Vụ chạy thận chết người: Sở Y tế Hòa Bình chưa sâu sát quản lý, giám sát
(Dân trí) - Liên quan đến vụ chạy thận làm 9 người chết xảy ra tại bệnh viện đa khoa BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017, Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đối với hoạt động lọc máu chu kỳ tại Đơn nguyên lọc máu của bệnh viện này, Sở Y tế Hòa Bình chưa sâu sát trong vai trò quản lý, giám sát,…
Theo kết luận điều tra bổ sung lần 3 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình, căn cứ quyết định số 23/2005/QĐ-BYT ngày 30/8/2015 của Bộ Y tế về việc ban hành quy định phân tuyến kỹ thuật và danh mục kỹ thuật trong khám chữa bệnh, trên cơ sở đề nghị của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, Sở Y tế Hòa Bình đã ban hành quyết định số 1293/QĐ-SYT ngày 3/12/2009 về việc phê duyệt danh mục kỹ thuật trong khám chữa bệnh thuộc phạm vi phân tuyến cho BVĐK tỉnh Hòa Bình. Ngày 17/3/2014, Sở Y tế Hòa Bình ban hành quyết định số 173/QĐ-SYT về việc duyệt danh mục kỹ thuật lần đầu đang thực hiện tại các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hòa Bình.
Hai quyết định nêu trên của Sở Y tế Hòa Bình đều phê duyệt kỹ thuật chạy thận nhân tạo cho người bệnh tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Căn cứ quyết định của Bộ Y tế về việc ban hành bảng kiểm tra bệnh viện, các năm từ 2009 đến 2017 Sở Y tế Hòa Bình đều ban hành quyết định kiểm tra 6 tháng và kiểm tra cuối năm đối với các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, trong đó có BVĐK tỉnh Hòa Bình. Năm 2014, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình ban hành quyết định số 406/QĐ-SYT về việc thanh tra thực hiện liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Từ các tài liệu trên thấy rằng, Sở Y tế Hòa Bình đã thực hiện chức năng quản lý, chỉ đạo đối với các bệnh viện trong tỉnh. Tuy nhiên, đối với hoạt động lọc máu chu kỳ tại Đơn nguyên lọc máu của BVĐK tỉnh Hòa Bình thì Sở Y tế chưa sâu sát trong vai trò quản lý, giám sát để xảy ra tình trạng thời gian từ 2015 đến năm 2017, Giám đốc bệnh viện không có quyết định phân công cá nhân phụ trách đơn nguyên; Việc sử dụng hệ thống lọc nước RO dùng trong chạy lọc thận tùy tiện; Đơn nguyên lọc máu không được bố trí nhân lực, không có quy chế hoạt động rõ ràng; Lãnh đạo bệnh viện trong quá trình quản lý, điều hành để xảy ra hàng loạt sai phạm trong thực hiện việc chạy lọc thận nhân tạo dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Do đó, trong kết luận điều tra đã kiến nghị Sở Y tế tỉnh Hòa Bình tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện đối với các bệnh viện trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang thực hiện danh mục kỹ thuật lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác này, nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh lọc thận. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc ban hành các quy trình, quy định, bố trí nhân lực và các điều kiện cần thiết cho chạy thận, cũng như việc thực hiện quy chế bệnh viện, quy định kỹ thuật bệnh viện; quy chế quản lý và sử dụng vật tư, thiết bị y tế.
Diễn biến vụ việc: Ngày 28/5/2017, Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử nước Trâm Anh, ở Bắc Ninh) đến BVĐK tỉnh Hòa Bình sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế lọc nước RO số 2 tại Đơn nguyên thận nhân tạo và đã vô tình để tồn dư hóa chất cấm sử dụng trong y tế trong hệ thống này.
Đến ngày 29/5/2017, nhóm bác sĩ Đơn nguyên thận nhân tạo đã chạy thận cho người bệnh dẫn đến hậu quả 9 người tử vong.
Sau sự việc, Công an Hòa Bình đã khởi tố 7 bị can gồm: Bùi Mạnh Quốc (cựu Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh), Hoàng Công Lương (bác sĩ BVĐK tỉnh Hòa Bình) về tội “Vô ý làm chết người”; Trần Văn Sơn (phòng Quản lý vật tư), Hoàng Đình Khiếu (Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình), Trương Quý Dương (cựu Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình), Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn), Trần Văn Thắng (Trưởng phòng quản lý Vật tư BVĐK tỉnh Hòa Bình) cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nguyễn Dương