Vụ lái taxi tông chết bảo vệ khu đô thị: Có dấu hiệu giết người

Thế Hưng Hải Nam

(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi cố ý sử dụng phương tiện giao thông để đâm vào người khác với mục đích sát hại hoặc bỏ mặc hậu quả xảy ra dẫn đến chết người, là hành vi giết người.

Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội đang điều tra vụ tài xế taxi Trịnh Bá Trọng (39 tuổi) điều khiển ô tô tông tử vong anh V.T.D. (26 tuổi, bảo vệ Khu đô thị Vinhomes Ocean Park).

Theo thông tin ban đầu, chiều 28/3, Trọng đỗ ô tô tại khu đô thị trên thì bị anh D. khóa bánh xe bằng khóa dây vì đỗ xe sai quy định.

Trọng lên xe bỏ đi. Nam nhân viên bảo vệ lái xe máy đuổi theo thì bị Trọng điều khiển ô tô tông trúng dẫn đến tử vong.

Nhà chức trách cho biết, kết quả kiểm tra nồng độ cồn của nam tài xế lái ô tô là 0,454 mg/l khí thở.

Vụ lái taxi tông chết bảo vệ khu đô thị: Có dấu hiệu giết người - 1

Nạn nhân bị tông gục (Ảnh: NT Huong).

Theo dõi vụ việc, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) nhận định, hành vi của tài xế taxi có dấu hiệu của tội giết người.

Theo ông Cường, hành vi gây tai nạn giao thông đã rõ, hậu quả làm nạn nhân tử vong là nghiêm trọng. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ mặt chủ quan của tội phạm, làm rõ lỗi của người gây tai nạn giao thông (vô ý hay cố ý) để xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ hoặc Giết người.

Luật sư phân tích, hành vi cố ý sử dụng phương tiện giao thông để đâm vào người khác với mục đích giết người hoặc bỏ mặc hậu quả xảy ra dẫn đến chết người, là hành vi giết người.

Còn nếu hành vi không có mục đích giết người, không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Vụ lái taxi tông chết bảo vệ khu đô thị: Có dấu hiệu giết người - 2

Cảnh chiếc taxi tông nhân viên bảo vệ (Ảnh: Cắt từ clip).

Dẫn quy định của luật giao thông đường bộ, luật sư Cường cho biết, người tham gia giao thông phải làm chủ tốc độ, chú ý quan sát. Khi gặp chướng ngại vật thì phải giảm tốc độ đến mức thấp nhất, có thể dừng lại. Bởi vậy tất cả những vụ việc mà người tham gia giao thông không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát, đâm vào đuôi xe của phương tiện di chuyển cùng chiều thì người điều khiển phương tiện phía sau có lỗi.

"Pháp luật Việt Nam quy định, mọi hành vi điều khiển phương tiện giao thông đâm vào phương tiện di chuyển cùng chiều, đều vi phạm về luật giao thông đường bộ", luật sư Cường cho biết.

Trong vụ việc trên, ông Cường phân tích, trong trường hợp có căn cứ cho thấy tài xế taxi do thù tức với người bảo vệ nên điều khiển ô tô, là nguồn nguy hiểm cao độ, để đâm thẳng vào người bảo vệ này, sau đó bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra hoặc mong muốn hậu quả chết người xảy ra, thì tài xế ô tô sẽ bị xử lý theo Điều 123 Bộ luật Hình sự, tội Giết người.

Về mặt lý luận thì hành vi vi phạm pháp luật chỉ thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nếu như hành vi thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm bao gồm mặt chủ quan, mặt khách quan, chủ thể và khách thể của tội phạm. Trong vụ tai nạn giao thông nêu trên, hành vi vi phạm giao thông đường bộ là đã rõ, hậu quả là đã rõ, đây là vấn đề thỏa mãn mặt khách quan của tội phạm. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ mặt chủ quan của tội phạm. Trong đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện.

"Trong vụ việc này, trạng thái tâm lý, cảm xúc và lời khai của người điều khiển ô tô là căn cứ để đánh giá mặt chủ quan của tội phạm, xác định lỗi của người điều khiển phương tiện này đối với hậu quả nạn nhân thương tích và tử vong", ông Cường nói và cho biết, khung hình phạt cao nhất của Điều 123 là phạt tù 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. 

Còn nếu tài xế taxi không có mâu thuẫn với nạn nhân, gây tai nạn giao thông nhưng không mong muốn hậu quả nghiêm trọng xảy ra, thì người gây tai nạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1 - 5 năm.

Dù kết quả giải quyết vụ việc này như thế nào, luật sư Cường khẳng định, xử lý về tội gì thì người điều khiển phương tiện vẫn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc đối với nạn nhân trước khi chết, tiền chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần không quá 100 tháng lương cơ bản.