1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ người mẫu Ngọc Trinh bị bắt tạm giam dưới góc nhìn các chuyên gia luật

Xuân Duy

(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi của Ngọc Trinh thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng. Số đông người xem là cơ sở để xác định tính nguy hiểm của hành vi.

Ngọc Trinh nghe lệnh bắt tạm giam

Ngày 19/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố bị can Trần Thị Ngọc Trinh (hoa hậu, người mẫu, diễn viên Ngọc Trinh, 34 tuổi) về tội Gây rối trật tự công cộng.

Liên quan vụ án, Trần Xuân Đông (36 tuổi, thầy dạy lái xe của Ngọc Trinh) bị khởi tố tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và Gây rối trật tự công cộng.

Vụ người mẫu Ngọc Trinh bị bắt tạm giam dưới góc nhìn các chuyên gia luật - 1

Ngọc Trinh tại cơ quan công an (Ảnh: Công an cung cấp).

Cơ quan điều tra xác định, Ngọc Trinh chưa có bằng lái xe A2 nhưng vẫn cùng Trần Xuân Đông (36 tuổi, ngụ quận 4, huấn luyện viên lái xe của Ngọc Trinh) tổ chức, thực hiện hành vi điều khiển mô tô phân khối lớn với các động tác lái xe nguy hiểm, phản cảm.

Cả hai còn cho tổ chức quay phim, biên tập lại rồi đăng các clip này lên các tài khoản mạng xã hội có số lượng người theo dõi lớn gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên không gian mạng.

Tác động đến trật tự xã hội

Liên quan tới tội danh nữ người mẫu vừa bị khởi tố, luật sư Nguyễn Thành Công (Giám đốc công ty Đông Phương Luật) cho rằng hành vi Ngọc Trinh điều khiển xe ở đường giao thông lại buông 2 tay, nằm trên xe, lái xe 1 tay khi đang ngồi 1 bên rồi quay clip và đăng lên trang cá nhân có nhiều người theo dõi là hành vi có dấu hiệu của tội Gây rối trật tự công cộng quy định ở Điều 318 Bộ luật hình sự hiện hành.

Cụ thể, hành vi trên đã thỏa mãn dấu hiệu của tội danh ở việc đường giao thông là nơi công cộng. Hành vi lái xe bất thường như trên nếu chỉ thực hiện với riêng bản thân mình biết và thấy thì tính nguy hiểm của hành vi là có chừng mực nên không cấu thành tội phạm. Nhưng ở đây Ngọc Trinh cho quay clip và đưa lên mạng là nơi nhiều người thấy, biết nên đã tác động đến trật tự xã hội.

Luật sư Công cho rằng sự tác động này dù gián tiếp nhưng lại có ảnh hưởng đến trật tự xã hội về một hành vi sai phạm được "chính chủ" truyền thông. Việc nhiều người xem nên ảnh hưởng không khác gì trực tiếp. Số lượng người đông đảo đã xem là cơ sở để xác định tính nguy hiểm của hành vi.

Đồng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng gây mất trật tự công cộng là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Người có hành vi gây mất trật tự công cộng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một luật sư khác thuộc Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng hành vi của Ngọc Trinh bị xử lý hành chính là đã đủ sức răn đe, giáo dục. 

Có tổ chức

Ngoài việc khởi tố bị can, nhà chức trách quyết định bắt tạm giam Ngọc Trinh trong 3 tháng.

Liên quan tới vấn đề này, luật sư Nguyễn Thành Công có góc nhìn việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với "nữ hoàng nội y" có phần khiên cưỡng.

Vụ người mẫu Ngọc Trinh bị bắt tạm giam dưới góc nhìn các chuyên gia luật - 2

Luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng việc tạm giam Ngọc Trinh có phần khiên cưỡng (Ảnh: Xuân Duy).

Theo ông Công, Ngọc Trinh đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi điều khiển xe mà không có bằng lái tương ứng và lái xe với tư thế nguy hiểm. Quá trình thực hiện hành vi, Trinh có người hướng dẫn, có người sắp đặt, có người quay phim, cũng có thể có cả phụ trách ánh sáng, hình ảnh, âm thanh khác để tạo ra các clip đẹp.

Toàn bộ các hoạt động trên đủ thỏa mãn dấu hiệu "có tổ chức" theo quy định tại Khoản 2, Điều 318 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù, tức thuộc loại tội nghiêm trọng.

Đối chiếu quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hiện hành, Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp tạm giam đối trường hợp này vì phù hợp nhất với tình tiết "tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội" (Điểm d, Khoản 2, Điều 119). Việc xác định có tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội hay không, cơ quan chức năng căn cứ vào diễn biến hành vi và chuỗi hành vi tiếp theo.

"Cô này bị xử phạt vi phạm hành chính vì điều khiển xe không có giấy phép tương ứng và việc xử phạt này dựa trên các clip đã đăng tải và sự tự thừa nhận của nhân vật. Còn hành vi lái xe bất thường kia chưa bị nhắc nhở hay xử phạt và chuỗi 5 clip này được quay trong thời điểm gần nhau. Vì vậy nếu xem đây là dấu hiệu của việc tiếp tục phạm tội để áp dụng biện pháp tạm giam có phần khiên cưỡng", luật sư Công bày tỏ quan điểm.