Vụ 47 tỷ đồng gửi Sacombank "bốc hơi": Ngân hàng nhận lỗi 2 giao dịch
(Dân trí) - Một người ở Khánh Hòa tố bị mất gần 47 tỷ đồng gửi tại ngân hàng Sacombank thông qua 12 giao dịch "khống". Tại tòa, ngân hàng thừa nhận có lỗi trong 2 giao dịch, phần còn lại thực hiện đúng quy trình.
Ngày 15/1, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện đòi tài sản và bồi thường giữa nguyên đơn là bà Hồ Thị Thùy Dương (trú thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) và bị đơn là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Bà Dương là người tố bị mất gần 47 tỷ đồng khi gửi tiền tại ngân hàng này.
Tòa xử phiên phúc thẩm do ngân hàng Sacombank đã có đơn kháng cáo lại toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Cam Ranh hồi tháng 7/2024.
Khách tố gần 47 tỷ đồng "bỗng bốc hơi"
Theo nội dung vụ kiện, giữa năm 2022, tài khoản của bà Dương mở tại Phòng giao dịch Cam Ranh thuộc ngân hàng Sacombank "bỗng bốc hơi" 46,9 tỷ đồng. Qua kiểm tra, gia đình bà này phát hiện có tổng cộng 12 giao dịch để rút số tiền trên, trong đó 9 lần rút tiền mặt, 3 lần ủy nhiệm chi.
Nguyên đơn khẳng định không làm, không ủy quyền cho người khác thực hiện các giao dịch trên. Bà Dương cũng đưa ra bằng chứng về việc giữa tháng 6/2022, bà đang đi du lịch tại Phú Quốc, nhưng lại có một lệnh rút tiền mặt và một ủy nhiệm chi trong thời gian này.
Sau nhiều lần làm việc với ngân hàng bất thành, bà Dương đã gửi đơn cầu cứu Bộ Công an và phản ánh đến các cơ quan báo chí.
Đến tháng 4/2023, ngân hàng làm việc với gia đình bà Dương đồng ý hoàn trả 20 tỷ đồng. Đổi lại vợ chồng bà Dương phải giao nộp cho Sacombank 2 sổ đỏ.
Phía ngân hàng cho rằng 20 tỷ đồng đưa cho bà Dương là tạm chi, không phải hoàn trả. Nếu phán quyết của tòa xác định ngân hàng không sai thì bà Dương phải có trách nhiệm trả lại tiền cho Sacombank.
Do đã nhận 20 tỷ đồng, nên nguyên đơn kiện Sacombank phải trả lại 2 sổ đỏ và hơn 36 tỷ đồng bao gồm tiền gốc 26,9 tỷ đồng và phần còn lại là bồi thường thiệt hại, lãi suất.
Đại diện Sacombank bác bỏ tất cả yêu cầu của nguyên đơn vì cho rằng 12 chứng từ rút 46,9 tỷ đồng đều có chữ ký của bà Dương. Các chữ ký trên đã được trưng cầu giám định, qua đó xác định đúng là bút tích của bà Dương.
Bà Dương lại cho rằng đã bị cán bộ ngân hàng "gài" ký 12 giao dịch trên khi hoàn thiện hợp đồng vay 5 tỷ đồng tại Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh.
Phán quyết của tòa sơ thẩm chấp nhận đơn kiện của bà Hồ Thị Thùy Dương, tuyên buộc Sacombank trả cho nguyên đơn hơn 36 tỷ đồng và 2 sổ đỏ.
Sacombank cho rằng cấp tòa sơ thẩm đã đánh giá không khách quan các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ, làm ảnh hưởng đến ngân hàng nên kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xem xét lại.
Ngân hàng thừa nhận có lỗi trong 2 giao dịch
Ban đầu tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, Sacombank vẫn giữ quan điểm cho rằng do bà Dương đã ký vào 12 chứng từ kế toán nên việc rút tiền là hợp lệ.
Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi về quy trình rút tiền tại ngân hàng Sacombank: "Ngoài chứng từ kế toán còn chứng từ nào khác không?". Đại diện Sacombank trả lời: "Không".
HĐXX đặt ví dụ: "Tôi là người gửi tiền cho ngân hàng. Tôi không đi rút tiền mà vợ tôi đi có được không? Mặc dù tôi là người ký chứng từ, nhưng không có ủy quyền".
"Không được! Theo quy trình của ngân hàng phải có ủy quyền", đại diện Sacombank nói.
HĐXX hỏi tiếp: "Không có ủy quyền tôi muốn rút tiền phải có mặt ở ngân hàng đúng hay không?". Phía ngân hàng trả lời "Đúng".
Phía ngân hàng cũng trả lời trước tòa đây là quy trình "cứng" của Sacombank, tất cả các chi nhánh đều thực hiện theo.
Tuy nhiên trong các tài liệu, chứng cứ mới mà Sacombank cung cấp cho HĐXX tòa phúc thẩm có nhiều nội dung ngân hàng xác nhận bà Dương thực hiện giao dịch chỉ có chữ ký, không có mặt tại ngân hàng.
HĐXX hỏi về 2 giao dịch (một rút tiền mặt, một ủy nhiệm chi) giá trị hơn 5 tỷ đồng khi bà Dương đang đi Phú Quốc, không có mặt tại Khánh Hòa, đại diện Sacombank thừa nhận "Không đúng quy trình" và lỗi này thuộc về nhân viên của Sacombank.
Đối với các giao dịch còn lại, Sacombank vẫn giữ nguyên quan điểm việc rút tiền là hợp lệ.
Vì lý do khách quan nên phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 17/1.
Theo điều tra, năm 2022, bị can Nguyễn Thị Thanh Hà, cựu Phó phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh, đã sử dụng thông tin tài khoản thanh toán và tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại phòng giao dịch này để lập khống hồ sơ, chứng từ rút tiền từ ngân hàng nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân của Hà và Võ Việt Luân, cựu Phó giám đốc Sacombank Khánh Hòa, kiêm Trưởng phòng giao dịch Cam Ranh.
Sau đó, Luân và Hà chi trả các khoản nợ gốc, lãi phát sinh từ các khoản vay bên ngoài của nhóm 21 khách hàng mà 2 bị can này vay từ trước.
Dù biết việc làm trái pháp luật của cấp dưới nhưng Luân không có chỉ đạo xử lý, báo cáo cấp trên.
Sau khi được trưởng phòng giao dịch "làm ngơ", Hà tiếp tục yêu cầu giao dịch viên và thủ quỹ lập, ký chứng từ "khống" tất toán tiền tiết kiệm của người dân được gửi tại phòng giao dịch để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Vụ việc sai trái của các cán bộ tại Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh sau đó được cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn, tuy nhiên vẫn gây thiệt hại cho Sacombank hơn 17 tỷ đồng.
Cơ quan cảnh sát điều tra đã hoàn thành kết luận điều tra đề nghị truy tố Luân, Hà và 3 cấp dưới công tác tại Phòng giao dịch Cam Ranh tội Tham ô tài sản.