1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Viện Kiểm sát: Trịnh Xuân Thanh giữ vai trò quyết định

(Dân trí) - Tại phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, Trịnh Xuân Thanh là người quyết định và chỉ đạo cho chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương thấp hơn giá trị thực nhằm chiếm đoạt số tiền chênh lệch. Bản thân Trịnh Xuân Thanh đã được chia hưởng 14 tỷ đồng từ số tiền chênh lệnh đó.

Không ký hợp đồng sẽ cách chức

Đại diện VKS nhận định, bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây lắp dầu khi Việt Nam (PVC) - trong quá trình điều tra không thừa nhận việc đã thỏa thuận, chỉ đạo bán cổ phần với giá thấp hơn giá trị thực tế để chia nhau chiếm đoạt tiền chênh lệch. Nhưng với tài liệu điều tra cho thấy: PVC do Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT nắm 14 triệu cổ phần, sở hữu 28% vốn điều lệ của PVP Land và theo Quy chế về người đại diện phần vốn của PVC tại các doanh nghiệp khác thì Đào Duy Phong - Chủ tịch HĐQT và Nguyễn Ngọc Sinh - Tổng giám đốc PVP Land (được Thanh ký quyết định cử là người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land) bắt buộc phải báo cáo xin ý kiến chấp thuận của HĐQT PVC và Trịnh Xuân Thanh là người có quyền quyết định trong việc cho phép chuyển nhượng số cổ phần này.


Theo ý kiến của Viện Kiểm sát, Trịnh Xuân Thanh giữ vai trò quyết định (ảnh phiên xử, nguồn: TTXVN)

Theo ý kiến của Viện Kiểm sát, Trịnh Xuân Thanh giữ vai trò quyết định (ảnh phiên xử, nguồn: TTXVN)

Ngày 10/2/2010, Trịnh Xuân Thanh đã có các chỉ đạo về việc tiếp tục thực hiện đầu tư, triển khai dự án Nam Đàn Plaza. Tại cuộc họp này, Trịnh Xuân Thanh nắm rõ các thông tin về dự án, trong đó giá trị sử dụng đất là 25 triệu USD (tương đương khoảng 52 triệu đồng/m2). Nhưng sau khi có cuộc gặp với Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương tại nhà hàng số 1 đường Xuân Diệu (quận Tây Hồ, Hà Nội), Trịnh Xuân Thanh đã gọi điện hỏi Đào Duy Phong về khách đến mua cổ phần và sau đó, theo lời khai của Phong thì Đinh Mạnh Thắng đã gọi điện nói Thái Kiều Hương đưa khách đến gặp Phong.

Tại buổi gặp này, Hương nói đã thống nhất với Trịnh Xuân Thanh, Thanh chỉ đạo giá bán là 40 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Palza nhưng chỉ thể hiện trong hợp đồng là 34 triệu đồng/m2; phần chênh lệch Phong sẽ nhận được 10 tỷ đồng, phần còn lại Hương sẽ có trách nhiệm đưa cho Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng.

Sau đó, Trịnh Xuân Thanh đã ký Nghị quyết số 411 và số 427/NQ-XLDK có nội dung chấp thuận phương án chuyển nhượng trên cơ sở Tờ trình số 07 PVPL/TTr-NĐD ngày 1/4/2010 của Đào Duy Phong theo giá 34 triệu đồng/m2 (tương đương khoảng 16,4 triệu USD và thấp hơn giá trị 25 triệu USD).

Căn cứ lời khai của bị cáo Lê Hòa Bình về việc ngày 5/4/2010, sau khi ký hợp đồng, Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa đã mời các cổ đông Cty Xuyên Thái Bình Dương và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy ăn trưa tại nhà hàng My Way trên đường Hoàng Đạo Thúy (Hà Nội); tại cuộc gặp này có sự xuất hiện của Trịnh Xuân Thanh, Thanh có hỏi Bình đã ký hợp đồng chưa, Thanh nói nếu Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh không ký hợp đồng thì sẽ cách chức.

Căn cứ lời khai Nguyễn Ngọc Sinh về việc Trịnh Xuân Thanh đã thông báo và giới thiệu người mua chứng tỏ Thanh đã biết việc này nên Sinh đã ký Hợp đồng với giá 34 triệu đồng/m2.

Nhận 14 tỷ đồng “lại quả”

Theo cơ quan tố tụng, ngày 6/4/2010, Lê Hòa Bình thực hiện thanh toán 50% giá trị hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho các cổ đông Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Theo lời khai của Thái Kiều Hương, Hương được Đặng Sỹ Hùng nhờ nhận 14 tỷ đồng từ Lê Hòa Bình để chuyển cho Trịnh Xuân Thanh.

Sau khi nhận 14 tỷ đồng từ Lê Hòa Bình, Thái Kiều Hương đã gọi điện nhờ Đinh Mạnh Thắng chuyển cho Trịnh Xuân Thanh và được Thắng đồng ý. Tối cùng ngày, Thái Kiều Hương đã chuyển 14 tỷ đến nhà Thắng, giao cho vợ Thắng là Nguyễn Thị Thanh Vân.

Sáng ngày 7/4/2010, Đinh Mạnh Thắng cho 14 tỷ vào va li kéo và chỉ đạo lái xe của Thắng là Vũ Đức Lưu chuyển cho lái xe của Trịnh Xuân Thanh là Nguyễn Đặng Toàn để chuyển cho Trịnh Xuân Thanh. Lời khai của Thái Kiều Hương, Đinh Mạnh Thắng, Vũ Đức Lưu, Nguyễn Đặng Toàn phù hợp với nhau về việc nhận và chuyển 14 tỷ đồng cho Đinh Mạnh Thắng để chuyển cho Trịnh Xuân Thanh.

Với những tài liệu, chứng cứ nêu trên, có đủ căn cứ kết luận: Trịnh Xuân Thanh chính là người đã quyết định và chỉ đạo cho chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương cho Lê Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT công ty CP xây dựng 1/5 với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực của dự án (52 triệu đồng/m2) với mục đích để chiếm đoạt số tiền chênh lệch và Trịnh Xuân Thanh đã được chia hưởng 14 tỷ đồng từ số tiền chênh lệnh đó.


Các bị cáo tại phiên xử ngày 25/1 (ảnh TTXVN)

Các bị cáo tại phiên xử ngày 25/1 (ảnh TTXVN)

Đinh Mạnh Thắng “tác động” để hưởng lợi 5 tỷ đồng

Tại phiên tòa cũng như quá trình điều tra, bị cáo Đinh Mạnh Thắng thừa nhận được Thái Kiều Hương nhờ tác động đến Trịnh Xuân Thanh và bị cáo đã trực tiếp tác động đến Đào Duy Phong là những người có quyền quyết định trong việc cho phép chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương.

Sau đó, bị cáo được nhận từ Thái Kiều Hương 5 tỷ đồng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh nhận 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo khai không biết số tiền 19 tỷ này là tiền chênh lệch giá từ việc Trịnh Xuân Thanh đồng ý cho phép PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2 thấp hơn giá thực tế là 52 triệu đồng/m2.

Theo đại diện VKS, căn cứ lời khai của bị cáo Thái Kiều Hương, lời khai của Đào Duy Phong khẳng định Đinh Mạnh Thắng tác động, giới thiệu Thái Kiều Hương đến trao đổi về việc chuyển nhượng dự án và các tài liệu khác có đủ căn cứ kết luận: Đinh Mạnh Thắng biết được số tiền 19 tỷ đồng Đinh Mạnh Thắng nhận từ bị cáo Thái Kiều Hương là tiền chênh lệch giá từ việc Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong đồng ý cho phép PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng dự án với giá thấp hơn thực tế để bị cáo được hưởng lợi.

Kết quả điều tra tại phiên tòa đã đủ căn cứ kết luận, các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đã có sự móc nối, chỉ đạo, thông đồng với các bị can Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa để thực hiện việc ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực tế đã đặt cọc 52 triệu đồng/m2 để lấy số tiền chênh lệch là hơn 87 tỷ đồng, chia nhau chiếm đoạt.

Trong số tiền trên, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã chiếm đoạt được 14 tỷ đồng; bị cáo Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt 5 tỷ đồng; Đào Duy Phong chiếm đoạt 8 tỷ đồng; Nguyễn Ngọc Sinh chiếm đoạt 2 tỷ đồng; Đặng Sỹ Hùng đã chiếm đoạt 20 tỷ đồng nhưng do sau khi thực hiện hành vi phạm tội Hùng đã chết nên Viện KSND tối cao đã đình chỉ vụ án đối với bị can Đặng Sỹ Hùng.

Như vậy, các bị cáo và đối tượng Đặng Sỹ Hùng đã chiếm đoạt được 49 tỷ đồng trong tổng số hơn 87 tỷ đồng.

Tiến Nguyên