1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ 60 luật sư bào chữa cho 1 bị cáo: Vẫn truy tố tội chiếm đoạt tài sản

(Dân trí) - Nhận định bị cáo Tuyết bị oan, 60 luật sư đã tình nguyện bào chữa miễn phí cho bị cáo. Tại tòa, bị cáo một mực kêu oan nhưng đại diện Viện KSND vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Tuyết phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Sau hơn một tuần xét xử, chiều 19/12, phiên tòa xét xử Trần Thị Tuyết (sinh năm 1984, Tiền Giang) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bước vào phần nghị án. Đây là vụ án có đông luật sư nhất tham gia bào chữa miễn phí cho một bị cáo trong một vụ án.

Bị cáo Tuyết tại phiên tòa
Bị cáo Tuyết tại phiên tòa

Tại tòa, bị cáo Tuyết vẫn tiếp tục kêu oan, cho rằng bản thân bị cáo không chiếm đoạt tiền của Công ty Bảo Định. Cụ thể, Tuyết khai trước khi làm đơn nghỉ việc, từ ngày 1/7/2010 đến 11/4/2013, Tuyết phải trả các khoản nợ khi chuyển đổi từ Công ty Thiên Long sang Công ty Bảo Định.

Theo lời khai của bị cáo Tuyết, từ tháng 3/2010 đến cuối tháng 6/2010, Công ty Bảo Định hoạt động không hiệu quả, vì vậy các hội đồng thành viên (HĐTV) trong công ty huy động vốn nội bộ từ những người này để góp vào hoạt động của công ty lúc khó khăn. Tuyết sử dụng số tiền mượn này để chi cho hoạt động của Công ty Bảo Định chứ không chiếm đoạt.

Sau đó, Tuyết dùng nguồn lãi của công ty để thanh toán trả nợ cho năm người trong HĐTV của công ty từ tháng 7/2010 đến 31/12/2012 thì hết nợ. Tất cả khoản tiền mượn, Tuyết khai tự nhớ và theo dõi trả không có chứng từ và cũng không được kế toán ra phiếu thu cập nhật vào sổ quỹ để theo dõi công nợ.

Mặc dù bị cáo Tuyết một mực kêu oan nhưng đại diện Viện KSND vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Tuyết phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và đề nghị phạt bị cáo mức án từ 12-13 năm tù.

Các luật sư cho rằng Viện KSND truy tố bị cáo là không có căn cứ và đưa ra nhiều lý do chứng minh bị cáo vô tội.

Theo các luật sư, trong quá trình thẩm vấn hai đời giám đốc của công ty Bảo Định là bà Vương Mỹ Huệ và bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, cả hai đều khẳng định công ty không bị mất tiền mặt thì tiền đâu để bị cáo chiếm đoạt như cáo trạng đã quy kết?

Người tố cáo bị cáo trong vụ án này là bà Mai nhưng bà Mai không chứng minh được số tiền bị cáo chiếm đoạt từ nguồn nào mà chỉ dựa trên sổ sách đối chiếu chứng từ, bà Mai tố cáo theo sự chỉ đạo của HĐTV công ty.

Thời điểm bà Mai tố cáo Tuyết trong khi bà này đã nghỉ việc là không hợp pháp; trong thời gian bị cáo bị quy kết chiếm đoạt thì công ty này bị mất nhiều chứng từ; trong quá trình điều tra, điều tra viên cho công ty Bảo Định mượn chứng từ điều tra để đối chứng, liệu họ có dựa trên kết quả điều tra này để sửa lại sổ sách?

Ngoài ra, bị cáo nhiều lần bị kế toán công ty giả mạo chữ ký và kế toán cũng đã thừa nhận việc sai trái này. Việc bà Mai tố cáo Tuyết là do sự chỉ đạo của HĐTV công ty, trong khi đó giữa bị cáo và ông Phan Quốc Dũng (Chủ tịch HĐTV công ty Bảo Định) từng có mâu thuẫn cá nhân. Luật sư cho rằng, việc bà Mai tố cáo Tuyết là không có cơ sở, là vu khống bị cáo…

Như Dân trí đã thông tin, năm 2007, ông Lê Văn Sáu đại diện các thành viên góp vốn bán công ty bảo vệ vệ sĩ Thiên Long cho ông Trần Văn Lên với giá 200 triệu đồng. Thời gian này, Trần Thị Tuyết làm thủ quỹ.

Tháng 8/2008, ông Lên bán công ty Thiên Long cho ông Hồ Tấn Định (ông Định nay đã chết) với giá 50 triệu đồng, nhưng ông Lên không nhận tiền mặt mà tiếp tục góp vốn vào công ty Thiên Long kinh doanh.

Ngày 19/8/2008, công ty Thiên Long đổi tên thành công ty bảo vệ vệ sĩ Bảo Định và hoạt động cho đến nay, bà Tuyết tiếp tục làm thủ quỹ.

Đến ngày 11/4/2013, bà Tuyết có đơn xin nghỉ việc, công ty tiến hành đối chiếu chứng từ, sổ sách và phát hiện tồn quỹ tiền mặt 716 triệu đồng, nhưng bà Tuyết báo cáo chỉ tồn 15 triệu đồng. Sau đó, đại diện công ty tố cáo bà Tuyết.

Theo cáo buộc, bà Tuyết đã lợi dụng sơ hở trong quản lý tài chính của công ty, từ đó dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tiền của công ty.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27/8/2015, dù bà Tuyết phủ nhận việc chiếm đoạt tiền này và kêu oan, Tòa vẫn tuyên án bà Tuyết 12 năm tù. Sau án sơ thẩm, bà Tuyết kháng cáo kêu oan.

Tại phiên tòa phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TPHCM ngày 24/2/2016, HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra xét xử lại.

Trong quá trình tố tụng lần 2, 60 luật sư đã làm đơn tình nguyện bào chữa miễn phí cho bị cáo Tuyết, tuy nhiên chỉ có 38 luật sư kịp làm thủ tục và được TAND tỉnh Tiền Giang cấp giấy bảo vệ cho bà Tuyết trong phiên tòa sơ thẩm lần 2.

Xuân Duy