Vụ VN Pharma buôn thuốc ung thư giả: Sao không truy tố tội hàng giả?
(Dân trí) - Theo nguyên thẩm phán Nguyễn Minh Cảnh, trong vụ án VN Pharma, việc nhập khẩu thuốc giả chắc chắn phải có sự giúp sức của cán bộ khác của ngành y tế về thủ tục nhập khẩu. Ông cũng đặt vấn đề, những bị cáo trong vụ VN Pharma sao không bị truy tố về tội buôn bán hàng giả mà lại truy tố tội buôn lậu?
Trao đổi với Dân trí về vụ án VN Pharma, ông Nguyễn Minh Cảnh (nguyên thẩm phán TAND TPHCM) cho rằng: “Vụ án VN Pharma khiến cộng đồng xã hội rất phẫn nộ khi những người thầy thuốc kinh doanh trên sự đau khổ của bệnh nhân không còn hy vọng sống, cố bám lấy sự giúp đỡ của mọi người. Họ là người có trình độ cao về y học, rành tác dụng của thuốc nên những người này phải chịu trách nhiệm nặng hơn người buôn bán bình thường đối với hành vi này!”.
Nguyên thẩm phán Nguyễn Minh Cảnh đặt vấn đề: “Những bị cáo trong vụ VN Pharma sao không bị truy tố về tội buôn bán hàng giả theo điều 157 BLHS 1999 mà lại bị truy tố về tội buôn lậu,?”.
Theo ông, nếu bị truy tố về tội buôn bán hàng giả theo điều 157 BLHS 1999 thì khung hình phạt sẽ cao hơn, xứng với tội danh của các bị cao hơn là khung 10 – 12 tù của tội buôn lậu mà tòa đã tuyên cho các chủ mưu trong vụ VN Pharma.
Theo luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TPHà Nội), tòa đã bị giới hạn xét xử trong khuôn khổ một phiên tòa. Ông nói: “Căn cứ vào điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định về giới hạn xét xử, thì HĐXX cấp sơ thẩm chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện KSND truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử”.
Ngoài ra, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TPHà Nội) cũng đánh giá việc bản án của tòa tuyên kiến nghị cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện KSND Tối cao điều tra, làm rõ tiếp trách nhiệm của các công chức Cục Quản lý dược là đúng pháp luật.
Nguyên thẩm phán Nguyễn Minh Cảnh cũng cho rằng: “Trong vụ án VN Pharma, việc nhập khẩu thuốc giả chắc chắn phải có sự giúp sức của cán bộ khác của ngành y tế về thủ tục nhập khẩu”.
Luật sư Quynh phân tích: “Theo quy định tại Điều 225 BLTTHS về thẩm quyền của HĐXX khi nghị án và tuyên án, trong quá trình xét xử vụ án nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì HĐXX có quyền kiến nghị biện pháp khắc phục. Kiến nghị của Tòa án có thể được đọc tại phiên tòa cùng với bản án hoặc chỉ gửi riêng cho cơ quan, tổ chức hữu quan”.
Đồng tình với ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Quynh, nguyên thẩm phán Nguyễn Minh Cảnh cho rằng: “Việc HĐXX kiến nghị điều tra tiếp những cán bộ ngành y tế có trách nhiệm trong vụ VN Pharma sẽ bảo đảm tránh sai sót trong tố tụng, bảo đảm tính nghiêm minh của việc xét xử”.
Tại phiên tòa, bị cáo Lê Thị Vũ Phương (kế toán trưởng VN Pharma) khai: “Muốn bán được thuốc tại các bệnh viện phải chi hoa hồng cho bác sĩ. Ngoài lô thuốc H-Capita 500mg, các loại thuốc khác chúng tôi đều phải chi hoa hồng”.
Bị cáo Ngô Anh Quốc (Phó Tổng giám đốc VN Pharma) đã nộp cho Cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền cho nhân viên phòng bán hàng để chi phí cho bác sỹ các bệnh viện mà công ty VN Pharma có quan hệ cung cấp thuốc. Tổng cộng số tiền là gần 7,5 tỷ đồng.
Theo Cơ quan điều tra, đơn vị này đã phát hiện không những trong vụ án này, để đưa thuốc được vào các bệnh viện, VN Pharma đã dùng hàng trăm tỷ đồng để bôi trơn cho bác sĩ.
Do các khoản “bôi trơn” này không có hóa đơn, chứng từ, VN Pharam đã sử dụng “chiêu” nâng khống giá thuốc trong các hợp đồng nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc, rồi chuyển tiền ra nước ngoài, sau đó lấy lại để “bôi trơn”.
Hoài Nam – Xuân Duy