1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đắk Lắk:

Vụ hỗn chiến giành đất gây thương vong: Bị hại xin giảm án cho 8 bị cáo

(Dân trí) - Người mẹ có con bị đánh đến tàn tật đã xin giảm án cho các bị cáo trong vụ hỗn chiến giành đất gây thương vong. Tuy nhiên, HĐXX vẫn giữ nguyên tổng mức án 146 năm tù cho 8 bị cáo.

Ngày 27/5, tại TAND tỉnh Đắk Lắk, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã mở phiên tòa phúc thẩm, đưa 8 bị cáo gồm: Phạm Thị Phượng (47 tuổi), Nguyễn Văn Hiệp (29 tuổi), Hà Văn Pha (43 tuổi), Dương Văn Huấn (36 tuổi), Nguyễn Văn Hoàng (31 tuổi), Nguyễn Văn Thủy (28 tuổi), Dương Văn Hiến (31 tuổi), Nguyễn Trọng Tố (33 tuổi, cùng ngụ xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) ra xét xử về tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”.

Vụ hỗn chiến giành đất gây thương vong: Bị hại xin giảm án cho 8 bị cáo - 1

8 bị cáo trong vụ hỗn chiến giành đất tại phiên tòa phúc thẩm

Các bị cáo bị đưa ra xét xử liên quan đến vụ việc hỗn chiến tranh chấp đất lâm nghiệp tại xã Ea Bung giữa nhóm Phạm Thị Phượng và nhóm ông Đặng Văn Hà (Hà “đen”, 48 tuổi, ngụ thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) khiến 8 người nhóm Hà “đen” bị thương vong gây rúng động dư luận vào cuối năm 2017.

Tại phiên tòa, bị cáo Phượng cho rằng thời điểm xảy ra vụ việc khi thấy nhóm Hà “đen” đến giành đất, Phượng điện báo cho cơ quan chức năng và  báo cho 3 người tới “giúp”; bản thân chưa đánh ai trong nhóm này nên bị cáo bị xét xử tội danh giết người là chưa đúng và xin HĐXX xem xét lại tội danh, giảm nhẹ hình phạt.

Riêng 7 bị cáo còn lại đều thừa nhận hành vi phạm tội, ăn năn hối hận và mong tòa sẽ xem xét giảm bớt mức hình phạt mà tòa sơ thẩm đã tuyên.

Vụ hỗn chiến giành đất gây thương vong: Bị hại xin giảm án cho 8 bị cáo - 2

Hiện trường vụ hỗn chiến kinh hoàng làm 8 người thương vong (ảnh CQĐT)

Trong phần trình bày, bà Phùng Thị Độ (mẹ của anh Trịnh Sơn Thành - người bị đánh thương tích 77% trong vụ hỗn chiến) cho biết, hiện con trai bà đã bị tật nguyền buộc phải nằm một chỗ và phía các bị cáo mới chỉ bồi thường tổng cộng 23 triệu đồng cho gia đình bà. Tuy bà rất giận nhưng trong lòng vẫn muốn xin giảm án cho các bị cáo.

“Tôi đứng trước tòa hôm nay để xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các cháu để được sớm hòa nhập lại với xã hội. Đây sẽ là bài học, sự ăn ăn năn hối cải để sau này không lặp lại sai lầm đối với các bị cáo”, bà Độ phát biểu.

Xét tính chất, mức độ của vụ án cùng các tình tiết liên quan trong vụ hỗn chiến, HĐXX đã tuyên giữ y án cấp sơ thẩm đối với 8 bị cáo. Cụ thể, Phạm Thị Phượng 21 năm tù, Nguyễn Văn Hoàng và Nguyễn Văn Hiệp 20 năm tù, Dương Văn Hiến và Dương Văn Huấn 19 năm tù, Nguyễn Trọng Tố 18 năm tù, Hà Văn Pha 15 năm tù và Nguyễn Văn Thủy 14 năm tù về các tội giết người và cố ý gây thương tích.

Theo cáo trạng, vào năm 2010, anh Nguyễn Duy Điển (ngụ tỉnh Bình Phước) mua lại 9,5 ha đất lâm nghiệp từ một người dân thuộc tiểu khu 263, xã Ea Bung với giá 314 triệu đồng, việc mua bán chỉ thể hiện bằng giấy viết tay. Việc canh tác ổn định, cho đến năm 2015 thì không có tranh chấp nào.

Đến năm 2016, anh Điển và ông Đặng Văn Hà (Hà “đen”, 48 tuổi) cùng một số người khác xảy ra tranh chấp. Sau đó, anh Điển viết giấy tay, giao đất cho bà Phạm Thị Phượng trông giữ, canh tác.

Ngày 5/12/2017, Nguyễn Văn Hoàng (con trai Phạm Thị Phượng) san ủi đất thì anh Đặng Văn Sơn (con trai Hà “đen”) dùng dao đuổi chém gây thương tích 5%.

Đến ngày 16/12/2017, anh Sơn cùng Đặng Công Báo (38 tuổi) và Vũ Hồng Phong (50 tuổi) tới cày đất trên diện tích 9,5 ha mà bà Phượng đang canh tác.

Trưa cùng ngày, 2 con trai bà Phượng là Nguyễn Văn Hoàng và Nguyễn Văn Hiệp cùng anh kết nghĩa là Dương Văn Huấn ra ngăn cản. Tại đây, Hoàng nhận ra Sơn là người đã chém mình nên lấy dao rựa đuổi theo, chém trúng tay Sơn.

Nhận được tin, Hà “đen” liền rủ thêm 4 người khác mang theo mã tấu, súng tự chế, gậy gộc kéo vào khu đất đang tranh chấp để giải quyết mâu thuẫn.

Về phần mình, bà Phượng cũng gọi điện báo cho chính quyền địa phương và công an nhờ can thiệp, điện thoại nhờ một số người dân gần đó đến giúp. Đến khoảng 13h cùng ngày, khoảng 30 - 40 người dân ở khu vực gần đó mang theo cuốc, xẻng, gậy gộc…đến giúp bà Phượng giữ đất

Thấy nhóm của bà Phượng đến gần, nhóm Hà “đen” lên thùng xe, cầm dao, mã tấu, gậy đứng chờ. Khi nhóm bà Phượng cách khoảng 2-3m, Đặng Công Hải cầm súng tự chế bắn chỉ thiên. Ngay lập tức, nhóm bà Phượng lao vào tấn công nhóm Hà “đen” hai bên hỗn chiến..

Hậu quả khiến  Phạm Thế Văn tử vong và 7 người khác của nhómHà “đen” bị thương tích gồm: Trịnh Sơn Thành thương tích 77%, Đặng Công Hải thương tích 37%, Đặng Văn Hà thương tích 33%, Đặng Công Báo thương tích 28%, Nguyễn Cao Nguyên thương tích 25%, Đặng Văn Sơn thương tích 19% và Vũ Hồng Phong thương tích 4%.

Thúy Diễm