1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ án VN Pharma: Xử tội buôn lậu là sai luật?

(Dân trí) - Ngay sau khi TAND TPHCM tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty CP VN Pharma) 12 năm tù và Võ Mạnh Cường 12 năm tù về tội buôn lậu, nhiều chuyên gia pháp luật đánh giá tòa đã xác định sai tội danh của các bị cáo trên.

Được cấp phép nhập khẩu thì không thể là buôn lậu

Theo ông Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao), căn cứ các quy định tại Việt Nam và trên thế giới về thuốc giả, có thể kết luận lô thuốc công ty VN Pharma nhập nhẩu vào Việt Nam là thuốc giả. Trong Bộ luật Hình sự quy định rõ tại điều 53, là người nào mua bán sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh có khung phạt cao nhất là tử hình.

Các bị cáo trong vụ VN Pharma bị tuyên phạt tội buôn lâu.
Các bị cáo trong vụ VN Pharma bị tuyên phạt tội buôn lâu.

Ông Hùng nói: “Điều này thể hiện ý chí của Nhà nước đối với những hành vi xâm phạm tới sức khỏe của công dân, nhất là đối với những mặt hàng thuốc chữa bệnh. Trên thực tế các bị cáo bị truy tố, xét xử và tuyên phạt tội buôn lậu theo điều 153 Bộ luật Hình sự là không đúng”.

“Trên thực tế VN Pharma được cấp phép nhập khẩu thuốc vào Việt Nam, nhưng công ty này lại nhập khẩu thuốc giả. Con đường để lô thuốc này vào Việt Nam cũng không giống như con đường buôn lậu”, ông Hùng cho biết thêm.

Ông Vũ Phi Long (nguyên Phó chánh Tòa Hình sự, TAND TPHCM) phân tích: Nếu chứng minh đây là mua bán thuốc giả thì phải xử tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo điều 157 Bộ Luật Hình sự.

Khung hình phạt của tội này cao nhất là tử hình. Đối với tội danh này, không cần gây hậu quả mà chỉ cần xác định đó là thuốc giả. Còn nếu có hậu quả xảy ra thì mức án càng nặng hơn.

Ông Long cho rằng: “Nếu đủ căn cứ xác định các bị cáo trong vụ án này biết đó là thuốc đã bị thay đổi mẫu mã, thay đổi chất lượng thì cần phải xử lý tội làm hàng giả là thuốc chữa bệnh chứ không phải là tội buôn lậu”.

Sẽ kháng nghị nếu phát hiện vấn đề

Liên quan tới vụ án này, bà Ung Thị Xuân Hương (Chánh án TAND TPHCM) cho rằng, quan điểm xét xử của tòa đã thể hiện và phân tích rất kỹ trong bản án. Căn cứ vào các chứng cứ, phân tích các tình tiết và diễn biến tại phiên tòa thì TAND TPHCM xử nhóm bị cáo tội buôn lậu.

Theo bà Hương, các bằng chứng có trong hồ sơ vụ án và lời khai tại phiên tòa cho thấy thuốc điều trị ung thư được nhập về là thuốc kém chất lượng chứ không phải thuốc giả. Vào ngày 30/8, Bộ Y tế cũng khẳng định đó không phải thuốc giả.

Bà cho rằng: “Tòa án không thể xem xét những yếu tố ngoài phạm vi của hồ sơ và chứng cứ có trong vụ án”.

Bà Hương cũng khẳng định, đây mới là bản án sơ thẩm và các bị cáo hiện đã kháng cáo nên án chưa có hiệu lực pháp luật.

Sau khi TAND TPHCM tuyên án sơ thẩm, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM cũng đã yêu cầu Viện KSND TPHCM báo cáo vụ án và rút hồ sơ vụ án lên để nghiên cứu. Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, đánh giá, nếu thấy có vấn đề gì cần kháng nghị thì sẽ thực hiện theo thẩm quyền.

Theo lãnh đạo Viện KSND Cấp cao tại TPHCM, với một vụ án sau khi xét xử mà gây ra nhiều tranh cãi về tội danh đã đúng hay chưa thì Viện KSND Cấp cao cũng cần phải nắm lại hồ sơ vụ án để có những đánh giá về bản chất và hành vi của các bị cáo.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết, việc rút hồ sơ là để xem có căn cứ kháng nghị đối với bản án sơ thẩm hay không.

Ngày mai, 1/9, TAND TPHCM sẽ trực tiếp báo cáo với lãnh đạo TAND Tối cao về diễn biến và kết quả xét xử vụ án VN Pharma.

Xuân Duy