1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vụ tham ô tài sản tại ALCII: Kê khống con tàu từ 100 triệu lên 130 tỷ

(Dân trí) - Kết thúc phần tranh luận, VKS bác toàn bộ bào chữa, giữ nguyên quan điểm và cho rằng hành vi của các bị cáo trong vụ án này chính là kê khống con tàu từ 100 triệu đồng lên 130 tỷ đồng để rồi tham ô.<br><a href='http://dantri.com.vn/phap-luat/cac-bi-cao-dong-loat-keu-oan-khong-nhan-toi-tham-o-945615.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Các bị cáo đồng loạt kêu oan, không nhận tội tham ô </b></a>

VKS bác toàn bộ bào chữa, giữ nguyên quan điểm

Vũ Quốc Hảo mong muốn sớm khắc phục hậu quả từ hành vi của mình gây ra
 Vũ Quốc Hảo mong muốn sớm khắc phục hậu quả từ hành vi của mình gây ra

Sau một tuần làm việc, phiên tòa xét xử vụ án “Tham ô tài sản” tại Công ty cho thuê tài chính II – ALCII (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam) đã kết thúc phần tranh luận.

Được nói lời sau cùng, Vũ Quốc Hảo một lần nữa gửi lời xin lỗi tới đồng nghiệp và thân nhân các bị cáo vì hành vi dẫn đến hậu quả ngày hôm nay.

Bị cáo Hảo xin HĐXX xem xét lại hành vi của bị cáo có phạm tội “Tham ô tài sản” hay không? Trong khi bản thân bị cáo, các đồng phạm và gia đình bị cáo, qua các chứng cứ của cơ quan điều tra thì không ai hưởng lợi đồng nào cả. Trong khi cái lợi mang lại là ALCII giải quyết nợ xấu.

Các bị cáo còn lại mong muốn HĐXX xem xét lại động cơ, mục đích và vai trò của mình trong vụ án để xem xét lại tội danh và giảm nhẹ hình phạt.

Trước đó, đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đã bác toàn bộ lời bào chữa của các vị luật sư và giữ nguyên quan điểm của mình, khi cho rằng trong vụ án này chỉ có 1 hành vi duy nhất và 1 tội danh.

Theo đó, đại diện VKS cho rằng, hành vi của các bị cáo trong vụ án này chính là kê khống con tàu từ 100 triệu đồng lên 130 tỷ đồng để rồi tham ô. Vũ Quốc Hảo là Tổng giám đốc ALCII, chịu mọi trách nhiệm về hoạt động của công ty. Bị cáo đã dùng quyền hạn để quyết định chuyển 130 tỷ đồng cho công ty Cát Long Hải, trong khi chỉ nhận lại chiếc tàu như đống sắt vụn sản xuất từ năm 1975. Trong công ty Cát Long Hải có cổ phần của Hảo và Phạm Minh Tuấn.

VKS cho rằng trong vụ án này chỉ có 1 hành vi duy nhất và 1 tội danh
VKS cho rằng trong vụ án này chỉ có 1 hành vi duy nhất và 1 tội danh 

Củng cố quan điểm của mình, VKS lập luận bằng lời khai nhận tội của các bị cáo tại cơ quan điều tra. VKS viện dẫn, Hoàng Lộc đã khai rằng chính bị cáo đã nâng khống giá con tàu lặn Tinro 2 theo ý của Phạm Minh Tuấn để công ty Cát Long Hải bán lại cho công ty ALCII.
 
Phạm Minh Tuấn đã thừa nhận việc bị cáo hợp hợp thức hóa thiết bị lặn sau đó liên hệ với công ty Vinaco nâng khống giá trị để công ty Cát Long Hải bán cho ALCII và thuê trở lại. Và Vũ Quốc Hảo thì thừa nhận công ty cổ phần Cát Long Hải là của Hảo và Tuấn. Hảo phụ trách về mặt tài chính, còn Phạm Minh Tuấn thì phụ trách kỹ thuật.

Đại diện VKS khẳng định chính Hảo đã dùng quyền hạn ký giải ngân 130 tỷ đồng để nhận về con tàu, làm cho nhà nước thất thoát hàng trăm tỷ đồng và cụ thể là 79 tỷ đồng. Ngay tại tòa, bị cáo Hảo đã đề nghị phát mãi tàu để lấy tiền khắc phục hậu quả.

Về vấn đề này, VKS nhấn mạnh số tiền 79 tỷ đồng là sở hữu của công ty Cát Long Hải, quyền sở hữu của ALCII là con tàu mà thôi. Nên nói tài sản nhà nước không bị mất, công ty ALCII không bị mất là không có căn cứ. Các vị luật sư cho rằng mục đích của Hảo là xử lý nợ xấu mà mang về con tàu cũ rồi để mất tiển tỷ của nhà nước thì không thể chấp nhận được.

Việc bị cáo Hảo không thừa nhận tội “Tham ô tài sản”, VKS cho rằng việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chỉ đạo thực hiện sai trái, thực hiện chuyển nhượng bất hợp pháp 130 tỷ đồng vào công ty mình sở hữu, làm mất đi tài sản nhà nước thì không phải tham ô là gì. Theo VKS, tội “Tham ô tài sản” đã hoàn thành ngay sau khi Hảo ký hợp đồng chuyển 130 tỷ đồng cho Cát Long Hải.

VKS cũng bác quan điểm Hảo không chiếm hữu tài sản mà tài sản do ALCII sở hữu của các vị luật sư, khi cho rằng tài sản nằm trong tay công ty Cát Long Hải và Công ty này sở hữu, định đoạt. ALCII chỉ giữ tài sản thế chấp chứ không có quyền định đoạt. Bản thân công ty ALCII không được quyền phát mãi tài sản khi chưa hết thời hạn hợp đồng hay công ty Cát Long Hải không vi phạm… Thiệt hại chính là 130 tỷ đồng đã chuyển cho công ty Cát Long Hải rồi.

Hưởng lợi từ việc bán tàu Tinro 2, VKS cho rằng cả bị cáo Hoàng Lộc và Phạm Minh Tuấn đều có phần. Theo đó, bị cáo Lộc hưởng lợi 39 triệu đồng từ việc thẩm định giá trị tàu. Còn Tuấn đồng sở hữu công ty Cát Long Hải nên đã nâng khống con tàu để hưởng lợi. Cụ thể, Tuấn nhận được khoản tiền 7,9 tỷ đồng để trả nợ xấu cho công ty Xuân Việt của mình. “Nếu bị cáo Tuấn không có quyền lợi thì sẽ không phải bỏ công đi làm chuyện này”, đại diện VKS quả quyết.

Đối với phần bào chữa cho các bị cáo khác, VKS cũng cho rằng, nói các bị cáo không biết mà chỉ làm theo chỉ đạo là không có cơ sở, không thể nói các bị cáo chấp hành một cách mù quáng như thế. VKS kết thúc tranh luận và giữ nguyên quan điểm.

Luật sư đề nghị trả hồ sơ, mời cơ quan giám định nước ngoài

VKS cho rằng trong vụ án này chỉ có 1 hành vi duy nhất và 1 tội danh
Luật sư bào chữa đề nghị trả hồ sơ và mời cơ quan giám định nước ngoài tham gia thẩm định giá trị chiếc tàu Tinro 2

Đối đáp quan điểm VKS, Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (Đoàn luật sư Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Hoàng Lộc cho rằng VKS nói vụ án chỉ có 1 hành vi và 1 tội phạm là không đúng. Vì bị cáo Hảo là hành vi cho thuê, còn Hoàng Lộc là hành vi thẩm định. Bên cạnh đó, quy buộc Hảo và một số bị cáo khác đã nâng khống con tàu từ 100 triệu đồng lên 130 tỷ đồng như quy buộc của VKS là không đúng. Nói như vậy, tất cả giấy tờ: giấy chứng nhận tạm thời tàu biển Việt Nam, giấy chứng nhận khả năng đi biển, giấy chứng nhận cấp tàu của cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào đâu.

Theo luật sư Hằng Nga, Lộc chỉ sai khi nâng giá con tàu từ 85 tỷ đồng lên 130 tỷ đồng. Nhưng việc này sai không phải xuất phát từ việc Lộc biết chủ ý tham ô của các bị cáo khác. Vị luật sư khẳng định Lộc không bao giờ khai việc nâng khống giá tàu như VKS đã quy buộc. Ngoài ra, nói Lộc tư lợi 39 triệu đồng là không đúng, vì số tiền này là theo hợp đồng ký kết giữa hai công ty.

Kết thúc tranh luận, Luật sư Hằng Nga giữ nguyên quan điểm và đề nghị HĐXX trả lại hồ sơ và mới cơ quan giám định nước ngoài thẩm định lại giá trị của chiếc tàu Tinro 2.

Sau ngày xét xử thứ năm, HĐXX thông báo sẽ tuyên án vào lúc 14h ngày 26/9/2014. PV Dân trí sẽ tiếp tục thông tin bản án về vụ Tham ô tài sản tại ALCII này.

Quốc Anh