1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Xét xử vụ tham ô ở PVP Land:

Viện Kiểm sát nói Trịnh Xuân Thanh phải xấu hổ trước xã hội

(Dân trí) - Bác bỏ ý kiến tranh luận của Trịnh Xuân Thanh, đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh: “Bị cáo phải xấu hổ trước xã hội vì trước từng giữ chức vụ cao nhất tại PVC, từng là Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang mà đây là lần thứ 2 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội tham nhũng là tội phạm mà cả xã hội đang lên án.”.

Sáng 3/2, phiên tòa xét xử vụ tham ô xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) tiếp tục với phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát đối đáp lại các ý kiến của luật sư cũng như các bị cáo, đặc biệt là ý kiến của bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Theo cáo buộc, Trịnh Xuân Thanh là người quyết định và chỉ đạo cho chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương cho Lê Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng 1/5 với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực của Dự án (52 triệu đồng/m2) với mục đích để chiếm đoạt số tiền chênh lệch. Thực tế, Trịnh Xuân Thanh đã được chia hưởng 14 tỷ đồng từ số tiền chênh lệnh đó.


Viện Kiểm sát nói Trịnh Xuân Thanh phải xấu hổ trước xã hội

Viện Kiểm sát nói Trịnh Xuân Thanh phải xấu hổ trước xã hội

Tại phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho rằng, Trịnh Xuân Thanh là người có chức vụ, quyền hạn cao nhất ở Tổng Công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), có vai trò quyết định việc cho chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần và chỉ đạo Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh thực hiện; bị cáo chiếm hưởng số tiền 14 tỷ đồng. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo chưa thật thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, chỉ khai nhận một phần hành vi phạm tội của mình.

Ngày 2/2, tranh luận tại tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói rằng bản thân thất vọng về lập luận của VKS. Lập luận của VKS “không khác bản luận tội và biến điều bị cáo làm đúng thành sai”.

Theo bị cáo Thanh, về chia tiền, tại tòa, các bị cáo đều nói không có bất cứ cuộc gọi, liên hệ gì với bị cáo. “Bị cáo nói với công an là tôi chưa bao giờ gọi cho Phong nhưng không ai xác nhận. Có người ngồi đây không ai nói liên hệ trực tiếp với bị cáo, không hiểu bị cáo bàn thế nào mà bảo bị cáo chỉ đạo bán giá thấp. Việc này ảnh hưởng rất lớn khiến người ta nghĩ đây là đấu tố, bè phái. Bản đối đáp của VKS hoàn toàn né trách sự thật. Bị cáo khẳng định bị cáo hoàn toàn vô tội...” - bị cáo Thanh tranh luận.

Sáng 3/2, đối đáp với ý kiến của bị cáo Thanh, đại diện VKS khẳng định, căn cứ quyết định khởi tố bị can đối với bị cáo Thanh, Cơ quan điều tra - Bộ Công an đã thu thập tài liệu chứng cứ. Căn cứ vào đó, VKSND Tối cao quyết định truy tố bị cáo Thanh và các bị cáo khác về tội tham ô là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

“VKS tôn trọng ý kiến của các luật sư và những người tham gia tố tụng khác, tuy nhiên, việc đánh giá các ý kiến này như thế nào là do HĐXX.

Tại phiên tòa này, bị cáo Thanh khai báo không thành khẩn, quá trình điều tra trước đó Thanh khai báo gian dối. Quá trình điều tra xác định, sau khi trả lại số tiền 14 tỷ đồng, bị cáo Thanh dặn Thắng và Hương phải giữ bí mật, coi như tiền mới đến tay Hương và phải hợp thức hóa thành tiền mua cổ phần của Vietsan.” - đại diện VKS nói.

Dẫn ý kiến của bị cáo Thanh cho rằng VKS quy chụp, bị cáo không vi phạm sao phải chỉ đạo Thắng, Hương hợp thức hóa bằng việc hợp thức hóa, đại diện VKS nhấn mạnh: “Bị cáo phải xấu hổ trước xã hội vì trước từng giữ chức vụ cao nhất tại PVC, từng là Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang mà đây là lần thứ 2 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội tham nhũng là tội phạm mà cả xã hội đang lên án. Đề nghị HĐXX có hình phạt thích đáng với bị cáo Thanh.”.

Phiên tòa vẫn đang tiếp tục.

Tiến Nguyên

Bình luận (0)
để gửi bình luận