1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vụ Huyền Như: Nhiều đại gia cho vay nặng lãi thoát tội ngoạn mục

(Dân trí) - Do làm ăn thua lỗ, Huyền Như đã vay lãi nặng để trả nợ. Trước áp lực lãi mẹ đẻ lãi con, Như thực hiện nhiều thủ đoạn chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng chỉ để trả lãi vay. Tuy nhiên, nhiều đại gia cho vay nặng lãi trong vụ án này đã thoát tội ngoạn mục.

Tham ô hay chiếm đoạt?

Ngày 7/2, thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt - Phó Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM, xác nhận TAND TPHCM sẽ đưa vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) ra xét xử sơ thẩm vào ngày 8/2.

Hai bị can sẽ ra tòa là Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978, nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ - Vietinbank Chi nhánh TPHCM) và Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank).


Trong phiên tòa này, HĐXX đã triệu tập lãnh đạo ngân hàng Vietinbank.

Trong phiên tòa này, HĐXX đã triệu tập lãnh đạo ngân hàng Vietinbank.

Tháng 2/2015, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM (nay là Cấp cao) đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm của TAND TPHCM xử bị cáo Huyền Như lừa đảo 4.000 tỉ đồng.

Theo đó, cấp phúc thẩm yêu cầu điều tra nhằm làm rõ hành vi tham ô chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng trên tài khoản tiền gửi của 5 công ty vì riêng số tiền này có dấu hiệu tham ô. Vụ án Huyền Như giai đoạn 2 sẽ diễn ra vào ngày 8/2 liên quan đến số tiền này.

Quá trình thụ lý lại, phía cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không phải tham ô như nhận định của cấp phúc thẩm.

Bất đồng quan điểm, TAND TPHCM đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần nhưng cơ quan điều tra và công tố vẫn không thay đổi quan điểm, giữ nguyên quyết định truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Liên quan tới vụ án này ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh tòa hình sự TAND Tối cao) cho rằng, tham ô là hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý; còn chiếm đoạt bằng thủ đoạn nào (gian dối, lạm dụng tín nhiệm, lén lút hay công khai...) không phải là dấu hiệu đặc trưng của tội tham ô tài sản.

Không ai phủ nhận rằng Huyền Như có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng. Tuy nhiên, phải coi tiền của khách hàng đã gửi vào VietinBank là tiền mà VietinBank có trách nhiệm quản lý. Huyền Như đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tiền do VietinBank quản lý.

Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, chưa có trường hợp nào hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do mình quản lý lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản cả.

Theo ông Quế, nếu Huyền Như bị kết án về tội tham ô tài sản thì VietinBank có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng. Tuy nhiên, nếu khách hàng có lỗi hoặc có động cơ không trong sáng khi gửi tiền vào VietinBank hoặc thông đồng với Huyền Như để được “chăm sóc”, hưởng tiền lãi cao hơn so với tiền lãi quy định thì vẫn có thể không buộc VietinBank bồi thường mà buộc Huyền Như bồi thường cho khách hàng. Vấn đề dân sự trong vụ án hình sự phải được giải quyết theo quy định của Bộ Luật dân sự.

Nhiều đại gia cho vay nặng lãi thoát tội

Nguyên nhân thúc đẩy Huyền Như thực hiện nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng là để trả lãi vay quá nặng trong quá trình đầu tư thua lỗ. Khi vụ án bị phanh phui, nhiều đối tượng cho Huyền Như vay nặng lãi đã bị xử lý.

Cụ thể, giai đoạn 1 của vụ án này đã có nhiều bị cáo hầu tòa về tội cho vay lãi nặng (Điều 163 BLHS) như Đào Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Thị Lành, Phạm Văn Chí và Hùng Mỹ Phương và lãnh án từ hai năm án treo đến hai năm tù.

Nếu như cấp sơ thẩm chỉ buộc các bị cáo nộp lại số tiền thu lợi bất chính thì cấp phúc thẩm đã sửa án, buộc các bị cáo nộp lại số tiền dùng thực hiện tội phạm và thu lợi bất chính để sung quỹ nhà nước. Cụ thể, bị cáo Chí là hơn 23 tỉ, Lành 9.028 tỉ, Phương 218,5 tỉ, Dung 440,4 tỉ, Lý 1.296 tỉ…

Đồng thời, hai cấp tòa còn kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục xác minh, làm rõ đối với một số đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng vượt quá 10 lần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm cho vay nhưng chưa bị truy tố gồm: Lê Huyền Trân, Phạm Thái Đông, Luyện Thị Mai Hòa, Kiều Thị Thu Hương, Lê Thị Ngọc Nga, Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung và Trần Thị Nhất.

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát xác định Lê Huyền Trân, Phạm Thái Đông, Luyện Thị Mai Hòa, Kiều Thị Thu Hương và Trần Thị Nhất cho Huyền Như vay từ năm 2008 đến tháng 9/2011. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không thu thập được tài liệu, chứng cứ vật chất nào khác ngoài lời khai của Như và nhóm giúp việc cho Như về việc vay mượn tiền.

Các đối tượng cho vay cũng không thừa nhận đã cho vay lãi suất cao; không có tài liệu chứng minh việc vay mượn giữa hai bên đối với từng khoản vay cụ thể nên không đủ căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự.

Đối với Lê Thị Ngọc Nga từ ngày 1/10/2009 đến 9/10/2009 cho vay 4 tỉ đồng lãi suất 0,6%/ngày và đã nhận 216 triệu đồng tiền lãi. Hành vi này có dấu hiệu tội cho vay lãi nặng nhưng do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên quyết định không khởi tố đối với trường hợp này.

Còn Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung cho Như vay lãi suất 0,4%/ngày (tức 144%/năm, gấp 10,66 lần so với mức lãi suất cao nhất của Ngân hàng Nhà nước) và được hưởng tiền lãi trong gần 3 năm là hơn 660 tỉ đồng. Hành vi có dấu hiệu tội cho vay lãi nặng và tháng 7/2016, công an đã ra quyết định khởi tố bị can. Tuy nhiên, quá trình điều tra, công an không xác định được Trung đang ở đâu nên đã ra quyết định truy nã khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Xuân Duy