1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Xét xử vụ gian lận thi cử ở Hà Giang

Con gái ông Triệu Tài Vinh đứng đầu danh sách nhờ nâng điểm

(Dân trí) - Bị cáo Hoài khai, bị cáo Triệu Thị Chính đưa danh sách và nói đây là con em của lãnh đạo và đồng nghiệp, xem xét nâng điểm môn văn. Đứng đầu danh sách đó là thí sinh Triệu Ngọc Mai (con gái của cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh).

Chiều 14/10, TAND tỉnh Hà Giang tiếp tục đưa vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia ở địa phương này ra xét xử. Sau khi kết thúc phần xét hỏi đối với bị cáo Vũ Trọng Lương, HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hoài - nguyên Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Hà Giang. Tại tòa, Nguyễn Thanh Hoài thừa nhận bản thân là người khởi xướng, chủ mưu việc can thiệp sửa chữa nâng điểm cho các thí sinh ở Hà Giang.

Con gái ông Triệu Tài Vinh đứng đầu danh sách nhờ nâng điểm - 1

Quang cảnh phiên tòa.

Hàng loạt cán bộ công an tỉnh, hiệu trưởng các trường, lãnh đạo các phòng giáo dục nhờ nâng điểm

Dù bị cáo Hoài không trực tiếp can thiệp sửa kết quả bài thi nhưng Hoài đã đưa danh sách 93 thí sinh cần nâng điểm cho Lương.

Trình bày lý do nhờ cấp dưới nâng điểm, Hoài nói rằng việc nhờ Vũ Trọng Lương nâng điểm cho 93 thí sinh là việc tình cảm, không phải cấp trên giao nhiệm vụ cho cấp dưới.

Ngoài ra, bị cáo Hoài khai, được bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) đưa mẩu giấy khổ A4, chữ đánh máy có danh sách kèm theo các thông tin số báo danh, địa điểm thi về 13 thí sinh nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm.

“Bị cáo Chính đưa danh sách và nói đây là con em của lãnh đạo và đồng nghiệp, anh xem xét nâng điểm môn văn cho những thí sinh này. Trong số 13 thí sinh chỉ có 1 thí sinh là nhờ xem điểm còn lại đều được bà Chính nhờ nâng điểm. Thí sinh thứ nhất là Triệu Ngọc Mai (con gái của cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh - pv), tôi nhớ rõ, thống nhất điểm là 8, thí sinh thứ 2 không nhớ tên, thứ 3 là con trai của bị cáo Phạm Văn Khuông (Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang)" - bị cáo Hoài khai.

HĐXX tiếp tục hỏi bị cáo Hoài có nhớ những người thân quen nào nhờ bị cáo nâng điểm?

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài không thể liệt kê đầy đủ những người nhờ mình nâng điểm cho thí sinh. Tuy nhiên, khi HĐXX đã nhắc tới ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch UBND tỉnh và chị Triệu Thị Giang (nhờ nâng điểm cho cháu ruột), bị cáo Nguyễn Thanh Hoài trả lời đúng. 

Ngoài ra, Nguyễn Thanh Hoài cũng thừa nhận hàng loạt cán bộ công an tỉnh, hiệu trưởng các trường, lãnh đạo các phòng giáo dục trên địa bàn tỉnh đã nhờ nâng điểm cho các thí sinh khi HĐXX nhắc đầy đủ họ tên.

Con gái ông Triệu Tài Vinh đứng đầu danh sách nhờ nâng điểm - 2

Bị cáo Hoài (phải) và Lương trong phiên xét xử.

Vì sao cửa phòng chứa bài thi trắc nghiệm từ 2 ổ khóa xuống còn 1?

Trong phiên xử chiều 14/10, HĐXX muốn làm rõ chi tiết cửa phòng chứa bài thi trắc nghiệm được khóa bằng mấy ổ khóa và công tác niêm phong như thế nào?

Khai trước tòa, bị cáo Hoài cho biết, tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang quy định, cửa phòng chứa bài thi phải được khóa bằng 2 ổ khóa và giao chìa khóa của mỗi ổ khóa cho Trưởng Ban Thư ký là bị cáo và Trưởng ban Chấm thi là bị cáo Triệu Thị Chính giữ. Mục đích, khi muốn mở phòng chứa bài thi bắt buộc phải có mặt của 2 người này mới mở được.

Tuy nhiên, trở lại lời khai của bị cáo Vũ Trọng Lương trong phiên xét xử sáng cùng ngày: Sau khi can thiệp nâng điểm môn thi trắc nghiệm cho 107 thí sinh trên máy tính xong, đến ngày 7/7/2018, bị cáo Lương có nói với Hoài rằng "Do số thí sinh Lương đã nâng điểm rất cao, khi thông báo sợ Bộ GD&ĐT kiểm tra nên cần sửa chữa bài thi của các thí sinh đã nâng điểm cho phù hợp với kết quả trong đĩa CD1 đã gửi cho Bộ GD&ĐT" và Hoài đồng ý. 

Đến khoảng 9h30 ngày 7/7/2018, Hoài đã đưa cho Lương chìa khóa phòng chứa bài thi môn trắc nghiệm và 1 bì chứa chìa khóa hòm chứa bài thi trắc nghiệm để Lương thực hiện việc đã trao đổi với Hoài ở trên.

Bị cáo cho biết, ngày 7/7/2018, khi bị cáo trao đổi với bị cáo Lương thống nhất với nhau về việc sửa bài thi, bị cáo có biết ngày hôm đó phòng thi trắc nghiệm khóa bằng mấy khóa không? - HĐXX hỏi.

Bị cáo Hoài khai: "Tính đến 16h30 chiều ngày 6/7/2018, toàn bộ bài thi trắc nghiệm đã được chấm xong và niêm phong cho vào hòm tôn khóa lại, số bài thi này đã được bàn giao cho Ban Thư ký. Bị cáo nhận nhiệm vụ là khóa cửa phòng chứa bài thi trắc nghiệm này. Lúc này bị cáo Chính không còn chức năng giữ ổ khóa trước đó được giao nữa và đã giao lại cho Ban Thư ký".

Cũng theo lời khai của bị cáo Hoài, mỗi lần mở niêm phòng cửa chứa bài thi thì bao giờ cũng có công an, bị cáo và bị cáo Triệu Thị Chính cùng 1 thư ký trong Ban Thư ký viết biên bản về tình trạng niêm phong lúc mở hoặc niêm phong lúc khóa".

5 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án gồm: Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT); Vũ Trọng Lương (Nguyên Phó Trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT) bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự; bị cáo Phạm Văn Khuông (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT) và Lê Thị Dung (nguyên Phó Đội trưởng Phòng an ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Giang) bị truy tố tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", quy định tại Điều 366 Bộ luật hình sự; bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT) bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", quy định tại Điều 358 Bộ luật hình sự.

Nguyễn Dương