo trạng. Bước vào ngày làm việc thứ hai, tòa bắt đầu phần xét hỏi.
Người đầu tiên bước lên bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thái Luyện phủ nhận toàn bộ cáo buộc. Bị cáo cho biết cáo trạng truy tố có 8 điểm không đúng, gây oan sai cho bản thân.
Bị cáo Luyện khẳng định mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không dùng thủ đoạn gian dối để lừa khách hàng. Bị cáo cho rằng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa công ty của mình và khách hàng diễn ra công khai, minh bạch. Hàng ngày công ty mở bán các dự bán, có xe đưa đón khách hàng đi xem đất và sẵn sàng giải đáp các thắc mắc về pháp lý.
Tiếp đó, bị cáo Luyện khai việc mình chỉ đạo các công ty con thu mua lại những thửa đất của khách hàng từng mua là đúng quy định của pháp luật.
"Việc làm của bị cáo là đúng với quy định của pháp luật, nếu cáo buộc tôi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì sẽ oan sai, mâu thuẫn với các quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015", bị cáo Luyện nói.
Hồ sơ vụ án thể hiện, bị cáo Nguyễn Thái Luyện dùng một ít tiền cá nhân rồi lấy tiền của khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại tòa, nam bị cáo phủ nhận cáo buộc trên khi khai rằng nguồn vốn để thành lập công ty được tích lũy nhiều năm.
"Năm 2010, bị cáo bắt đầu làm công việc liên quan tới môi giới bất động sản. Thời gian đó, tôi có tích lũy được một số vốn nhất định và có đầu tư đất đai. Sau thời gian tích lũy vốn, kiến thức thì tôi chuyển mình từ chuyên viên môi giới sang đầu tư, lập dự án. Để có tiền đầu tư, tôi bán 2 mảnh đất tại quận 9, nhờ bố mẹ cầm cố tài sản vay ngân hàng, vay bạn bè để có tiền thành lập, đầu tư vào các dự án bất động sản", bị cáo Luyện phủ nhận cáo buộc.
Hồ sơ vụ án thể hiện, quá trình hoạt động, bị cáo Luyện đã thành lập 22 pháp nhân để đứng tên các dự án và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tại tòa, Luyện thừa nhận mình là người đưa ra chủ trương, chỉ đạo thành lập các pháp nhân trên.
"Ban đầu bị cáo thành lập công ty, mong muốn đồng nghiệp trở thành chủ doanh nghiệp nhưng do năng lực và vốn nên chưa phát triển, do đó tôi là người điều hành. Những người đứng tên đại diện pháp luật cho 22 công ty thì không được hưởng lợi mà được hưởng lương tại Công ty CP địa ốc Alibaba", bị cáo khai.
Nguyễn Thái Luyện cho biết việc mua bán quyền sử dụng đất dựa theo Luật đất đai năm 2013 và các quy định khác của pháp luật hiện hành. Theo đó, Luyện khai người sử dụng đất có quyền chuyển nhượng nên mua lại để thành lập dự án. Trước khi thành lập dự án sẽ tìm hiểu đất có quy hoạch đất ở hay không rồi thu mua, hợp đất thành dự án rồi phân lô bán lại, không cam kết về thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khi chủ tọa hỏi trên thị trường bất động sản có công ty nào hoạt động giống bị cáo hay không? Bị cáo Luyện nói hầu hết các chủ đầu tư nhỏ lẻ đều làm giống bị cáo.
Về nguồn vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp thì bị cáo Luyện khẳng định đây là tiền của mình. Ngoài hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thì Công ty CP địa ốc Alibaba còn thành lập công ty truyền thông, công ty vận tải, công ty thời trang…
Tòa hỏi về việc Công ty CP địa ốc Alibaba tăng vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng, bị cáo Luyện khai có một cổ đông muốn góp vốn số tiền 1.600 tỷ đồng vào công ty để cùng hợp tác dự án Tây Bắc Củ Chi nhưng sau đó có sự cố, chính quyền không cấp đất nữa. Vì vậy, Luyện có ý định điều chỉnh vốn điều lệ của công ty, tuy nhiên được tư vấn, góp vốn bằng bất động sản và tài sản góp vốn tương đương 1.600 tỷ đồng. Do đó, công ty quyết định giữ nguyên số vốn là 1.600 tỷ đồng.
Phiên tòa tiếp tục xét hỏi...